Những di tích đẹp như mơ, du khách nhất định phải khám phá dịp 10/10
Nếu du khách có dịp đến Hà Nội vào những ngày thu tháng 10, hãy dừng chân ghé thăm cầu Long Biên, Hoàng Thành Thăng Long, Nhà Hát Lớn…, những di tích gắn liền với ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954).
Đúng 16h30 ngày 9/10/1954, những lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện của quân Pháp ở Thủ đô Hà Nội. Sáng 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 tiến vào tiếp quản Hà Nội trong tiếng reo hò của hàng chục vạn người dân. Ngày 10/10/1954 đã trở thành cột mốc lịch sử...
Phố phường Hà Nội tưng bừng kỉ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.
Hà Nội đang trong những ngày thu đẹp nhất khi khắp Thủ đô cờ hoa tung bay kỉ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Nếu du khách đến Hà Nội vào dịp này xin hãy ghé thăm những “nhân chứng lịch sử” để được sống lại không khí hào hùng của dân tộc và check in những bức ảnh đẹp không góc chết.
Cột cờ Hà Nội
Cột cờ được khởi công xây dựng từ năm 1805 dưới thời nhà Nguyễn và mất 7 năm để hoàn thành. Ngày 10/10/1954, lễ thượng cờ Tổ quốc tại Cột cờ Hà Nội đã trở thành giây phút thiêng liêng, đánh dấu mốc son cho lịch sử dân tộc Việt Nam: Thủ đô Hà Nội được giải phóng.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Cột cờ Hà Nội đã trở thành biểu tượng và là điểm thu hút khách du lịch khi dừng chân ở Hà Nội.
Cột cờ Hà Nội có chiều cao 33m, nếu tính cả trụ treo cờ là 44m; được xây dựng gồm 3 tầng đế và 1 thân cột. Cửa hướng Đông phía trên có hai chữ Nghênh Húc, nghĩa là đón ánh sáng ban mai. Cửa Tây với hai chữ Hồi Quang, tức là Ánh sáng phản chiếu; cửa Nam với hai chữ Hướng Minh ý nói hướng về ánh sáng; riêng cửa Bắc không có chữ đề.
Cột cờ nổi bật giữa không gian thành phố bởi nét cổ kính và lá quốc kỳ tung bay trên đỉnh
Lá quốc kỳ được treo trên đỉnh Cột cờ Hà Nội có kích thước 4m x 6m. Bất kể lúc nào lá cờ bị bạc màu hay bị rách sẽ được thay ngay lập tức để giữ gìn một biểu tượng thiêng liêng của đất nước.
Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long
Đây chính là nơi Quân đội ta tập trung khi vào tiếp quản Thủ đô trong ngày 10/10/1954. Di tích nằm ở hướng Nam của điện Kính Thiên thẳng trục với Cột cờ Hà Nội. Đoan Môn nổi bật với ba tầng lầu uy nghi, tráng lệ.
Đoan Môn đẹp nên thơ trong nắng mùa thu.
Trải qua thăng trầm lịch sử, Đoan Môn nói riêng và Hoàng Thành Thăng Long nói chung luôn là địa điểm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước.
Để thu hút khách tham quan, nhiều tour du lịch khám phá Hoàng thành Thăng Long đã được tổ chức.
Đến đây du khách có thể tham quan Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu – Tĩnh Bắc Lâu, Chính Bắc Môn - Cửa Bắc, khu Khảo cổ 18 Hoàng Diệu, Cổng Hành Cung, những công trình kiến trúc kiểu Pháp, Nhà D76...
Ga Hà Nội
Khánh thành vào năm 1902, cùng năm với cầu Long Biên, ga Hà Nội là một trong những ga lớn và quan trọng nhất của đường sắt Việt Nam.
Ga Hà Nội một trong những cơ sở đầu tiên quân đội Việt Nam tiếp quản từ Pháp và trở thành nhân chứng lịch sử cho ngày 10/10.
Với người dân Hà Nội Ga Hà Nội đã trở thành biểu tượng. Tiếng còi tàu đã trở thành ký ức khó phai mờ đối với những người từng sống ở thập niên 90. Trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay, ga Hà Nội được đầu tư đồng bộ với hệ thống phòng đợi tàu, phòng đợi khách liên vận quốc tế bảng chỉ dẫn điện tử, hệ thống internet không dây phục vụ hành khách đi tàu hay hệ thống quản lý đặt chỗ bán vé tự động...
Với du khách, ga Hà Nội không chỉ là điểm đến của một cuộc hành trình. Đây còn là nơi để chiêm ngưỡng, vẻ đẹp của một loại hình giao thông đường bộ.
Đặc biệt, nơi đây còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong các chuyến du lịch. Những năm gần đây, người trẻ có xu hướng du lịch bằng tàu hỏa để vừa đi vừa ghi lại những khoảnh khắc đẹp đẽ và cực "nghệ" của mảnh đất hình chữ S.
Cầu Long Biên
Đây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua con sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên của Hà Nội. Cầu do Pháp xây dựng từ năm 1898 - 1902. Cầu dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn, cầu gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ với lối kiến trúc độc đáo. Cầu được thiết kế với một đường sắt đơn chạy ở giữa còn hai bên là hai làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ.
Ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân dân ta hoàn toàn kiểm soát Thủ đô. Cây cầu cũng là nơi chào đón đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô.
Trải qua năm tháng, cây cầu không còn là một hiện vật vô tri vô giác mà trở thành một phần không thể thiếu của người dân Thủ đô.
Trải qua thăng trầm lịch sử, cầu Long Biên trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội và thu hút nhiều khách du lịch tham quan. Nhiều lễ hội và chương trình văn hóa được tổ chức tại đây để chào mừng các sự kiện lớn của thành phố.
Nhà hát Lớn Hà Nội
Nhà hát Lớn Hà Nội được xây dựng vào năm 1901. Đây là một công trình kiến trúc pha trộn giữa nhiều phong cách. Trong đó, dáng vẻ tân cổ điển thể hiện rõ nhất ở kết cấu kiến trúc, kiểu mái hai mảng được lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí ở bên trong vô cùng độc đáo, tinh tế.
Tất cả những thiết kế tinh tế, độc đáo mang đến cho Nhà hát Lớn Hà Nội một không gian trang trọng, rực rỡ và đầy sức cuốn hút, ấn tượng với du khách tham quan.
Nhà hát Lớn Hà Nội - Điểm hẹn quen thuộc của du khách khi đến với Thủ đô
Không chỉ có kiến trúc độc đáo, Nhà Hát Lớn còn là nhân chứng lịch sử. Vào 15h ngày 10/10/1954, hồi còi tại Nhà hát Lớn Hà Nội báo hiệu lễ thượng cờ lịch sử vang lên trước khi người dân Thủ đô hướng về Cột cờ Hà Nội để thực hiện nghi lễ chào cờ.
Đến nay, Nhà Hát Lớn là một trong những trung tâm văn hoá quan trọng của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây cũng là điểm check in lý tưởng cho khách du lịch khi tham quan Hà Nội.
Nguồn: [Link nguồn]
70 năm đã trôi qua, nhiều địa danh nổi tiếng như Bắc Bộ phủ, Cột cờ Hà Nội, Nhà hát Lớn, cầu Long Biên, ga Hà Nội, chợ Đồng Xuân… dù có nhiều thay đổi...