Những cung đường đẹp để ngắm hoa dã quỳ ở Đà Lạt
Vẫn mùa đông với những cơn gió, vẫn loài hoa khẽ rung theo từng đợt gió hiu hắt với cái tên rất đỗi dịu dàng – dã quỳ.
Dã quỳ thuộc họ cúc, dân gian quen gọi với cái tên cũng rất bình dị “hướng dương dại” phân bố chủ yếu ở khu vực cận nhiệt đới, đặc biệt ở vùng Đà Lạt Lâm Đồng Việt Nam.
Loài hoa bình dị không rực rỡ, không sáng chói như hướng dương nhưng cũng đầy hấp dẫn. Ra hoa vào mùa đông, dã quỳ vàng rực trên những triền đồi và thảo nguyên xanh mát của Lâm Đồng.
Vào mùa hoa về, trên các con đường dài đằng đẵng, cả vùng cao nguyên chìm trong những thảm màu rực rỡ vàng. Hoa mọc đường đi lối lại, bên bờ rào ven đường, trải dài trên các thung lũng, gốc cây…
Màu của hoa quỳ như gom hết tia nắng vào trong năm để khoe sắc làm cho núi rừng sáng bừng trong trời đông , mùa khô về.
Dã quỳ đẹp như vậy nhưng không phải nơi nào ở Việt Nam cũng có bởi loài hoa này vốn không phải là hoa bản địa của nước ta.
Hoa dã quỳ được người Pháp mang vào Lâm Đồng trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Phù hợp với khí hậu cận nhiệt đới hai mùa mưa khô rõ rệt của miền Nam, "cô nàng nước ngoài" nhanh chóng sinh sôi và phát triển mang đến màu vàng trải dài khắp cao nguyên Tây Nguyên.
Nay khi đợt gió mùa mới đang về, đông cũng cận kề, lại một mùa dã quỳ mới sắp bung nở, Depplus xin giới thiệu với các bạn những cung đường ngắm hoa dã quỳ trên khắp đất nước.
Dải hoa ở đường đi Tà Nung năm nay không nhiều, thưa thớt. Về bên Tu Tra , Suối Thông hoa đã bắt đầu nở rộ, sẽ rực rỡ hơn vào cuối tuần này và tuần sau.
Trên đường đi Hàm Thuận (Bảo Lộc, Lâm Đồng) dã quỳ cũng đã bung nở. Đèo Phú Hiệp (Di Linh, Lâm Đồng ) nay hoa mới bắt đầu nở, dự kiến tuần thứ hai của tháng 11 mới rộ sắc. Sân bay Liên Khương hoa đã nở, năm nay không nhiều, một mảng lớn bị chặt, có lẽ họ sắp xây dựng gì đó ở đây.