Những cột cờ thiêng liêng miền biên viễn

Những ngày tháng 4 lịch sử, đi giữa TP.HCM rợp bóng cờ hoa, tôi vẫn hay nhớ về Lũng Pô, Lũng Cú, những cột mốc biên giới mà mình đã có dịp ghé thăm.

Trong những chuyến đi đây đó, tôi vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho những cột mốc biên cương, những cột cờ với lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Như thể, chỉ cần nhìn về nơi ấy để biết rằng mình đang được sống một thời đại hòa bình, tự do đi đến bất cứ đâu trên từng tấc đất non sông.

Những cột cờ thiêng liêng miền biên viễn - 1

Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

“Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ở nơi anh đầu nguồn con nước, lắng phù sa in bóng đôi bờ” - Tôi đã nghe những câu hát này từ rất lâu nhưng mãi đến mùa xuân năm 27 tuổi, tôi mới có dịp được đến thăm cột cờ Lũng Pô thiêng liêng - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Cột cờ Lũng Pô

Cột cờ Lũng Pô

Từ thị trấn Sapa mờ sương, chúng tôi đi ngược lên huyện miền núi Bát Xát của tỉnh Lào Cai. Những ngày đầu xuân, đất trời giao hòa, ven đường hoa đào hoa táo mèo đua nở. Những thửa ruộng bậc thang ở Y Tý đang chờ đổ nước, hứa hẹn một mùa vàng bội thu.

Hơn 3 giờ men theo những con đường ngoằn ngoèo ở lưng chừng đèo dốc, chúng tôi đến được với cột cờ Lũng Pô thuộc xã A Mú Sung. Được khánh thành vào ngày 16/12/2017, cột cờ Lũng Pô cao 31,43m tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3.143m, lá cờ có diện tích 25m2 tượng trưng cho 25 dân tộc anh em sinh sống ở Lào Cai. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979, máu đã đổ, có những người chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ biên ải tổ quốc. Con suối Lũng Pô loang đỏ, hòa vào sông Hồng ngay tại ngã ba nơi nó chảy vào đất Việt.

Ngã 3 nơi suối Lũng Pô đổ vào sông Hồng

Ngã 3 nơi suối Lũng Pô đổ vào sông Hồng

Trước đây, khi chưa có cột cờ Lũng Pô, nơi đây chỉ là địa điểm được dân đi “phượt” chú ý vì có cột mốc 92 nằm sát bờ sông. Còn bây giờ, đây đã là địa điểm tấp nập các đoàn xe tham quan, về nguồn, trở thành địa điểm quan trọng trong tuyến điểm du lịch Sa Pa - A Mú Sung - Y Tý - Lào Cai.

Cột mốc 92 dưới chân cột cờ Lũng Pô

Cột mốc 92 dưới chân cột cờ Lũng Pô

Nơi này mãi nhắc nhớ chúng ta về những trang sử của dân tộc, về những bình yên được đánh đổi bằng xương máu ông cha.

Chiều biên giới em ơi!

Đến cực Nam không thể quên mũi Cà Mau, lên cực Bắc nhất định phải ghé thăm Lũng Cú. Tôi đã vẽ bản đồ Việt Nam hàng trăm lần trong những năm học cấp 3, vẽ những dòng sông, cửa biển, những chấm nhỏ thể hiện vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đọc đúng kinh độ vĩ độ 4 điểm cực…

Cột cờ Lũng Cú

Cột cờ Lũng Cú

Rồi một ngày tôi đến được điểm cực Bắc đã từng vẽ, phần nhô ra cao nhất, xa nhất về phía Bắc. Năm 2010, công trình nâng cấp cột cờ Quốc gia Lũng Cú hoàn thành, thay cho những cột cờ bằng gỗ sa mộc trước đây.

So với cột cờ Lũng Pô, công trình này còn mang một ý nghĩa lớn lao hơn, với quy mô bề thế hơn: cột cờ cao 33,15m, diện tích lá cờ 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em đang sinh sống trên đất nước, chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn của mặt trống đồng Đông Sơn.

Những cột cờ thiêng liêng miền biên viễn - 6

Từ trong sâu thẳm trái tim của mỗi người dân Việt Nam, đều mong một lần được đến với điểm cực Bắc thiêng liêng này, tự hào nhìn lá cờ dân tộc, phóng tầm mắt nhìn khung cảnh bình yên của xóm làng bên dưới. Để có ngày hôm nay, biết bao người đã ngã xuống, biết bao xương máu đã thấm vào lòng đất.

Trong chiến tranh biên giới năm 1979, mặt trận Vị Xuyên, đường biên giới miền biên viễn Thượng Phùng, Săm Pun, Mèo Vạc… của Hà Giang còn lưu truyền biết bao câu chuyện hi sinh anh dũng của quân đội và nhân dân để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Cột cờ Lũng Cú đã trở thành một cột mốc vững chãi khẳng định chủ quyền đất nước, là biểu tượng thiêng liêng nơi địa đầu tổ quốc.

Những cột cờ thiêng liêng miền biên viễn - 7

Dưới bóng vàng sao đầu Lũng Cú

Đá cũng là dân đất nước tôi

Chiều xuống sương bò ra mặt đá

Như người giữ nước đổ mồ hôi

(Đá và cờ ở Đồng Văn – Đỗ Trung Lai)

Tôi đã gặp những bạn trẻ mặc áo đỏ vui vẻ chụp hình, nhìn thấy những em bé theo người lớn kiên trì leo từng bậc thang, gặp rất nhiều bác lớn tuổi trên ngực áo nặng trĩu huân huy chương đứng lặng lẽ trang nghiêm ở cột cờ Lũng Cú, mắt rưng rưng xúc động. Dưới bóng cờ hôm nay, đồng bào người Lô Lô, người Mông… vẫn cần mẫn xếp từng bờ rào đá, trồng trọt, canh tác bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên nhiên.

Từ cột cờ Lũng Cú đi thêm khoảng 3km nữa sẽ đến được điểm cực Bắc. Tôi đứng trên đài quan sát nhìn sang phía đối diện đã là đất Trung Quốc, ngăn cách với bên này bởi dòng sông Nho Quế dưới sâu thăm thẳm.

Những cột cờ thiêng liêng miền biên viễn - 8

Tôi mặc áo dài đứng ở mỏm đất nhô ra cao nhất nơi cực Bắc tổ quốc, cảm giác xúc động khó diễn tả bằng lời. Giống như lúc chạy xe mải miết nơi những bản làng xa tít tắp, đi tìm những cột mốc biên giới tôi vẫn thường bâng khuâng khi bất chợt một bản nhạc cất lên, một tiếng gà gáy vọng lại từ núi xa, hay khói bếp bảng lảng sau những nếp nhà trình tường.

Chiều sớm, chúng tôi ghé quán café ở bản Lô Lô dưới chân cột cờ, quán có cái tên cũng thật đặc biệt: café Cực Bắc. Quán do ông Ogura Yasushy - một người Nhật từng có nhiều năm sinh sống tại Việt Nam và đặc biệt yêu mến Hà Giang xây dựng và giao lại toàn bộ cho gia đình một người Lô Lô quản lý. Từ quán cafe Cực Bắc, chúng tôi nhìn về lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời xanh, tôi nhớ những câu thơ của nhà thơ Lò Ngân Sủn trong bài Chiều biên giới:

Chiều biên giới em ơi

Có nơi nào cao hơn

Như đầu sông đầu suối

Như đầu mây đầu gió như trời quê biên cương

Dọc dài đất nước vẫn còn nhiều cột cờ đặc biệt nơi núi rừng, ngoài hải đảo xa – những cột cờ mang giá trị khẳng định chủ quyền đất nước, mang ý nghĩa thiêng liêng về hòa bình độc lập. Đó là cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) – một cột mốc vững chắc trên biển Đông. Đó là cột cờ được xây trên đỉnh núi Thới Lới (ngọn núi cao nhất ở Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có chiều cao 20m, đế trụ cờ và móng cột cờ bằng bê tông cốt thép, mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa – nơi một phần máu thịt của các cha anh đã mãi nằm lại để đấu tranh giành từng tấc đất chủ quyền.

Những cột cờ thiêng liêng miền biên viễn - 9

Và cả những cột cờ nơi mũi Cà Mau cực Nam tổ quốc, kỳ đài chứng kiến bao thăng trầm ở cố đô Huế hay cột cờ uy nghiêm giữa thủ đô Hà Nội – tất cả không chỉ tạo ra điểm tham quan cho khách du lịch, điểm giao lưu văn hóa, mà còn là biểu tượng của độc lập, là cột mốc vững chắc trên đất liền lẫn trên biển.

Những ngày tháng 4 lịch sử, đi giữa TP.HCM rợp bóng cờ hoa, tôi vẫn hay nhớ về Lũng Pô, Lũng Cú, những cột mốc biên giới mà mình đã có dịp ghé thăm. Hẹn nhau một ngày không xa sẽ chinh phục hết các điểm cực của đất nước, thăm từng cung đường biên ải xa xôi để thêm yêu tổ quốc, thêm trân trọng cuộc sống bình yên và biết ơn những thế hệ đã ngã xuống vì hòa bình.

Những người ở lại Hà Nội dịp lễ 30/4 có thể tận hưởng những ngày nghỉ "không nhàm chán" tại chỗ như cắm trại, food tour, tham quan thành phố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Trần - Huyền Trần, Hữu Long ([Tên nguồn])
Địa điểm du lịch hot 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN