Nhiều du khách sợ đến thủ đô của Pháp vì mắc "hội chứng Paris" bí ẩn
Nhiều du khách nước ngoài khẳng định sẽ không bao giờ trở lại thủ đô của Pháp sau khi ghé thăm nơi đây bởi họ sốc với “hội chứng Paris”.
Nổi tiếng với tên gọi Kinh đô ánh sáng, Thủ đô Paris là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Pháp. Paris luôn mang một vẻ đẹp xa hoa, lịch lãm với các công trình kiến trúc đầy nghệ thuật và những món ăn tinh tế, sang trọng. Du khách có thể đến tham quan Khải Hoàn Môn, nhà thờ Đức bà Paris, tháp Eiffel, bảo tàng Picasso, đền thờ Trái tim cực thánh hay trung tâm Georges Pompidou,… và rất nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn khác tại đây. Tuy nhiên với một số ít du khách, Paris lại trở thành cơn ác mộng bởi họ mắc phải “hội chứng Paris”.
Đây là một căn bệnh hiếm gặp, chỉ xảy ra với một số người khi đến thăm Thủ đô của nước Pháp. Những người mắc phải hội chứng này sẽ có các biểu hiện cực kỳ khó chịu như: Chóng mặt, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, nhìn thấy ảo ảnh, tâm trạng trở nên tồi tệ, mất cảm giác. Một số còn ảo giác thấy bản thân bị hành hạ khiến cơ thể mệt mỏi, buồn bã. Thậm chí có những trường hợp phải nhập viện điều trị trong tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng lớn.
Theo thống kê, du khách Nhật Bản là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng lớn của hội chứng Paris. Từ năm 1998 - 2004, người ta ghi nhận 63 bệnh nhân Nhật Bản phải nhập viện điều trị do mắc phải hội chứng kỳ lạ trên. Sau khi được tiếp nhận điều trị, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng.
Trước sự việc này, các nhà khoa học đã bắt tay vào nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân gây ra hội chứng Paris. Một vài chuyên gia đưa ra nhận định các yếu tố gây ra chứng bệnh này có thể là sự kiệt sức sau chuyến bay dài, lệch múi giờ hoặc làm việc quá sức, căng thẳng trong các chuyến công tác… Hơn nữa Paris vào những ngày mưa ẩm thấp, u ám sẽ chẳng có gì giống với hình ảnh tươi sáng, thơ mộng như trong những bộ phim lãng mạn chúng ta được xem.
Ngoài ra, khác với phim ảnh hay tiểu thuyết, các du khách đôi lúc vẫn phải đối mặt với “thực tế phũ phàng” như những nhân viên phục vụ chưa thật chuyên nghiệp hay tình trạng tội phạm móc túi có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Nạn móc túi ở Paris tồi tệ đến nỗi nhân viên Bảo tàng Louvre hồi năm 2013 phải đình công yêu cầu chính quyền Paris điều thêm cảnh sát để bảo vệ du khách.
Nhiều du khách Nhật cho biết không muốn quay lại Paris vì giấc mơ về một Kinh đô ánh sáng của họ đã biến thành “ác mộng” khi gặp những tài xế taxi thô lỗ hay bị phục vụ “gốc Paris” nói như hét vào mặt chỉ vì họ không nói rành tiếng Pháp. Thậm chí, Đại sứ quán Nhật Bản ở Paris phải giải quyết cho một bác sĩ và y tá lên cùng chuyến để theo dõi sức khỏe cho 4 du khách bay từ Paris trở về Nhật vì họ sốc do “hội chứng Paris” hồi năm 2006.
“Hội chứng Paris” do ông Hiroaki Ota, bác sĩ ngành tâm thần người Nhật đang làm việc ở Pháp, phát hiện lần đầu tiên vào khoảng 20 năm trước. Trung bình mỗi năm, khoảng 12 du khách Nhật Bản trở thành nạn nhân của hội chứng hiếm gặp này, chủ yếu là phụ nữ trên 30 tuổi. Họ thất vọng và sốc tâm lý vì đã kỳ vọng quá nhiều khi lần đầu tiên đặt chân đến Paris.
"Nhật Bản và Pháp là 2 nền văn hóa hoàn toàn khác nhau. Có nhiều bằng chứng cho thấy việc thích nghi với cuộc sống khi xuất ngoại càng khó khăn khi "khoảng cách văn hóa" giữa quê nhà và đất khách càng cao", Tiến sĩ Tâm lý học Nicolas Geeraert tại đại học Essex, Anh cho hay.
Tất cả những điều trên cùng với rào cản ngôn ngữ đã khiến các vị khách rơi vào tâm trạng thất vọng chưa từng có và vô tình làm gia tăng căng thẳng. Mặc dù vậy chỉ có một tỷ lệ nhỏ du khách gặp phải hội chứng Paris nên nó không ảnh hưởng lớn đến hàng triệu người yêu thích du lịch trên thế giới. Còn rất nhiều người muốn đến thủ đô Paris hoa lệ để có những trải nghiệm du lịch thú vị.
Sự "lầy lội" của anh chàng này đã tạo ra những câu chuyện hoàn toàn mới mẻ, hài hước từ những thứ nhỏ bé,...
Nguồn: [Link nguồn]