Người Tây Tạng đón năm mới như thế nào?
Người Tây Tạng (Trung Quốc) đón năm mới bằng việc tổ chức lễ hội Losar. Đây là một lễ hội quan trọng và đậm nét truyền thống của người Tây Tạng.
Lễ hội Losar 2024 – Tết Tây Tạng
Theo truyền thống, người Tây Tạng tính theo lịch của Mặt trăng, trong đó 1 năm gồm 12 tháng. Năm mới của Tây Tạng bắt đầu vào ngày đầu tiên của tháng đầu tiên năm âm lịch, tức mồng 1 tháng Giêng âm lịch.
Năm 2024, lễ hội Losar sẽ được tổ chức từ ngày 10 – 12/2. Phong tục và nghi chào đón năm mới của người Tây Tạng có nguồn gốc từ Phật giáo.
Các nhà sử học cũng nói rằng, lễ hội Losar ở Tây Tạng có thể bắt nguồn từ thời kỳ trước khi Phật giáo ra đời.
Losar thời tiền Phật giáo liên quan đến việc mọi người đốt nhang để cúng dường các vị thần và linh hồn địa phương. Niềm tin của họ là hạnh phúc của các vị thần và thần linh sẽ đảm bảo an lành cho mọi người trong năm mới.
Lễ hội Losar cũng liên quan đến việc người dân tạ ơn khi có mùa màng bội thu. Khi Phật giáo xâm nhập vào văn hóa Tây Tạng, lễ hội Losar cũng mang hơi hướng Phật giáo trong các nghi lễ và phong tục.
Người ta tin rằng, dưới triều đại của Pude Gungyal thế kỷ thứ 7, vị vua thứ 9 của Tây Tạng, có một bà già tên là Belma, người đã dạy người dân cách tính thời gian dựa trên các tuần trăng.
Với niềm tin đó, một số người dân địa phương gọi Losar là Bal Gyal Lo, trong đó Bal ám chỉ Tây Tạng, Gyal ám chỉ Vua và Lo ám chỉ năm.
Lễ đăng quang của nhà vua cũng được tổ chức vào ngày này. Ngày lễ thay đổi hằng năm và đôi khi rơi vào cùng ngày với Tết Nguyên Đán.
1 tháng trước lễ hội Losar, người dân sẽ nhớ về 8 biểu tượng tốt lành. Những biểu tượng này sẽ được vẽ bằng bột trắng trong nhà và tu viện.
8 biểu tượng này bao gồm:
- Parasol: Đại diện cho hoàng gia.
- Cặp cá vàng: Tượng trưng cho sự may mắn trong năm tới.
- Vỏ ốc xà cừ: Truyền bá tư tưởng của Phật pháp.
- Hoa sen: Tượng trưng cho sự khai sáng tâm trí dẫn tới con đường giác ngộ và cõi niết bàn.
- Bình hoa: Tượng trưng cho sự thịnh vượng và trường thọ.
- Cờ chiến thắng: Tượng trưng cho sự chiến thắng những thú vui trần thế như dục vọng, ham muốn và sợ chết, đồng thời dẫn đến niết bàn.
- Bánh xe pháp luân: Biểu tượng Phật giáo quan trọng nhất, tượng trưng cho sự chấm dứt khổ đau rơi trần thế để đến cõi niết bàn.
- Nút thắt vĩnh cửu: Đại diện cho sự kết hợp giữa trí tuệ và lòng trắc ẩn, nhắc nhở con người về những tác động sâu rộng của nó.
Người Tây Tạng đón năm mới như thế nào?
2 ngày cuối cùng của năm cũ được gọi là Gutor, là lúc mọi người bắt đầu chuẩn bị cho năm mới.
- Ngày 1
Nhà bếp đặc biệt phải được dọn dẹp sạch sẽ vì đây là nơi chuẩn bị thức ăn, là phần quan trọng nhất của ngôi nhà. Ống khói được quét sạch bụi bẩn. Đồ ăn được chuẩn bị rất nhiều.
Người Tây Tạng thường nấu súp guthuk ăn kèm với bánh bao. Guthuk là một món súp truyền thống trong nền văn hóa ẩm thực của người Tây Tạng. Nó thường được chuẩn bị và thưởng thức trong dịp như lễ hội Losar.
Guthuk được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau, bao gồm các loại thịt (thường là thịt bò hoặc thịt cừu), rau củ, bắp cải và các loại bột như bột mì.
Món súp này có vị ngon, hương vị đậm đà, thường được gia đình thưởng thức cùng nhau trong buổi tối cuối cùng của năm cũ để tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới.
Điều đáng chú ý là những viên bột có trong món súp này rất đặc biệt, nó được nhét vào nhiều thứ khác nhau như ớt, muối, gạo và than đá. Những thành phần mà người ta tìm thấy ẩn trong viên bột được cho là một lời nhận xét vui vẻ về tính cách của một người.
Nếu một người tìm thấy ớt trong viên bột của họ, điều đó có nghĩa là họ là người nói nhiều. Nếu các thành phần có màu trắng như muối hoặc gạo có trong bột, đó được coi là một dấu hiệu tốt. Nếu một người tìm thấy than trong bột, điều đó có nghĩa là xui xẻo.
- Ngày 2
Vào ngày thứ 2, các nghi lễ tôn giáo được tổ chức. Mọi người đến thăm tu viện địa phương để thờ cúng và tặng quà cho các nhà sư. Họ cũng đốt pháo để xua đuổi những linh hồn ma quỷ được cho là đang ẩn nấp xung quanh.
Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, sau đó mọi người thay quần áo và tiến hành tiệc đoàn tụ.
- Ngày 3
Vào ngày đầu năm mới, mọi người thức dậy sớm và thay quần áo mới sau khi tắm rửa. Sau đó, người dân bắt đầu cúng gia tiên và các vị thần.
Ngày này các thành viên trong gia đình cũng trao đổi quà tặng. Các gia đình tổ chức bữa tối đoàn tụ, thường bao gồm một loại bánh gọi là kapse và một loại đồ uống có cồn gọi là chang, được uống để giữ ấm.
Theo truyền thống, người nội trợ trong gia đình sẽ dậy rất sớm vào ngày đầu năm mới. Khi nấu xong nồi rượu lúa mạch, họ ngồi bên cửa sổ chờ bình minh.
Sau khi đón tia nắng đầu tiên của năm mới, họ sẽ cầm một chiếc xô và đi đến một con sông gần đó hoặc giếng để lấy xô nước đầu tiên của năm. Điều này được coi mang lại điều tốt lành trong năm mới.
Nguồn: [Link nguồn]