Ngôi làng cổ nhất châu Âu hiện ra giữa hồ sau 8.000 năm mất tích

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Giữa một hồ nước lâu đời thuộc bán đảo Balkan, ngôi làng cổ lộ diện với hàng trăm ngôi nhà sàn và hàng chục ngàn cây cọc gỗ được cắm chìm dưới nước như hàng rào phòng thủ.

Nhóm khảo cổ dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu Albert Hafner từ Đại học Bern (Thụy Sĩ) cho rằng ngôi làng có thể thuộc về những người nông dân đầu tiên ở châu Âu, di cư từ bán đảo Tiểu Á 8.000 năm về trước.

Ngôi làng nằm ở vị trí chênh vênh bên bờ hồ, nơi người dân sống trong các ngôi nhà sàn mà tàn tích là hàng trăm cây cọc gỗ còn đứng trơ dưới lòng hồ cổ.

Tàn tích những cây cọc gỗ của nhà sàn và hàng rào phòng thủ được tìm thấy dưới đáy vùng nước nông của hồ - Ảnh: ĐẠI HỌC BERN

Tàn tích những cây cọc gỗ của nhà sàn và hàng rào phòng thủ được tìm thấy dưới đáy vùng nước nông của hồ - Ảnh: ĐẠI HỌC BERN

Chính những cọc gỗ đã giúp các nhà khoa học xác định được niên đại của ngôi làng - từ năm 5800 đến 5900 trước Công Nguyên.

"Điều này có nghĩa đây là khu định cư lâu đời nhất châu Âu mà các nhà khảo cổ từng tìm thấy" - TS Hafner cho biết.

Ngoài những ngôi nhà sàn trên mặt nước, ngôi làng còn được bao bọc bởi hàng ngàn cây cọc gỗ ẩn bên dưới mặt nước, là hàng rào phòng thủ có khả năng đánh đắm thuyền địch.

Các mẩu gỗ đầu tiên từ ngôi làng cổ đã được các thợ lặn phát hiện gần làng Lin của Albania, trên bờ phía Tây của hồ Ohrid vài tuần trước.

Cấu trúc này khá giống một ngôi làng cổ tại địa điểm tiền sử dưới nước khác mang tên Ploca Micov Grad trên bờ phía Đông của hồ Ohird, thuộc địa phận Macedonia, có niên đại "trẻ" hơn vài thế kỷ.

Không rõ hai khu định cư liên quan với nhau thế nào trong quá khứ, nhưng các phát hiện cho thấy hồ nước có lịch sử lâu đời này có thể là nơi chứng kiến văn minh nông nghiệp nảy mầm ở châu Âu.

Những người định cư cổ đại - chủ nhân hai ngôi làng - có thể đến từ khu vực ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ, đem đến châu Âu văn minh nông nghiệp Lưỡng Hà lâu đời hơn. Họ có thể đã giao phối với các cộng đồng săn bắt hái lượm đã định cư nơi đây từ 45.000 năm trước.

Những người di cư này và cộng đồng săn bắt hái lượm cũng đồng thời giao phối với các dân tộc du mục tiền Ấn-Âu như người Yamanaya, vốn di cư từ thảo nguyên Á - Âu từ 5.000 năm trước.

Hầu hết người châu Âu hiện đại đều sở hữu vật liệu di truyền pha trộn giữa 3 dòng tổ tiên này. Do đó, phát hiện về ngôi làng cổ là đặc biệt quý giá trong việc tìm hiểu quá khứ của chính người châu Âu.

Nguồn: [Link nguồn]

Tàu ma “hiện hình” trong mỏ than sau 1.700 năm mất tích

Con tàu ma dài tới 20 m, đáy phẳng như sà lan và có thể là báu vật quan trọng tiết lộ về thành đô Viminacium lừng danh của La Mã.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN