Ngôi chùa cổ cách Hà Nội 60km, sở hữu nhiều 'báu vật' hút khách du xuân

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Cách Hà Nội hơn 60km, chùa Chuông (thuộc thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, TP Hưng Yên) trở thành địa điểm tham quan và du lịch tâm linh hấp dẫn suốt nhiều năm nay nhờ sở hữu bề dày lịch sử, kiến trúc đẹp cùng hệ thống các pho tượng cổ độc đáo.

Theo cuốn Đồng Khánh Địa Dư Chí, chùa Chuông được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XV), nằm trong quần thể di tích Phố Hiến xưa, từng được mệnh danh là “Phố Hiến đệ nhất danh lam”.  

Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nhất là cuộc trùng tu lớn vào năm 1707, ngôi chùa mới hoàn chỉnh kiến trúc và quy mô như ngày nay.

Chùa Chuông (tên gọi khác là Kim Chung Tự) là địa điểm du xuân gần Hà Nội thu hút đông đảo du khách tới vãn cảnh, chiêm bái dịp đầu năm

Theo Ban Quản lý di tích tỉnh Hưng Yên, ngôi chùa cổ được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc liên hoàn” cùng “tứ thủy quy đường”, bao gồm nhiều hạng mục công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc, mỹ thuật thời Hậu Lê đan xen thời Nguyễn.

Ngôi chùa cổ cách Hà Nội 60km, sở hữu nhiều 'báu vật' hút khách du xuân - 5

Nét cổ kính và những hoa văn, kiến trúc thời Hậu Lê được thể hiện rõ rệt trên cánh cổng và mái tam quan.

Các hạng mục đều được bố trí đăng đối, hài hòa trên trục đối xứng từ tam quan đến nhà mẫu, tạo nét kiến trúc “độc nhất vô nhị”, tăng sự tráng lệ, uy nghiêm cho ngôi chùa.

Ngôi chùa cổ cách Hà Nội 60km, sở hữu nhiều 'báu vật' hút khách du xuân - 6

Ngoài kiến trúc đẹp, bề thế, chùa Chuông hiện còn lưu giữ nhiều "báu vật" có giá trị về mặt mỹ thuật cũng như lịch sử - văn hóa như hoành phi, câu đối, chuông đồng, khánh đá….

Tiêu biểu trong số đó là cây cầu đá xanh, cây hương đá (Thạch Thiên đài) được dựng năm 1702 và đặc biệt là tấm bia đá “Kim Chung Tự thạch bi ký” được dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711), mô tả vị trí cảnh quan trong chùa và ghi tên những người có công tu tạo chùa.

Ngôi chùa cổ cách Hà Nội 60km, sở hữu nhiều 'báu vật' hút khách du xuân - 7

Một điểm nhấn ấn tượng khác mà du khách dễ nhận thấy khi ghé thăm chùa Chuông là hệ thống tượng Phật phong phú. Nổi bật là Bát Bộ Kim Cương, Thập Bát La Hán, Thập Điện Diêm Vương cùng bộ Tứ Trấn và hai ông Hộ Pháp được bố trí dọc theo hai dãy hành lang.

Mỗi pho tượng mang một sắc thái, dáng vẻ khác nhau, được các nghệ nhân đương thời tạo tác công phu. Đây cũng là những di sản văn hóa vô giá, là nguồn sử liệu quý cho các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về di tích, địa danh và lịch sử Phố Hiến xưa.

Ngôi chùa cổ cách Hà Nội 60km, sở hữu nhiều 'báu vật' hút khách du xuân - 8

Với những giá trị kiến trúc, lịch sử độc đáo, chùa Chuông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992. Ngôi chùa cũng là 1 trong 16 di tích tiêu biểu nhất trong khu di tích Phố Hiến.

Hằng năm, vào các ngày âm lịch 15/1, 8/4, 15/4 và 15/7, chùa Chuông lại thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương ghé thăm.

Vì chùa Chuông là địa điểm du lịch tâm linh nên du khách tới đây cần lưu ý lựa chọn trang phục lịch sự, kín đáo, đồng thời phải tuân thủ các quy định và nghi lễ của chùa, giữ gìn trật tự và vệ sinh chung…

Nếu có dịp thăm chùa Chuông, du khách có thể kết hợp khám phá một số điểm đến hấp dẫn khác ở địa phương như: Đền thờ Chử Đồng Tử (ở huyện Khoái Châu); Làng Nôm (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm); Chùa Phúc Lâm (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi),…

Ngoài ra, tới đây, du khách cũng đừng quên thưởng thức một số món ăn, đặc sản nổi tiếng như bún thang lươn, nhãn lồng, bánh cuốn Phú Thị, chả gà Tiểu Quan, bánh răng bừa Văn Giang,…

Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Đi lễ chùa đầu năm mới từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Không hẳn là sẽ cầu gì được nấy, nhưng đây như một cách để tiếp thêm năng lượng tích cực bước vào một năm mới tự tin, an nhiên hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thảo Trinh ([Tên nguồn])
Địa điểm du lịch hot 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN