Nghi lễ Phathi của người chăm
Không hoành tráng, cầu kỳ và nhiều nghi lễ như những người Chăm Bà Ni vùng Bình Thuận, Ninh Thuận, nhưng nghi thức Phathi (tiễn biệt người quá cố) của người Chăm ở Tây Ninh cũng khá đặc sắc.
Ông Chàm Hêm (71 tuổi, ở ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng, Tân Châu, Tây Ninh) kể về những nét độc đáo và ý nghĩa lễ Phathi của dân tộc mình: Khác với những dân tộc khác, tục lệ mai táng của người Chăm cổ rất cầu kỳ và đặc biệt, thường diễn ra trong 3 ngày liền. Theo đó, khi trong cộng đồng mình có một người chết đi, người Chăm sẽ tiến hành an táng, thường là trong những khu đất trống, cách xa nơi dân cư sinh sống.
Mặc dù lễ an táng diễn ra rất cầu kỳ nhưng nấm mộ của người đã khuất lại rất… đơn sơ. Thậm chí, chỉ những người Chăm mới biết đó là mộ phần của người thân mình bởi họ thường không đắp mộ. Việc này cũng thể hiện một điều, với cộng đồng người Chăm, tất cả những người không may nằm xuống đều được người sống tưởng nhớ như nhau.
Làm lễ bên nấm mộ người đã khuất
Hằng năm, vào các ngày lễ, tết của dân tộc mình, tất cả mọi người cùng ra nghĩa trang thăm người đã chết, không quan trọng người đó khi sống có phải là thân nhân của mình không!
Hiện nay, do nhiều điều kiện, lễ Phathi của người Chăm ở Tây Ninh không còn cầu kỳ như xưa. Theo đó, Phathi thường chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 1 ngày nhưng cũng đầy đủ nghi thức, vẫn thể hiện đầy đủ những tình cảm thiêng liêng của người sống và người đã ra đi.