CLIP: Ngất ngây trước vẻ đẹp yên bình của rừng gừa ở miền Tây
Đến Khu Di tích lịch sử Giàn Gừa, nhiều người sẽ cảm thấy khoan khoái, mát mẻ và rồi tận hưởng ngay cái không khí trong lành làm xoa dịu đi cái nắng oi bức.
Mặc cho cái nắng chói chang của những ngày tháng tư, nhiều khách du lịch vẫn đến Khu Di tích lịch sử Giàn Gừa (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), một địa điểm làm người ta nhớ mãi bởi vẻ đẹp huyền bí mà thiên nhiên tạo nên làm say đắm lòng người.
Đến đây, nhiều người sẽ cảm thấy khoan khoái, mát mẻ và rồi tận hưởng ngay cái không khí trong lành, góp phần xoa dịu đi cái nắng oi bức.
Nằm cách trung tâm TP Cần Thơ trên 10 km, một rừng gừa nguyên sinh khổng lồ xuất hiện phía trước với rất nhiều thân to, nhánh nhỏ quyện chặt vào nhau tuyệt đẹp, che phủ cả một diện tích rộng lớn.
Những cành gừa còn in hằn vết tích chiến tranh do bom đạn
Giàn Gừa đã được xếp hạng là Di tích lịch vào năm 2013. Ngày 13-6-2013, những cây gừa cổ thụ đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Việc công nhận này, vừa mang ý nghĩa bảo tồn gen cổ cho loài thực vật đặc trưng ở ĐBSCL, vừa mang ý nghĩa lịch sử.
Nơi đây từng là cơ sở cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ gắn liền với lịch sử khai hoang mở cõi của nhà Nguyễn và lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của quân và dân nơi này. Trong khu Giàn Gừa có miếu thờ Bà Thượng Động Cố Hỉ và đền thờ Bác Hồ. Hàng năm vào ngày 28-2 (âm lịch), tại đây diễn ra lễ hội vía Bà thu hút nhiều người đến tham dự.
Không nhộn nhịp, ồn ào, tấp nập như ở thành thị nhưng khi đến với rừng gừa nguyên sinh này, du khách như lạc bước vào không gian mới lạ, cảnh vật như hình ảnh trong một bộ phim thiên nhiên mê hoặc, đẹp đến nao lòng.
Du khách đến cổ miếu thắp nén hương cầu bình an
Đang thắp nén hương dâng lên ngôi miếu thờ Bà Thượng Động, chị Lê Thị Tuyết Xuân (ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cho biết điều chị thích nhất nơi đây là không gian thanh bình, mát rượi; còn gừa thì không mọc từng cây như những nơi khác nên rất lạ và độc đáo.
"Tôi và gia đình thường xuyên đến đây để thắp hương cho Bà Thượng Động để cầu mong mọi điều tốt đẹp. Việc cúng Bà và những người đã khuất mặt, những người có công khai khẩn đất đai bờ cõi, những anh hùng liệt sĩ là một hành động hướng về cội nguồn và tri ân với tiền nhân", chị Xuân thổ lộ.
Cây gừa cổ thụ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam
Giàn gừa quanh năm phủ một vẻ không gian yên tĩnh mà ai đến đây cũng phải lắng lòng. Trước khi rời đi, những chiếc lá khô rơi xào xạc cùng tiếng chim hót líu lo trên những tán cây gừa rợp bóng mát như ru vào lòng người một nỗi niềm riêng và hẹn ngày trở lại, để tận hưởng cái vẻ đẹp hoang sơ, trong lành mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi này.
Ông Nguyễn Trãi, thư ký Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Giàn Gừa, cho biết Giàn Gừa đã có hơn 166 tuổi. Trước kia, cây gừa mọc tự nhiên và có diện tích rất lớn nhưng do sự tàn phá của bom đạn thời chiến tranh và sự tác động của môi trường, nên hiện chỉ còn khoảng hơn 4.000m2.
Tuy nhiên, hiện nay nhờ được sự chăm sóc thường xuyên của ban quản lý nên cây gừa mọc nhiều hơn, tốt hơn. Chính quyền địa phương đang có kế hoạch nâng cấp, triển khai một số dịch vụ tham quan, giải trí phục vụ du khách đến thăm Giàn Gừa để vừa tạo không gian trải nghiệm văn hóa tâm linh thú vị, vừa là địa điểm lý tưởng để mọi người đến tham quan vào dịp cuối tuần, lễ, Tết.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau mùa cúc họa mi trắng tinh khôi, đến lượt những đóa thạch thảo tô sắc tím cả một khung trời Đà Nẵng. Khu vườn...