Ngang qua một mùa vàng
Khi những thửa ruộng bậc thang trải màu vàng óng ả, khi gió thu khẽ mơn man thoảng mùi ổi chín cũng là lúc dân phượt cả nước xách ba lô rong ruổi khắp các cung đường thơm mùi lúa chín hay bồng bềnh trong những biển mây.
Tà Xùa - những biển mây
Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La) mùa nào cũng đẹp, mùa xuân có hoa đào, hoa mận trắng xóa đồi; mùa hè có ruộng lúa xanh mướt, có trời xanh mây trắng. Nhưng, thời điểm trời đất ưu ái cho Tà Xùa nhất, phải là từ tháng 9 trở đi, lúc đất trời khe khẽ sang thu.
Cứ vào độ này, lúa bắt đầu chín, mùa “săn” mây cũng bắt đầu. Du khách tới đây sẽ rất dễ dàng bắt gặp cảnh biển mây trôi bồng bềnh bên trên những vạt lúa chín rộ. Con đường từ trung tâm Tà Xùa lên Xím Vàng vô cùng hùng vĩ với nhiều khúc cua gấp, nhìn từ xa như dải lụa vắt ngang giữa núi rừng Tây Bắc. Dọc hai bên đường là những người mẹ trẻ vô tư ngồi bên đường đan áo, những đứa trẻ tung tăng đến trường, trên những mỏm đá thấp thoáng vạt váy hoa rực rỡ sắc màu phơi dưới nắng.
Khác với Mù Cang Chải hay Hoàng Su Phì nhộn nhịp du khách, mùa lúa chín Xím Vàng có phần bình yên hơn. Cũng chính vì vậy, bạn có thể lang thang đi lạc trong những bản làng người Mông, ngồi ngẩn ngơ ngắm mây trời từ những quán cà phê bên đường. Mùa này táo mèo cũng đang độ chín rộ, ngả màu từ xanh sang vàng ươm. Quả táo mèo ăn có vị chua, thường được chế biến thành các món ăn vặt như ô mai, ngâm đường… Thế nhưng, gây ấn tượng và nhớ thương nhiều nhất, chắc chắn chỉ có thể là rượu táo mèo – món đồ uống thích hợp nhâm nhi vào những đêm lạnh ở vùng núi cao, bên bếp lửa với miếng thịt trâu gác bếp và râm ran câu trò chuyện.
Ảnh: Shutterstock.
Buổi sáng thức dậy sớm chạy xe máy vòng vèo một quãng đường xa rồi đi bộ ra sống lưng khủng long nổi tiếng chiêm ngưỡng cảnh mây tràn về bao quanh thung lũng. Cầm trên tay ly mì nóng hổi với quả trứng gà luộc thôi nhưng với khung cảnh thần tiên trước mắt, ai cũng nghĩ mình đang là những kẻ may mắn hạnh phúc nhất thế gian.
“Thiên đường” Hoàng Su Phì
Nằm về phía Tây tỉnh Hà Giang, Hoàng Su Phì là thiên đường của những thửa ruộng bậc thang uốn lượn ven đường. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì dưới bàn tay chăm sóc của những người dân tộc La Chí, Dao, Mông chăm chỉ khéo léo trở thành những bức tranh, những tuyệt tác của thiên nhiên.
Ảnh: Shutterstock.
Từ thị trấn Bắc Quang men theo con đường DT 177 bạn sẽ đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác khi sau mỗi khúc cua, mỗi đoạn đường lại mở ra một bức tranh diễm lệ của cảnh vật: màu vàng óng của lúa xếp tầng lên nhau chạy dài tít tắp vô tận, màu xanh của cây rừng, của bầu trời mùa thu. Nếu thong thả, hãy dừng xe tắt máy ven đường, ngồi dưới tán cây nghe gió thu mát lành và đắm chìm trong hương lúa thơm ngọt lành tràn khắp không gian.
Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Thông Nguyên, Nậm Ty, Tả Sử Choóng, Bản Nhùng, Pố Lồ, Thàng Tín, Nậm Khòa… những địa danh nghe lạ tai nhưng rất đỗi quen thuộc với những phượt thủ mê săn lúa, săn mây mùa thu. Trong đó Bản Phùng là địa điểm có view ngắm ruộng bậc thang thuộc hàng đẹp nhất.
Ảnh: Shutterstock.
Ghé homestay của anh La Chí Phong – người dân tộc La Chí, việc duy nhất mà nhiều du khách muốn làm chỉ đơn giản là nằm đung đưa trên võng nhìn thảm lúa vàng trải dài dưới thung lũng, có chỗ lúa đã ngả vàng óng, có nơi mới chớm vàng, có ruộng gặt sớm đã trơ gốc rơm xám. Tất cả tạo thành dải lụa mềm mại uốn lượn vắt ngang lưng núi, buổi sáng khi mặt trời mọc, dải lụa ấy ẩn hiện trong sương sớm với đầy đủ nét quyến rũ, mơ màng.
Leo núi Chiêu Lầu Thi
Đỉnh Chiêu Lầu Thi cao 2.402 m so với mực nước biển, thuộc dãy Tây Côn Lĩnh, là ngọn núi cao thứ hai của Hà Giang. Con đường dẫn lên Chiêu Lầu Thi uốn lượn với những góc cua gắt, lởm chởm đá và dốc nhưng càng lên cao càng được chiêm ngưỡng sự biến đổi của thảm thực vật.
Hai bên đường là rừng tống quá sủ cao sừng sững hiên ngang đang mùa thay lá vàng. Gần đến đỉnh núi thì những vách rêu đỏ tía càng đậm màu, những đồi núi phủ lớp áo xanh, đỏ như mời gọi bước chân du khách. Chiêu Lầu Thi còn nổi tiếng với giống chè shan tuyết cổ thụ được trồng lâu năm, những thân chè cao như cây gỗ vững chắc đã chọn nơi núi cao sương gió để bén rễ lớn lên, rồi theo năm tháng càng thêm hương đậm vị.
Ngủ một đêm ở homestay của chú Phú gần chân núi, chúng tôi thử tắm nước lá thuốc của người Dao Đỏ. Thứ nước tắm được bào chế đặc biệt của riêng người Dao Đỏ với đâu đó mấy chục loại nguyên liệu tự nhiên. Ngâm mình trong thùng tắm bằng gỗ pơ mu, bao nhiêu mệt mỏi bụi đường tan biến hết, chỉ còn lại cảm giác sảng khoái tận cùng.
Ảnh: Shutterstock.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi thức dậy từ 5 giờ sáng, hoàn thành nốt đoạn đường còn lại men theo những bậc thang bê tông để chạm vào chóp núi Chiêu Lầu Thi 2.402m. Phần thưởng cho những lữ khách đường xa, chẳng mong cầu gì hơn là một buổi bình minh thiên thời địa lợi được chiêm ngưỡng trọn vẹn cảnh mặt trời lên giữa biển mây bồng bềnh, thu vào tầm mắt núi đồi bao la.
Đi chợ phiên Bắc Hà
Làm sao có thể rời Tây Bắc mà chưa đi một buổi chợ phiên, chưa uống rượu ngô men lá, chưa ăn thử vài món lạ trong chợ. Trên con đường từ Lào Cai sang Hà Giang, nếu có cơ hội bạn hãy thử ghé một phiên chợ ở nơi này. Chợ phiên ở Bắc Hà thường họp vào ngày chủ nhật từ sáng sớm đến tận trưa, có vô số chợ phiên nằm cách nhau khoảng vài chục km để bạn lựa chọn: chợ Lũng Phìn, chợ Cốc Ly, chợ trâu Bắc Hà… Để hiểu rõ hơn về một vùng đất, hãy một lần đi chợ ở nơi đó, ngắm nghía mọi thứ, trò chuyện với người địa phương, mua vài món đồ, thế là đất lạ hóa thân quen.
Ảnh: TripAdvisor.
Khu ẩm thực của chợ là phần hấp dẫn tôi nhất trong mỗi chuyến đi. Ẩm thực vùng cao là cả một chân trời mới lạ từ nguyên liệu, cách chế biến đến thưởng thức. Phải ngồi ở chiếc bàn có ghế dài, bên cạnh là những người phụ nữ mặc váy xòe, đeo vòng cổ sặc sỡ, phải ăn một tô phở Bắc Hà, uống cạn chén rượu ngô men lá giữa khung cảnh tiếng nói cười huyên náo mới cảm giác trọn vẹn một buổi chợ. Bên cạnh đó, còn vô số món lạ ở chợ mà bạn nên thử mỗi loại một chút cho biết: mèn mén, thắng cố, bánh đúc ngô, bánh chen, bánh gấc… Thật ra những món ăn ở chợ phiên không hẳn ngon vì hương vị mà có lẽ vì bầu không khí, vì cảm giác thích thú khi được thiết đãi bằng tất cả sự nhiệt tình của người địa phương.
Lúa bên đường đã chín vàng, mây đã tràn về khắp thung lũng, trời đang cao và xanh hơn. Vậy thì bạn còn chần chừ gì mà không lên đường ngắm trọn mùa vàng – mùa đẹp nhất năm?
Xã Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) được du khách biết đến với vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của núi rừng. Đặc biệt, mỗi khi đến mùa lúa chín, nơi đây được nhuộm sắc vàng...
Nguồn: [Link nguồn]