Nếu chỉ có 24 giờ ở Sa Pa
Sa Pa có nhiều cách di chuyển thuận tiện từ Hà Nội và vẫn có thể trở thành điểm nghỉ cuối tuần dù không có nhiều thời gian.
Cách Hà Nội khoảng 300 km, Sa Pa có nhiều cách di chuyển. Đi tàu hỏa từ đêm hôm trước sẽ mất khoảng 7-8 tiếng và lên đến nơi vào sáng sớm hôm sau. Đi bằng ô tô giường nằm mất khoảng 5,5 tiếng còn đi limousine vào khoảng 4,5 tiếng.
Sa Pa mùa hè có thời tiết mát mẻ, trong lành và tha hồ săn mây.
Mùa hè, Sa Pa có không khí trong lành, thoáng mát, đặc biệt thích hợp để "trốn" khỏi cái oi bức nơi thành phố và tận hưởng sương mù trên núi cùng những món ăn ngon. Nếu bạn băn khoăn muốn đi Sa Pa và chỉ có hai ngày nghỉ cuối tuần thì vẫn có thể thực hiện được mà không cần nghỉ phép thêm. Tư vấn 24 giờ ở Sa Pa dựa trên trải nghiệm của một travel blogger vừa có chuyến đi vào giữa tháng 6.
Thời gian di chuyển
Nếu bạn có thể đi được từ tối thứ Sáu thì chọn phương tiện tàu hỏa hoặc ô tô giường nằm là thuận tiện nhất, ngủ một giấc là sáng sớm hôm sau đến nơi chơi được nhiều. Nếu thấy thứ Sáu đi làm về hơi cập rập thì có thể khởi hành vào sáng thứ Bẩy, đi bằng limousine hoặc ô tô giường nằm, tới khoảng 12h trưa tới nơi là kịp thời gian ăn một bữa và check-in khách sạn.
Chỗ ở
Sa Pa có nhiều lựa chọn từ khách sạn 5 sao, Homestay tới các khu bình dân đủ mọi giá. Tuy nhiên nếu chỉ ngủ một đêm thì để thuận tiện đi lại, hãy chọn luôn khách sạn ở khu vực trung tâm thị trấn. Xung quanh khu vực quảng trường thị xã và nhà thờ đá Sa Pa có nhiều nhà nghỉ giá cả phải chăng dao động từ 300.000 – 700.000 một đêm. Nếu muốn trải nghiệm "ở sướng" cuối tuần thì có khách sạn Hotel De La Coupole là 5 sao xung quanh khu vực này, gần với Sapa Station thuận tiện đi cáp treo lên Fansipan sáng hôm sau.
Ngoài ra, nếu bạn xác định lên Sa Pa thời gian ngắn cuối tuần chỉ để hưởng không khí và ngồi "chill" một chỗ thì có thể nghỉ đêm tại thung lũng Mường Hoa thuộc xã Hầu Thào – cách trung tâm Sa Pa 10 km với khung cảnh núi rừng mờ sương. Tại đây cũng có nhiều khu resort và retreat view núi để nằm chơi cả ngày.
Cá hồi và cá tầm là đặc sản không thể bỏ qua khi tới Sa Pa.
Lộ trình
Đẹp nhất cho hành trình 24 giờ ở Sa Pa cuối tuần là đến nơi vào 12h30 trưa thứ Bẩy và rời đi lúc 13h Chủ nhật.
Đến nơi: Trong lúc chờ tới giờ check-in khách sạn thì có thể tranh thủ đi ăn trưa. Xung quanh khu vực trung tâm có nhiều nhà hàng từ món địa phương đến món Âu. Tuy nhiên, bữa đầu tiên hãy thưởng thức luôn đặc sản cá hồi và cá tầm của Sa Pa. Nhà hàng cá hồi Sa Pa ở đường Xuân Viên, Ô Quy Hồ hay Lương Ngọc là những nơi có thể ghé qua ăn trưa trên trung tâm, giá vào khoảng 150.000 đến 250.000 đồng mỗi người. Cá hồi Sa Pa giá khoảng 250.000 đến 350.000 đồng một kg; cá tầm giá từ 200.000 đến 300.000 đồng một kg.
Buổi chiều: Sau khi check-in khách sạn và nghỉ ngơi một chút, bạn hãy đi ngắm hoàng hôn từ đỉnh đèo Ô Quy Hồ. Đây là một trong tứ đại đỉnh đèo Việt Nam và di chuyển từ trung tâm Sa Pa khoảng gần 10 km là đến điểm ngắm cảnh Cổng Trời với độ cao 2.000 m. Nếu hôm đó là ngày nắng, du khách sẽ được ngắm ánh chiều tà trải dài và len lỏi qua từng góc đèo, tạo nên khung cảnh lãng mạn hiếm có. Tuy nhiên, nếu thời tiết không có nắng thì Ô Quy Hồ sẽ ngập trong mây. Cái cảm giác trời đang sáng xong tối dần giữa mây cũng rất khác lạ. Chính vì thế, ngắm hoàng hôn ở Ô Quy Hồ sẽ là trải nghiệm mà dù thời tiết thế nào đi chăng nữa, bạn cũng sẽ tận hưởng được theo cách riêng.
Buổi tối: Từ Ô Quy Hồ về trung tâm Sa Pa ăn tối ở một nhà hàng địa phương như A Phủ (có cà thẻ) hay Sáng Mèo (chỉ trả được bằng tiền mặt). Nếu trưa bạn đã ăn lẩu thì tối có thể chuyển sang món nướng, hoặc nếu trưa đã ăn cá hồi thì tối ăn cá tầm và ngược lại. Nếu lần đầu đến Sa Pa, ăn tối xong có thể tham quan trung tâm thị trấn. Cuối tuần ở quảng trường khá tấp nập với nhiều hoạt động. Ngoài ra bạn có thể chụp ảnh check-in ở nhà thờ đá, chợ và hồ, các cửa hàng đồ lưu niệm thổ cẩm hay chiếc đồng hồ xanh vàng ở Sapa Station. Sau khi ăn tối xong, đi bộ 1-2 tiếng xung quanh khu vực trung tâm sẽ giúp tiêu bớt calo.
Sa Pa giờ đây có đời sống về đêm rất sôi động với các quán bar. Nếu bạn muốn thưởng thức cocktail thì có thể ghé tới The H’Mong Sisters, Color Bar, Alpha Club, Relax Bar, MK (Rooftop Bar), Saparis (có kèm đồ ăn kiểu Âu) hay ABSINTHE Sapa – nơi có kiến trúc mái vòm xa hoa cổ điển do nhà thiết kế nổi tiếng thế giới Bill Bensley thực hiện. Có thể nói nightlife ở Sa Pa nhộn nhịp không thua kém gì ở các thành phố lớn.
Cây cầu ở ABSINTHE Bar với kiến trúc của nhà thiết kế Bill Bensley là điểm check-in của giới trẻ khi tới Sa Pa.
Sáng hôm sau: Lần đầu đi Sa Pa thì bạn có thể thử lên Fansipan bằng cáp treo rất dễ đi và phù hợp cho cả người già lẫn trẻ em. Từ Sapa Station có thể mua vé full combo đi tàu ngắm cảnh thung lũng Mường Hoa, sau đó chuyển qua cáp treo lên đến nóc nhà Đông Dương huyền thoại. Cáp treo khứ hồi có giá 800.000 đồng ngày thường và 850.000 đồng vào ngày cuối tuần, lễ Tết. Trên đỉnh núi có dịch vụ đi tàu leo núi, ăn buffet tại nhà hàng. Thời gian thăm thú, khám phá có thể vào khoảng 3 tiếng. Bạn có thể ăn trưa trên Fansipan hoặc về lại trung tâm thị trấn ăn cho có thêm nhiều lựa chọn.
Chỉ có 24 giờ ở Sa Pa vẫn kịp đi Fansipan bằng cáp treo.
Nếu đã đi Fansipan rồi, bạn có thể thay thế bằng lộ trình thăm bản Cát Cát - ngôi làng của người H’Mong lâu đời nhất Sa Pa, cách nhà thờ đá khoảng 3 km. Vé vào cửa có giá 90.000 đồng người lớn và 50.000 đồng trẻ em. Trẻ dưới 1 m được miễn phí. Tại đây có các hoạt động tìm hiểu văn hóa người H’Mong, thuê trang phục chụp ảnh.
Ngoài ra, nếu muốn tận dụng hết khoảng thời gian 24 giờ và đủ sức khỏe để dậy sớm thì bạn có thể thay Fansipan và bản Cát Cát bằng các điểm xa hơn như Tả Van.
Đến buổi trưa, bạn về check-out khách sạn và đi ăn nhẹ rồi lên limousine hoặc ô tô giường nằm đi về Hà Nội, tới nơi khoảng 19h là kết thúc kỳ nghỉ cuối tuần ở Sa Pa.
Sa Pa nổi tiếng với khí hậu mát mẻ, đồ ăn ngon và nhiều trải nghiệm, là nơi có thể đến cả mùa đông và mùa hè.
Nguồn: [Link nguồn]