Một vòng phố người Hoa
Khu phố Chợ Lớn là địa danh nằm ven kênh Tàu Hủ, trải dài từ Quận 5 đến Quận 6 và một phần Quận 11 tại TP.HCM. Trải qua bao thăng trầm, từ nét kiến trúc nhà cửa, phong vị ẩm thực cho đến nếp sống con người nơi đây đều còn lưu giữ những đặc trưng của cộng đồng người Hoa. Mời bạn bước vào chuyến hành trình khám phá Chợ Lớn và trải nghiệm nhiều điểm đến thú vị.
Ăn sáng tại phố sủi cảo Hà Tôn Quyền
Đường Hà Tôn Quyền (Quận 11) từ lâu được mệnh danh là “Phố sủi cảo” của TP.HCM và cũng là một điểm đến không thể bỏ qua khi khám phá ẩm thực Chợ Lớn. Dọc hai bên đường, có khoảng hơn 20 tiệm lớn nhỏ bán món mì sủi cảo.
Khởi đầu hành trình khám phá Chợ Lớn bằng mì sủi cảo – món ăn nức tiếng của người Hoa
Đây là một trong những món điểm tâm ngon nức tiếng được nhiều người Việt yêu thích. Bản thân sủi cảo cũng là một món ăn có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa, tượng trưng cho sự may mắn và giàu sang. Thưởng thức món mì sủi cảo để bắt đầu ngày mới là cách người Hoa thu hút vượng khí đến với mình. Khởi đầu chuyến hành trình khám phá Chợ Lớn với một món ăn có ý nghĩa thú vị như thế thì còn gì bằng!
Mì sủi cảo là sự kết hợp giữa những sợi mì vàng dai dai, được làm từ bột mì nguyên chất và trứng tươi do chính tay các chủ tiệm người Hoa kéo sợi, và những chiếc bánh sủi cảo be bé có phần nhân gồm thịt tôm, thịt lợn băm, cải thảo và gia vị. Không chỉ có vậy, để món ăn chinh phục lòng người, nước dùng của mì sủi cảo cũng được các đầu bếp kì công chế biến bằng cách ninh nhừ xương ống đã qua sơ chế trong nhiều tiếng đồng hồ nhằm lấy vị ngọt thanh tự nhiên của tủy xương. Khi ăn, bạn chỉ cần nêm thêm chút giấm Tiều, xì dầu và sa tế là đảm bảo “ngon hết sảy!”
Ghé chợ Bình Tây ngắm nhịp đời tiểu thương
Sau khi ăn sáng no nê, điểm đến tiếp theo trong hành trình khám phá Chợ Lớn mà bạn không nên bỏ qua là chợ Bình Tây (Quận 6), hay còn được biết đến với tên gọi “chợ Lớn Mới”. Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1928 và hoàn thành vào năm 1930, do thương nhân Quách Đàm tự bỏ tiền xây dựng.
Chợ Bình Tây
Từ đó đến nay, chợ đã trải qua ba lần trùng tu vào các năm 1992, 2006 và 2016 nhưng vẫn giữ gần như nguyên vẹn những đường nét kiến trúc nguyên sơ thuở ban đầu. Chợ mang đậm dấu ấn phong cách kiến trúc Á Đông, được xây dựng theo kĩ thuật hiện đại của phương Tây lúc đương thời, cầu kỳ với phần mái chồng nhiều lớp được lợp bằng ngói giúp tạo ra các khoảng không thoáng mát cho ngôi chợ sầm uất bậc nhất phía tây thành phố. Ở khoảng sân trung tâm ngôi chợ là nơi đặt bệ thờ thương nhân Quách Đàm. Để ghi nhớ công lao của ông, các tiểu thương trong chợ thường xuyên đến thắp hương và cầu mong cho việc làm ăn, buôn bán thuận lợi.
Đến với chợ Bình Tây, bạn sẽ choáng ngợp trước sự đa dạng của vô vàn hàng hóa đủ mọi sắc màu và kích cỡ, từ ẩm thực, đồ gia dụng đến quần áo, giày dép… Người bán đon đả chào mời với chất giọng hào sảng đặc trưng của người Sài Gòn chính hiệu khiến không khí bên trong chợ lúc nào cũng náo nhiệt.
Nguyện cầu an yên tại chùa Bà Thiên Hậu
Giữa lòng thành phố hối hả, không gian thanh tịnh bên trong chùa Bà Thiên Hậu (Quận 5) như chốn bình yên để người dân tìm đến sau những bon chen của cuộc sống mưu sinh. Chùa còn được gọi là “chùa Bà Chợ Lớn”, là nơi thờ phụng Thiên Hậu Thánh Mẫu trong tín ngưỡng của người Quảng Đông. Họ tin rằng, nhờ sự chở che của bà mà thuyền bè ra khơi được an toàn, đưa họ đến mảnh đất Sài Gòn thuở xưa một cách bình an, vượt qua khó khăn để an cư lạc nghiệp.
Chùa Thiên Hậu
Từ đường nét kiến trúc đến cách bày trí không gian thờ tự tại chùa đều đậm nét văn hóa Trung Hoa. Thông qua những bức phù điêu đắp nổi cùng hoa văn trang trí được chạm trổ trên phần mái chùa, bạn sẽ hiểu thêm về điển tích Bà Thiên Hậu.
Chùa cũng lưu giữ một vài hiện vật cổ liên quan đến đời sống của cộng đồng người Hoa, cho phép bạn trở về những ngày Chợ Lớn mới được thành lập.
Vào mỗi dịp lễ Tết, chùa Bà Thiên Hậu lại nghi ngút hương đèn, tấp nập người đến cầu xin, khấn nguyện. Vào năm 1993, chùa được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và là một trong những điểm du lịch mà du khách nên đến khi khám phá Chợ Lớn.
Dạo phố Đông y
Kề bên chùa Bà Thiên Hậu là con phố Đông y nổi tiếng của Quận 5, được tạo thành bởi ba tuyến đường Lương Nhữ Học, Hải Thượng Lãn Ông và Triệu Quang Phục, thường xuyên được nhiều du khách trong và ngoài nước ghé tham quan và mua sắm dược liệu.
Dạo bước một vòng tuyến phố, bạn như được tham dự một buổi tiệc của những mùi hương, với đủ vị tía tô, kinh giới, bạc hà, đỗ trọng, táo đỏ, đinh hương… bảng lảng nơi cánh mũi. Đây vốn không chỉ là điểm du lịch hút khách mà còn là khu phố chuyên bán thuốc và dược liệu đông y lớn nhất cả nước.
Không ai rõ những cửa tiệm đông y hình thành chính xác từ khi nào, chỉ nhớ mang máng có từ khi người Hoa đến đây sinh sống. Bẵng một thời gian dài hơn trăm năm, những cửa tiệm tại đây vẫn được duy trì qua nhiều thế hệ “cha truyền con nối”. Đến thời điểm hiện tại, người làm nghề kinh doanh thuốc đông y đã đa dạng hơn, không chỉ mỗi người Hoa như xưa nữa.
Sau khi tham quan tại đây, bạn có thể dùng bữa trưa tại một vài quán ăn gần đó, với các món ngon như hủ tiếu hồ, bánh bột, mì cá viên cà ri… để nạp thêm năng lượng cho chuyến thăm thú buổi chiều.
Đắm mình trong “thế giới trang sức”
Không nhiều du khách biết rằng tại TP.HCM tồn tại một con phố chuyên kinh doanh vàng, bạc, đá quý. Thuộc địa bàn Quận 5, tọa lạc trên hai tuyến đường Nhiêu Tâm và Nghĩa Thục, con phố “giàu có” này là nơi để tôn vinh nghề chế tác vàng và còn được quận đầu tư khai thác, phát triển thành một điểm đến du lịch mua sắm dành cho du khách gần xa.
Vào những năm cuối của thập niên 1980, phố vàng bạc Nhiêu Tâm - Nghĩa Thục là trung tâm kinh doanh trang sức lớn nhất Sài Gòn – Chợ Lớn. Hiện nay, có khoảng 55 hộ chuyên kinh doanh vàng, bạc, đá quý trên tuyến phố này. Từng ánh đèn sáng choang hắt ra từ những tiệm kim hoàn hào nhoáng như mời gọi bước chân lữ khách ghé vào xem.
Bạn không chỉ được ngắm nhìn những tác phẩm trang sức lộng lẫy mà còn có cơ hội được tham gia những lớp học dạy gia công bạc, chế tác nữ trang được chính những người thợ lành nghề với nhiều năm kinh nghiệm hướng dẫn trực tiếp.
Thưởng thức múa lân cổ truyền
Là một điểm mới trong hành trình khám phá Chợ Lớn vừa được Quận 5 tổ chức tại quảng trường The Garden Mall trên đường Hồng Bàng, chương trình “Về Chợ Lớn xem múa lân” mang đến cho du khách những tiết mục múa lân đặc sắc, đáng chú ý nhất chính là điệu lân tranh hùng trên Mai Hoa Thung.
Múa lân là môn nghệ thuật múa dân gian đường phố có nguồn gốc từ Trung Hoa, mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng đến với mọi người, mọi nhà. Sự phối hợp nhịp nhàng, chuẩn xác trong từng bước chân trên các trụ sắt cao của các nghệ sĩ biểu diễn lân, hay các động tác nháy mắt, vểnh tai vui mừng… của lân đều là những nét hấp dẫn người xem.
Người dân thành phố thường chỉ được xem múa lân trong những ngày Tết cổ truyền, nhưng giờ đây, các tiết mục múa lân sôi động sẽ được biểu diễn định kỳ vào thứ Bảy và Chủ nhật của tuần thứ hai mỗi tháng với ba suất diễn trong các khung giờ 17:30, 18:30 và 19:30, mỗi suất kéo dài 30 phút. Đến đây thưởng thức tài nghệ múa lân điêu luyện của các nghệ sĩ người Việt gốc Hoa và cùng thưởng thức những món ăn ngon lành được bày bán trong khuôn viên quảng trường sẽ là một trải nghiệm lí thú khép lại chuyến hành trình khám phá Chợ Lớn của bạn.
Những ngọn núi ở đây được kiến tạo núi chủ yếu là đá xanh với những hình thù kỳ lạ, đan xen là thảm xanh thực vật thơ mộng tựa như một Vịnh Hạ Long thu nhỏ.
Nguồn: [Link nguồn]