Một Bình Thuận rất “mộc” cho những chuyến đi
Bình Thuận luôn thu hút du khách bằng vẻ đẹp tự nhiên của mình với những bãi biển hoang sơ, những đồi cát vàng rực rỡ, hay những bãi đá đầy màu sắc.
Dải cát vàng bao quanh bờ biển ở Bình Thuận
Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ với cảnh quan hùng vĩ, những bờ biển dài bên hàng dừa xanh mát rượi cùng những đồi cát lớn. Nếu bạn đã chán những khu du lịch thông thường, đông đúc và nhân tạo thì đây sẽ là một trải nghiệm mới rất đáng để thử!
Mũi Né
Cách trung tâm thành phố Phan Thiết 22km về hướng Đông Bắc, bất kì ai khi đi du lịch ở Bình Thuận không thể không ghé qua Mũi Né, khu du lịch nổi tiếng nằm trong danh sách các khu du lịch Quốc gia ở Việt Nam
Biển và cát, đó là những gì mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này. Nằm trong vùng nhiệt đới, ít chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, khí hậu nóng và khô, có thể nói Mũi Né hấp dẫn du khách bất kể thời gian nào trong năm.
Biển Mũi Né thơ mộng là điểm đến của rất nhiều du khách (Ảnh: Interrnet)
Bên cạnh tắm biển, nghỉ dưỡng tại các resort, du khách đến đây có thể tham gia các trò chơi giải trí như lướt ván diều, dù lượn, chèo thuyền kayak sẽ với cảm giác mới lạ hấp dẫn.
Điểm đặc sắc nhất ở đây chính là đồi cát bay Mũi Né. Kéo dài hàng cây số, sau mỗi đợt gió, hay sau mỗi đêm, cát ở đây lại thay đổi hình dạng. Chính vì vậy mà nó còn có tên là đồi cát bay. Đến đây bạn có thể thỏa sức nô đùa trên những đồi cát vàng óng trải dài bất tận, hay thả mình tản bộ trên đồi cát để cảm nhận từng làn gió biển thổi vào.
Những vân cát thay đổi theo từng cơn gió (Ảnh: Zing)
Bãi Rạng
Nằm cách thành phố Phan Thiết khoảng 15 km về phía Bắc, bãi Rạng được coi là bãi tắm đẹp nhất của Phan Thiết với những rặng dừa xanh mát kéo dài uốn lượn ôm lấy bờ biển. Nơi đây còn hấp dẫn với những khối đá tổ ong lộ thiên sừng sững như một bức tranh thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp.
Mùa hè, nước biển trong xanh đến lạ, có thể nhìn thấy những hòn lá ẩn hiện như những viên ngọc lấp lánh dưới làn nước. Buổi sáng, du khách có thể đứng trên bờ biển, phóng tầm mắt ra ngoài đại dương mênh mông ngắm nhìn những con tàu đang tấp nập trở về sau một đêm đánh cá trên biển.
Buổi sáng trong veo ở một làng chài ven bãi Rạng (Ảnh: Internet)
Chiều về, sau khi thỏa thuê nô đùa với sóng nước mênh mang, ngắm cánh hoàng hôn buông rực rỡ trên biển và những chiếc thuyền thúng lặng lẽ vào bờ, du khách có thể thưởng thức những món hải sản còn tươi rói như mực, ngao, cua, ghẹ, với những cách chế biến đậm chất Quảng.
Gành Son
Nằm cách thành phố Phan Thiết khoảng 80km về phía Bắc, gành Son với những bãi đất màu đỏ rất đẹp mắt. Từ trên gành có thể nhìn thấy toàn cảnh sinh hoạt ấm cúng, nhộn nhịp của làng chài. Màu đỏ của đá hòa với màu xanh của biển, với màu xanh của rặng dừa tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hài hòa, nên thơ.
Sắc màu hài hòa ở gành Son (Ảnh: Mapio.net)
Vào buổi sáng sớm hay chiều về, biển êm và tĩnh lặng. Trái ngược với đó là cuộc sống tấp nhập nhộn nhịp của người dân chài. Du khách có thể đi dạo dọc bờ biển lắng nghe tiếng vỗ rì rào của mẹ biển hòa với những âm thanh sống động của cuộc sống nơi đây, cuộc sống giản dị mà vui tươi, đầy màu sắc.
Bàu Trắng
Thuộc địa phận thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, cách thành phố Phan Thiết khoảng 65km về hướng Đông Bắc, Bàu Trắng có một lịch sử rất lâu đời. Xưa kia nơi đây là một hồ lớn, sau này người dân đắp đập cát chạy vắt ngang hồ để đi qua.
Trong tiếng địa phương Bàu có nghĩa là “hồ”. Bàu Trắng gồm có 2 bàu là bàu Ông và Bàu Bà. Bàu Bà diện tích 70 ha, nơi rộng nhất là 500m, độ sâu trung bình là 5m, nơi sâu nhất là 19m vào mùa mưa.
"Hoang mạc Sahara" của Việt Nam tại Bàu Trắng (Ảnh: ditichlichsuvanhoa.com)
Du khách không khỏi ngạc nhiên và thích thú sau khi trèo lên những triền cát cao cao lại bắt gặp một biển hồ lấp lánh, lung linh dưới ánh mặt trời rực rỡ.
Nếu bạn đến đây vào mùa sen nở, bạn sẽ ngỡ ngàng trước cảnh đẹp nơi đây. Cả mặt hồ được bao phủ bởi hoa sen, những bông hoa đồng lấp ló, ẩn hiện giữa những phiến lá xanh giữa làn nước long lanh phản chiếu ánh mặt trời. Cả biển hồ được bao quanh bởi cát vàng mênh mông, tạo nên một khung cảnh hết sức thi vị, nao lòng.
Hoa sen nở rộ trên biển hồ ở Bàu Trắng (Ảnh: ditichlichsuvanhoa.com)
Tháp Poshanu
Là một di tích kiến trúc Chăm duy nhất còn lại ở vùng đất Phan Thiết, cách thành phố Phan Thiết khoảng 6km, tháp Poshanu nằm trong di tích Lầu Ông Hoàng ngày xưa. Cụm thác do người Chăm xây dựng cuối thế kỉ VIII, thờ thần Shiva - vị thần được người Chăm tôn sùng.
Quần thể tháp Poshanu (Ảnh: Internet)
Quần thể tháp Poshanư gồm 3 ngọn tháp: Tháp chính cao 15 mét, hơi chếch về phía Nam, hai tháp phụ hơi chếch về phía Bắc phía Đông cạnh tháp chính. Tháp thờ thần Shiva biểu hiện bằng bệ thờ Linga - Yoni bằng đá hiện còn lưu giữ tại tháp chính.
Nếu du khách tới đây vào khoảng tháng 7 hàng năm, còn có cơ hội tham dự lễ hội Katé truyền thống của đồng bào dân tốc Chăm nơi đây với rất nhiều hoạt động đặc sắc, thú vị.