Mơ màng với ba nghìn ao muối xinh đẹp ở Peru
Muối, có lẽ là gia vị cổ xưa nhất, phổ biến nhất và cũng gây chứng nghiện nhiều nhất (mà nhân loại ít để ý đến điều đó) của tất cả chúng ta từ thuở hồng hoang. Người ta đã chứng minh, các con đường tạo ra và diệt vong nền văn minh trên thế giới, lắm khi được quy định và nắn chỉnh đáng ngạc nhiên bởi tiếng gọi của một loại "ma túy trắng" - thứ không hề bị cấm đoán bởi bất cứ quốc gia nào - muối.
Lâu đài, nhà thờ, quán bar… trong bụng của mỏ muối
Trong quá trình hàng trăm triệu năm trồi sụt lùi tiến bí ẩn của các đại dương, một lượng lớn độ mặn nước biển kết tinh trong các khu vực mà hiện nay đang là hệ thống núi khổng lồ hay các thung lũng xa thẳm tính từ bờ biển. Bằng chứng cho việc này là các sự mặn chát của đất đá. Dãy Andes - một trong các nóc nhà châu Mỹ và cả thế giới - sau khi số nước Thái Bình Dương bị "mắc cạn" kia đã bốc hơi hết, nó vẫn ôm trong sự mặn mòi của cả mênh mông biển lớn. Từ đó, bụng núi Andes ở khu vực làng Maras (thành phố Cusco), bao đời nay luôn rỉ ra các dòng suối "mặn giời đất biết". Gần 3.000 năm qua, người ta bắt đầu có truyền thống khai thác muối mỏ ở một ngôi làng tuyệt đẹp cách thành phố di sản Cusco (Cộng hòa Peru, khu vực Nam Mỹ) 40 cây số.
Mỏ muối ở Cusco, Peru.
Điều này cũng chẳng đáng ngạc nhiên lắm đâu. Tại Ucraina (khu vực Đông Âu), người ta còn khai thác muối trong các hang động. 250 triệu năm trước, biển rút lui, để lại trong hang ngầm sâu tối lượng muối khổng lồ, người sở tại cứ thế khai thác năm này qua năm khác, đời này qua đời khác, tạo ra cả một thành phố ngầm trong lòng đất. "City" ấy tên là Soledar - nghĩa là món quà từ biển rộng. Dưới ánh điện lung linh, muối mặn óng ánh như các tinh thể hồng ngọc, bích ngọc; bên cạnh việc moi lên bộn tiền thông qua sản lượng khai thác mỗi ngày, diêm dân Ucraina còn "cải thiện" được nhiều hơn thế từ việc thu hút khách du lịch. Họ xây dựng nhà thờ, cây thông Noel, quán bar, nhà hàng, nhà cầu nguyện kì vĩ trong lòng đất.
Ở Krakow, phía Nam của Ba Lan, mỏ muối của họ còn dài tới 300km như dưới cõi của âm ty địa ngục. Du khách có thể đi cầu thang cuốn rồi tản bộ thêm xuống tít dưới độ sâu 135m so với mặt đất, ở "chín tầng địa ngục" lạnh giá đó, họ đã vinh danh nghề khai thác muối mỏ bằng các bộ sưu tập nhiều tác phẩm nghệ thuật ra đời từ muối. Họ cũng trưng bày một bảo tàng độc đáo, với nhiều dụng cụ đi mở cửa bụng đất sâu, đem về vị mặn mòi cho đời, từ thời Trung cổ đến giai đoạn lên ngôi công nghệ đào mỏ thứ thiệt bây giờ….
Luôn có rất đông du khách đến tham quan khu vực mỏ muối.
Kho báu bị "mẹ Thái Bình Dương" bỏ rơi ở Maras
Độc đáo nhất có lẽ vẫn là mỏ muối Maras - với các triền như ruộng bậc thang cong và hàng nghìn ô thửa ao muối lấp lánh ven thành phố Cusco của Peru. Số lượng du khách đổ về đây đông đến mức, các con đường leo lên cao nguyên Cusco luôn lầm bụi với từng đoàn xe to cao lừng lững.
Từ Việt Nam, bay khoảng ba chục tiếng đến Sao Paulo của Brazil, chúng tôi lại thêm mấy chặng vượt từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương, xuyên qua lục địa Nam Mỹ, để có mặt ở sân bay quốc tế Lima, Cộng hòa Peru. Một chặng bay nữa của hãng La Tam, Cusco hiện ra mơ màng. Thống trị cả một vùng rộng lớn trùm lên lãnh thổ nhiều quốc gia Nam Mỹ hiện nay, trong vài thế kỉ là nền văn minh của Đế chế Inca (thế kỷ 13 đến cuối thế kỉ 16).
Bà con ở đây tin rằng, ngọn núi này chính là gương mặt thanh tú và oai dũng của thần linh.
Thủ đô của vương quốc kiêu hùng Inca - đế chế lớn nhất Nam Mỹ thời kì tiền Columbus - chính là Cusco. Không chỉ sáng tạo ra hàng nghìn giống khoai tây đáng tự hào với nền văn minh nông nghiệp rực rỡ, người Inca còn coi muối là một sức mạnh kì diệu để khống chế các vùng lãnh thổ khác. Quản lý được muối là quản lý được sinh mạng, sự lệ thuộc của các thần dân muôn nơi. Dường như, cùng với sự nở rộ của nền văn minh Inca, các mỏ muối hàng triệu năm tuổi ở Cusco đã bừng thức rồi phát huy sức mạnh bất ngờ của chúng.
Cao nguyên Cusco cao hơn 3.300m so với mực nước biển, nên đến đó, hầu hết du khách, trong đó có người viết bài này, hay bị chứng đau đầu. Đau váng vất, rồi bỏ ăn uống và đâm ra hoang mang mộng mị. Môi nứt nẻ như ruộng cạn. Bởi đỉnh Fansipan của Việt Nam, nóc nhà của toàn cõi Đông Dương mới chỉ cao có 3.143m.
Ruộng bậc thang tròn, cũng là một di sản của đế chế Inca tại Cusco.
Cusco cao hơn thế 200m nữa. Hội chứng độ cao, khiến chúng tôi ngày nào cũng sử dụng lá cô-ca (thứ lá ở Việt Nam và nhiều quốc gia cùng bị cấm như lá thuốc phiện) để tĩnh tại lại đầu óc. Nhá lá, đun nước uống mỗi ngày như chè tươi chè mạn, ăn cơm cũng xài thêm vài lá để tăng cường sinh lực. Lại thêm các đèo dốc quá sâu, đường cheo leo mép vực, bụi bốc mù trời nữa. Vì thế, chúng tôi ít ai dám thuê xe máy hoặc xe tự lái khám phá các thung lũng thần thánh kiểu như khu làng Maras có mỏ muối ruộng bậc thang xinh đẹp đã làm nao lòng dân hám xê dịch của cả thế giới kia.
Bán các sản phẩm muối và từ mỏ muối tại Peru.
Vì thế mà xe bus lớn, với các hướng dẫn viên da ngăm nâu, mắt xếch, chít khăn mặc váy luôn làm tắc các ngả đường đến mỏ muối huyền thoại Maras. Nhưng tắc đường đến một nơi thú vị thế này thì cũng đáng. Vực thẳm hun hút, các đường cua mê hồn, chợt thấy lấp lánh các ô thửa như muôn vàn tấm gương phản chiếu trời xanh mây trắng.
Vài ao muối còn vàng tơ tướp như lưu huỳnh tràn ra từ miệng núi lửa đang hoạt động. Có chỗ hồng đượm tím tái. Lắm chỗ trắng tinh khôi những tinh thể ngọc ngà. Vẻ như kim cương vỡ, như bạch ngọc vừa rơi tan tành hình hạt lựu. Ít ai ngờ, đó là hàng nghìn vuông muối, ao muối, chỗ khô ron chuẩn bị cào vào bao tải thu hoạch; chỗ còn sâm sấp như bùn trắng bùn nâu vàng, bùn tím hồng; chỗ lại bì bõm như đâu đó còn tiếng cá quẫy ủng oẳng do nước từ suối trong lòng núi vừa mới dẫn nhập ra đến ruộng chưa kịp bốc hơi.
Một không khí làm muối tưng bừng. Bà con ở đây, phụ nữ mặc váy thổ cẩm, đội khăn, có gì đó hơi giống bà con người Mông ở Đồng Văn - Mèo Vạc trong mùa đông. Cusco, Peru, khi chúng tôi ghé thăm, trời nắng nỏ tưng bừng, song khí núi ở núi thắm cao hơn 3.300m so với mực nước biển vẫn lạnh buốt. Gió tơi bời, mũ nào không dây buộc, đội vào đầu là bay vèo hết. Gió luồn qua các thung sâu, vọt lên rông núi quật cường như các vết trượt dạng vòm. Gió làm khô các vuông ao muối rất nhanh.
Các nhà khoa học đã kỳ công đào khảo cổ và nghiên cứu nhiều tư liệu truyền khẩu trong cả vùng để đưa ra kết luận đáng tin cậy, rằng: người của làng Maras nơi này đã sản xuất muối từ năm 900 đến năm 200 Trước Công nguyên, tức là hơn hai nghìn đến gần ba nghìn năm rồi. Tài liệu chắc là bằng văn bản được nhắc đến nhiều nhất: mỏ muối này có tuổi đời ít nhất 500 năm. Tuổi khai thác của mỏ muối Maras còn trẻ hơn rất nhiều so với tuổi hàng trăm triệu năm của kho muối dường như vô tận bị Thái Bình Dương bỏ rơi trong bụng vỏ trái đất khu vực này - bụng núi Andes huyền thoại.
Những diêm dân duyên dáng làm nghệ thuật trên "nóc nhà" Andes
Xưa, khu vực rộng lớn này là Thái Bình Dương mênh mông, nhòm ngước lên phía Bắc và chếch sang bên kia của vẫn cái bờ của biển này thôi, là Việt Nam ta. Biển Nam Thái Bình Dương khoảng mấy trăm triệu năm trước, đã lui dần, để lại một kho nước biển cô đọng trong núi lớn. Kho muối ngầm vô tận kia, vẫn có thể nguyên chất lượng như vậy sau hàng triệu năm, bởi bản thân nó đã là chất bảo quản tuyệt vời nhất mà tạo hóa từng sinh ra rồi. Năm lại năm, dòng suối Qoripujio tinh khiết chảy ra từ bụng núi cứ thế dần dà cõng nước muối về cho bà con làng Maras. Tôi rất ngạc nhiên, khi gặp dòng suối huyền thoại Qoripujio này. Nó chỉ bé có hơn hai chục xăng-ti-mét bề ngang mặt nước, còn lại là lớp bọt muối, muối bùn trùm xòa kết tủa kín bưng. Nước suối từ bí ẩn mênh mông bụng núi Andes này rất ấm. Và chắc chắn rất là sát khuẩn.
Một chiến binh Inca mặc giáp trụ ra chào khách.
Điều khó nhất, cũng là di sản đáng ngạc nhiên nhất ở ruộng muối Maras, là người bản xứ đã có một công nghệ dẫn nước, chia từ suối ngầm vô tận ra hàng mấy nghìn ruộng muối một cách hoàn hảo. Nó rất giống với các hệ thống dẫn thủy nhập điền cho ruộng bậc thang chằng chịt, miên man, chia từng bậc từng dải cong vút từ chân lên đỉnh núi chất ngất mây mù ở Mù Căng Chải, Hoàng Su Phì, Sín Mần, Sa Pa nước ta. Bà con người Tày, người Mông, bằng kinh nghiệm dân gian đúc kết qua nghìn đời, họ đã dẫn nước tài tình từ các đỉnh núi cao về, chia đều chúng qua từng dãy ruộng loằn ngoằn như mớ dây thừng nghìn sợi. Có khi chỉ cần các cây tre bổ đôi làm máng, những ống nứa xuyên qua bờ ruộng mềm làm van thông thoát, làm khóa điều hòa mức nước…
Sau khi chia được thành các dòng dẫn nước rồi, người làng Maras chỉ việc xếp đá, vun đất làm các cái bờ ao bờ ruộng, từng vuông từng thửa cứ thế chia nhau. Ai đắp đập be bờ nào thì nhận ruộng nấy. Có tới ba bốn nghìn ruộng muối trong khu vực. Mỗi ruộng chỉ bé xíu khoảng 4m2 thôi. Mà giữa thiên la địa võng các gia sản xếp như trong một trò chơi lego kì vĩ đó, không ai lẫn vào của ai, cũng chẳng ai xúc nhầm "bạch ngọc của trời" bao giờ.
Một gia đình có ao muối, họ có thể làm từ đời này qua đời khác. Cha ông truyền thì con cháu nối. Nhà nào mới dựng vợ gả chồng cho con cháu xong, muốn có ao muối mới để mưu sinh thì cứ đắp đập be bờ, rồi báo với chính quyền một câu, thế là nhận "sổ đỏ" vĩnh viễn cho công trình kiếm sống bền vững đó. Cơ quan quản lý nơi này luôn tận tình hướng dẫn các nông hộ mới phải sản xuất muối sạch, và quá trình làm việc đắp điếm vun bới đó nhất định phải không ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh. Bởi thứ "vị mặn" lớn hơn mà họ chờ đợi từ diêm dân và kho muối vô tận kia, chính là con gà đẻ trứng vàng nhờ du lịch. Diêm dân nơi này, làm muối theo lối cổ xưa thế, đó chỉ là cái cớ để làm… nghệ thuật.
Vì bà con vẫn sản xuất kiểu nông hộ nhỏ lẻ, nên vẻ đẹp của các ruộng muối vẫn còn lóng lánh thấp thểnh, vá víu hoang sơ. Đó là vẻ đẹp ngộ nghĩnh hiếm thấy, mà cơ quan quản lý của Peru đã cố tình duy trì để thu hút khách du lịch. Họ muốn trưng bày, trình diễn một lối làm muối mỏ cổ xưa giữa thế kỷ 21 của vũ trụ tên lửa này. Chứ bán cho các công ty lớn, thì muối sản xuất ầm ầm. Kệ, họ vẫn ngăn ruộng, phơi nắng, hong gió cho khô nước, rồi diêm dân vun muối thành cục, thành tảng, thành bao tải vác lên vai về bãi tập kết. Có khi, tảng muối to như thân chuối hột chẻ ba chẻ tư. Nhìn trắng ngà, có khi trong veo, có khi phớt hồng (do có chứa các nguyên tố vi lượng như sắt, ma-giê), thật đẹp.
Muối này bán giá khá cao, nó là đặc sản nổi tiếng vùng Nam Mỹ, nên diêm dân ở Cusco không nghèo như diêm dân Việt Nam. Xe hơi đậu đầy quanh khu mỏ. Nhiều nhiếp ảnh gia đã kì công sáng tạo, nhuận sắc cho kì quan ruộng muối, quyến rũ khách du lịch tìm về. Nhiều đầu bếp nổi tiếng của Peru như ông Virgilio Martinez, vẫn đều đặn đến đây chọn loại muối ngon nhất cho chuỗi nhà hàng của mình. Đồng thời, ông cũng đã tổ chức tới 17 khóa học cho các đầu bếp nổi tiếng nếm muối theo từng độ cao của dãy Andes. Muối, là báu vật từng được các Hoàng đế trả công cho binh lính từ thời Roma cổ đại, định nghĩa về muối chiếm tới 4 trang từ điển của loài người. Song, vì muối rẻ, dễ sản xuất được từ nước biển, thứ chất lỏng phủ kín đến già nửa vỏ trái đất, nên nhiều người chưa thật sự chú ý đến sự diệu kì của cái gọi là muối.
Người Inca xưa kia và làng Maras hiện nay vẫn có một tín ngưỡng chăm sóc vị thần cai quản mỏ muối. Vào tháng 5, khi bắt đầu mùa diêm dân ngắm nắng gió sản xuất muối đại trà, những người lớn tuổi nhất trong làng sẽ tổ chức một nghi lễ truyền thống để bày tỏ lòng biết ơn với vị thần Viracocha: thần ban cho sự bình yên và thịnh phát của nghề khai thác muối mỏ.
Và, quả là người Inca rất có lý khi họ yêu núi non đến điên cuồng, sống trên các sườn núi cao nhất của nóc nhà Andes, bà con luôn chú mục kì công tìm các dãy núi, vách núi, các vết nứt của núi có hình gương mặt thần thánh để thờ tự. Quả thật, chả hiểu sao, núi ở đây lắm chỗ mang gương mặt người đến thế. Họ nguyện cầu cho nghề muối làng Maras, muối đó đẹp, nổi tiếng thế giới, được sử dụng trong các nhà hàng trứ danh của Nhật Bản, Thụy Sỹ và nhiều quốc gia giàu có khác. Muối ấy được bán trên các trang trực tuyến với giá đắt gấp vài chục lần muối biển thông thường.
Và hơn ai hết, người Peru biết rõ, trước khi có COVID-19, thì doanh thu từ du lịch mỏ muối Maras, Cusco còn cao gấp nghìn lần tiền bán muối. Đó là lý do để chủ làng bao giờ cũng xét duyệt hồ sơ mở thêm ao muối, với sự quan tâm đặc biệt vào việc sản xuất muối làm sao giữ gìn được cảnh quan, môi trường và bản sắc của muối mỏ thủ công vùng Andes, theo phong cách từ thời đế chế Inca còn kiêu dũng. Một nông dân cõng muối chín rạn hai vai, vẫn tươi cười khi tôi ngỏ ý cảm phiền hỏi một vài câu. Chị cười hiền khô: nói chuyện với khách, mỉm cười với khách và ăn mặc đúng truyền thống nghìn đời của người làng Maras. Với chúng tôi, điều đó còn quan trọng hơn là làm ra muối để bán sang Nhật, sang Thụy Sỹ…
Nghe nói đến đây, tôi đã thấy mình thấm thía nhiều điều về cung cách bảo tồn và quản lý di sản rồi; bèn bảo, chị đẹp quá, vai chị chín rạn rồi, em xin phép không hỏi thêm gì nữa.
Hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) của Đại học Yamagata (Nhật Bản) đã phân tích các dữ liệu hình ảnh từ Peru và phát hiện...
Nguồn: [Link nguồn]