Minh Thề – “mỹ tục khả phong”, báu vật văn hóa lễ hội

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Việt Nam hiện có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ. Nếu được chọn lễ hội độc đáo nhất, tôi sẽ chọn Minh Thề ở thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng.

Theo hiểu biết của tôi, chưa có quốc gia hay vùng lãnh thổ nào có lễ hội tương tự. Trong tình hình quốc nạn tham nhũng hoành hoành, đe dọa sự tồn vong của chế độ, Minh Thề càng chứng tỏ tầm nhìn của cha ông và ý nghĩa lịch sử, bất chấp thời gian.

Nguồn gốc

Cổng chùa Hòa Liễu

Cổng chùa Hòa Liễu

Vườn tháp chùa Hòa Liễu

Vườn tháp chùa Hòa Liễu

Tòa Phật điện

Tòa Phật điện

Theo các bậc cao niên, trưởng lão "Lễ hội Minh Thề có từ thời nhà Mạc, do Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản, vợ Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung, khởi dựng từ 1561 với việc lập ra ấp Lan Niểu (nay là làng Hòa Liễu) và quyên góp tu tạo chù Thiên Phúc (nay là chùa Hòa Liễu), lập ra Hịch văn Minh Thề, kết hợp tín ngưỡng với giáo dục đạo lý, nhân cách cho đời sau".

Bà xuất tiền mua 25 mẫu, 8 sào, 2 thước ruộng. Dân trong làng cung tiến thêm vườn ruộng cho chùa, tổng cộng diện tích lên tới 47 mẫu, 8 sào, 2 thước. Phần ruộng thừa, để làm Quỹ Nghĩa Thương, khoán cho dân cấy cày. Sản phẩm thu được chia cho người nghèo và tích trữ. Để không xảy ra tình trạng tham nhũng của công, bà cùng dân làng lập ra Hịch văn Hội Minh Thề, nghĩa là "Lời Thề Minh Bạch".

Chùa Hòa Liễu gồm 3 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Hậu cung xây kiểu chồng diêm hai tầng mái, lợp ngói mũi hài. Không gian bên trong bài trí các pho tượng Phật. Đền và chùa Hòa Liễu còn giữ nhiều di vật mang phong cách nghệ thuật qua các thời kỳ lịch sử. Đặc biệt là di vật thời Mạc bằng chất liệu đá gồm pho Tam thế, hai pho tượng Phật Quan thế âm và Đại thế chí, đôi sấu đá trước cửa chùa.

Đền Hòa Liễu có các cổ vật như tấm bia đá Thiên Phúc tự, dựng đời Mạc Phúc Nguyên, hiệu Quang Bảo năm 1561, tượng bà Vũ Thị Ngọc Toàn, cột đá "thạch trụ"…

Thạch trụ, nơi diễn ra nghi thức Minh Thề hằng năm do chính Thái Hoàng Thái Hậu chỉ đạo cột dải yếm, dong trâu kéo về. Gần 500 năm qua, cái rãnh hình thành do kéo cột đá thiêng trên đồng đến nay vẫn hằn sâu, không trồng được gì.

Lễ hội

Lễ hội tổ chức vào ngày 14 tháng giêng hàng năm, kéo dài 3 ngày. Ngoài Lễ còn có Hội với nhiều trò chơi dân gian, ẩm thực.

Lễ vật gồm ban thờ, chiếc mũ quan cổ, con dao (thường là dao bầu), con gà trống và bình rượu. Theo quan niệm xưa, gà là linh vật liên thông trời đất, nối ngày và đêm bằng tiếng gáy. Gà lễ có lông và chân vàng, mỏ và mào đỏ.

Trước giờ khai mạc, các chức sắc cùng dân làng tế Thánh tại miếu chính. Chủ tế đọc chúc văn công đức Thánh vương cùng các bồi lễ dâng hương, rượu, nước trong tiếng nhạc bát âm. Tế xong, các bô lão, quan khách, dân làng, du khách... quần áo chỉnh tề, tập trung quanh sân theo thứ bậc. Chủ tế "chỉ trời vạch đất" mô phỏng theo phép biến Kinh dịch, dùng dao bầu vẽ vòng tròn lớn giữa sân làm Đài thề. Bàn thờ hướng về cửa đền. Chiếc mũ cổ của thành hoàng được đặt ở vị trí cao nhất.

Hội đồng bô lão trước miếu thờ Thái hoàng Thái hậu Võ Thị Ngọc Toản

Hội đồng bô lão trước miếu thờ Thái hoàng Thái hậu Võ Thị Ngọc Toản

Chủ tế cầm dao vẽ đài thề

Chủ tế cầm dao vẽ đài thề

Cụ Phạm Đăng Khoa đọc văn khấn cúng đầu năm

Cụ Phạm Đăng Khoa đọc văn khấn cúng đầu năm

Đại diện tư văn đọc Minh thề: "Mọi người trong làng, từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên

- Dù là người có chức có quyền trong làng, người dạy học hay nông dân, đều phải lấy lời hay lẽ phải mà dạy bảo con cháu làm điều tốt đẹp, tuân theo thuần phong mỹ tục. Nếu dùng uy quyền làm những việc ác, lấy của công đem về làm của tư, nguyện cầu thần linh đả tử….

- Từ buồng cau trái chuối đến lúa mạ hoa màu, mọi người đều công minh chính trực, không tham lam vơ vét. Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử.

- Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin trời tru diệt…".

Sau mỗi lời thề, tất cả đồng thanh:"Y như lời thề".

Lời thề vừa dứt, chủ tế cầm dao cắm mạnh xuống đất biểu thị sự quyết tâm, lấy dao cắt tiết gà, hòa rượu tượng trưng, cùng mọi người tham dự uống, thể hiện sự đồng tâm thực hiện.

Xúc động và buồn

Vào thế kỷ XIX, nhà Nguyễn sắc phong bốn chữ vàng "Mỹ Tục Khả Phong" cho lễ hội Minh Thề. Thời Pháp thuộc, nội dung Hịch văn Hội Minh thề được chính quyền Đông Dương dịch ra tiếng Pháp để lưu truyền rộng rãi. Năm 2013, đền và chùa Hòa Liễu được công nhận di tích quốc gia. Năm 2017, lễ hội Minh Thề được công nhận là di sản quốc gia phi vật thể.

Trải qua bao dâu bể, dân làng Hòa Liễu vẫn gìn giữ lễ hội Minh Thề như nét đẹp truyền thống vô giá. Sau 1954, do chiến tranh và nhiều lý do khác, hội Thề gián đoạn. Năm 1993 các vị cao niên trong làng bàn nhau khôi phục. Ròng rã đoạn trường, mười năm gom góp, sưu tầm cổ vật, văn bia, dựa trên hương ước cổ, dân làng lập bản hương ước mới, gồm 5 chương 20 điều; được giám sát, điều hành bởi Hội đồng bô lão 12 vị, do dân kính trọng bầu lên. Mùa Xuân 2011, lễ hội Minh Thề được phục dựng và khai hội.

Nhờ có mỹ tục Minh Thề mà xưa nay dân làng sống ôn nhu, hiếu thuận, không ai gian lận của công hay tài sản người khác. Làng có 800 hộ, gần 3.000 dân, ngoại trừ mấy vụ say xỉn xích mích, tình hình an ninh trật tự luôn ổn định. Năm nay, vì dịch cúm Covid-19 nên không Hội, chỉ có Lễ với nghi thức tối giản nhưng không thể thiếu Hịch văn Minh Thề.

Minh Thề thời phong kiến và Pháp thuộc đều có quan chức Phủ, Tổng về dự. Từ khi Lễ hội được phục dựng, chưa thấy lãnh đạo nào, dù là cấp xã, huyện đến thề không tham nhũng trước trụ đá xưa. Nghĩ mà buồn man mác.

Ước gì Minh Thề được quan tâm và nhân rộng để báu vật văn hóa "Mỹ Tục Khả Phong" phổ biến rộng rãi, góp sức vào cuộc chiến chống tham nhũng của đất nước và là sản phẩm du lịch hấp dẫn, không chỉ của Hải Phòng mà cả Việt Nam.

Giải thiêng lời nguyền từ tảng đá bướu cổ

Hữu ngạn sông Mã, ngay sát mép nước, có một khóm đá hình thù kỳ dị gồm ba khối đá khổng lồ xếp chồng lên nhau, nhìn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Văn Mỹ ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN