Mặn mòi hạt muối cắn đôi
Đảo Thiềng Liềng - nơi xa xôi hẻo lánh thuộc huyện đảo Cần Giờ, người dân ở đây có hộ khẩu TP.HCM nhưng cuộc sống tách biệt hoàn toàn những xô bồ, náo nhiệt của phố thị.
Qua phà Bình Khánh là đến huyện đảo Cần Giờ. Dù chỉ cách TP.HCM một con sông, một bến phà, nhưng khung cảnh bên đường đã có sự khác biệt rõ rệt như đang trôi dạt xuống vùng miệt thứ. Hai bên đường, những vạt rừng đước, dừa nước bạt ngàn, xanh mướt mát.
Ấp Thiềng Liềng xanh mát nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Đặng Đăng Khoa
Ngày trước, những người thích đi du lịch trải nghiệm phải đi đến Cần Thạnh, đi thuyền qua xã Thạnh An rồi đi tiếp thuyền qua ấp Thiềng Liềng. Nhưng ngày nay, đường đến Thiềng Liềng đã rút ngắn hơn, du khách có thể đi tắt từ bến thuyền Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ di chuyển bằng ca nô thẳng đến Thiềng Liềng, rút ngắn được 20km đường bộ và 10km đường thủy.
Ấp Thiềng Liềng. Ảnh: Hải An
Ca nô lướt sóng, len lỏi giữa những vạt rừng sác men theo cửa biển, không khí mát lạnh của biển và màu xanh của vạt rừng hai bên thật khoan khoái, dễ chịu. Người dân trên đảo kể rằng, cách đây gần 50 năm, có một chàng trai vừa mới hơn 20 tuổi cùng gia đình lênh đênh khắp các kênh rạch miệt Soài Rạp, Vàm Sát, Đồng Nai… trên chiếc xuồng nhỏ, để rồi khám phá ra một hòn cù lao, dừng chân nơi đây lập nghiệp. Còn theo tư liệu chính xác thì đảo Thiềng Liềng được thành lập năm 1976. Thời gian dần trôi, bây giờ trên đảo đã có hơn 200 hộ gia đình với hơn 1.000 nhân khẩu.
Thiềng Liềng trong lành và yên bình, vắng vẻ đến lạ, vắng đến nỗi tôi tưởng như mình đã lạc đến một chốn nào đó xa xôi lắm. Dù Cần Giờ đã thay đổi nhiều nhưng Thiềng Liềng còn giữ được nét yên ả, mộc mạc, chưa bị đô thị hóa một cách tàn nhẫn.
Một căn nhà nổi trên sông. Ảnh: Hải An
Cần Giờ có hơn 1.500 hecta đất làm muối, riêng ấp Thiềng Liềng có khoảng 400 hecta. Người dân ở Thiềng Liềng chủ yếu sống bằng nghề làm muối, mỗi năm nơi đây sản xuất khoảng 20.000 tấn muối. Mùa làm muối bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau. Nghề làm muối ở Thiềng Liềng có truyền thống từ những người đi khai đất. Muối ở Thiềng Liềng có chất lượng cao do độ mặn của nước biển cao hơn nhiều nơi khác, nhưng giá bán lại thấp hơn vì thương lái ép giá do tốn chi phí vận chuyển. Diêm dân đa phần không có phương tiện chở muối đi bán mà đợi ghe của thương lái từ các tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Phước..., đến mua.
Nghề làm muối ở Thiềng Liềng
Quá trình làm muối từ giai đoạn bắt đầu vô nước, rải muối giống đến khi thu hoạch thường mất khoảng 7-10 ngày nếu trời nắng nóng liên tiếp. Sau khi rải muối giống, nước trong ruộng sẽ bốc hơi dần, những diêm dân sẽ tiếp tục bơm nước vào, cứ như thế cho đến khi lượng muối kết tinh dày lên là có thể thu hoạch. Giữa cái nắng ban trưa, cánh đồng muối bốc hơi nghi ngút, sức nóng của mặt trời, hơi mặn của muối phả vào mặt, áp vào chân nhưng họ vẫn cần mẫn cào muối. Những giọt mồ hôi mặn chát trên gò má cháy sạm chưa kịp rơi xuống đã bị hong khô.
Mồ hôi đổ càng nhiều, nắng càng rát da, rát thịt thì càng thu hoạch được nhiều muối. Nghề này phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, muối sắp thu hoạch gặp một trận mưa nhỏ cũng trôi hết công sức. Vậy nên dân gian vẫn bảo chẳng nghề gì khổ như nghề làm muối, mát thì ở trong nhà, nắng chang chang, gay gắt thì phải ra đồng, làm 6 tháng nhưng để dành ăn cả năm.
Nhưng muối chỉ có giá cao vào mùa mưa, còn mùa nắng là mùa thu hoạch chính nên giá thấp hơn nhiều. Diêm dân không phải ai cũng có vốn dư để ém hàng chờ giá lên cao mà đa số đều phải thu đến đâu, bán đến đó trả công cho người làm và lo cho vụ kế tiếp. Vất vả, bấp bênh nhưng ở đây mọi người đều sống nhờ nghề này, giờ bỏ cũng không biết làm gì, một diêm dân có thâm niên gần 30 năm làm muối thở dài.
Đến Thiềng Liềng vào những ngày cuối vụ muối, không khí nơi đây không còn cảnh tất bật như vào chính vụ. Họ nói với tôi bằng vẻ tiếc nuối “Phải chi cô ra đây vào gần Tết mà coi, cả cánh đồng tấp nập người. Giờ gần cuối vụ, mưa tới rồi, họ về dưới làm ruộng hết”. Nghe ra thì mới biết, “về dưới” là về quê ở Long An, Tiền Giang trong thời gian mùa mưa từ tháng 4 tới tháng 9 để làm ruộng, trồng cây ăn trái. Một số hộ khác thì đi biển, chuyển sang nuôi tôm, nuôi hàu… Ngoài muối tinh, người dân cũng đã bắt đầu sản xuất muối tôm, muối ớt hay muối thảo dược ngâm chân… để kiếm thêm đồng ra đồng vào.
Người dân nơi đây hiền lành, chất phác và rất mến khách. Ảnh: Hải An
Với nét độc đáo, hoang sơ, Thiềng Liềng ngày nay cũng trở thành điểm đến khá thú vị cho khách du lịch. Nhiều dự án du lịch sinh thái đang được thử nghiệm hứa hẹn một nhịp sống sôi động trong tương lai. Trên đảo, cũng đã có vài ba homestay để khách lưu lại qua đêm. Đêm ở Thiềng Liềng yên tĩnh lạ thường, dưới bầu trời sao lung linh, mùi của biển, mùi của muối hòa quyện mặn mòi.
Tôi rời Thiềng Liềng trên chuyến đò sớm nhất lúc 5 giờ sáng, trời còn nhá nhem nhưng đã nghe vẳng lại trong không gian tiếng bước chân người, tiếng hàng quán xôn xao ngoài bến. Người đi làm, đi chợ, trẻ em đi học sớm, những câu chuyện râm ran suốt quãng đường dài.
Tạm biệt Thiềng Liềng, hòn đảo nhỏ bình yên, tôi quay về với nhịp sống hối hả của thành phố. Hẹn một ngày quay lại giữa mùa muối rộn ràng và sẽ ở lại một đêm nữa lắng nghe đờn ca tài tử, nghe vị biển mặn mòi, thăm lại những người bạn, người dân làm muối hiền lành, chất phác.
Nhân lúc vừa bước qua mùa thi cử, hãy để tâm trí bạn thảnh thơi đón lấy những tia nắng hè rực rỡ tại một vài địa điểm "sống ảo" cực chất trong thành phố.
Nguồn: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/man-moi-hat-muoi-can-doi-c14a34900.html