Mã Đề - ngôi chùa độc đáo trong lòng núi đá
Trương Dịch là một thành phố thuộc tỉnh Cam Túc (Trung Quốc). Nơi này chính là Cam Châu trong thời kỳ con đường tơ lụa cổ đại, nằm trên tuyến đường giao thương của các thương nhân từ Trường An tới Đôn Hoàng.
Nơi đây từng là trung tâm thương mại quan trọng trong triều đại nhà Tùy và nhà Đường. Ngày nay, tại Trương Dịch, có một địa điểm hết sức độc đáo không thể bỏ qua, đó là ngôi chùa Mã Đề nằm lọt thỏm trong lòng một ngọn núi đá.
Chùa Mã Đề được khoét sâu trong lòng núi đá.
Ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng
Mã Đề là ngôi chùa phật giáo Tây Tạng được dựng khoét sâu vào núi đá cheo leo, cách thành phố Trương Dịch khoảng 70km. Quãng đường từ Trương Dịch tới ngôi chùa đi qua bao nhiêu làng mạc, khung cảnh miền quê thanh bình, xa xa là dãy núi Kỳ Liên phủ tuyết trắng.
Khi nhìn thấy Mã Đề, tôi không tin vào mắt mình khi thấy ngọn núi đá cao vút thế kia lại có thể chứa được cả một ngôi chùa bên trong lòng nó. Dưới chân núi là những dãy cờ phong mã (lungta) - cờ cầu nguyện của Tây Tạng - rực rỡ dưới nắng vàng. Lungta thường được làm bằng vải hình vuông màu trắng, xanh dương, vàng, xanh lá, đỏ. Cờ được trang trí bởi những hình ảnh, câu thần chú và các lời cầu nguyện. Lungta sẽ mang những lời cầu nguyện của chúng sinh lên trời và mang những điều tốt đẹp từ trên trời xuống nhân gian.
Không ai biết, cũng không còn tài liệu ghi lại chính xác niên đại xây dựng, chỉ biết rằng chùa Mã Đề đã xuất hiện trong khá nhiều tác phẩm của các nhà thơ thời Đông Tấn (317 - 402), vì vậy, Mã Đề có thể đã được xây dựng cách đây khoảng 1.600 năm.
Truyền thuyết kể rằng, chùa được xây dựng trên dấu chân ngựa thần của King Gesar - vị anh hùng trong truyền thuyết của người dân Tây Tạng, người đã đánh bại ma quỷ và đem lại cuộc sống bình an cho dân chúng. Vì lịch sử lâu đời của nó, chùa Mã Đề, hang Mạc Cao và hang Ngọc Lâm ở Qua Châu được coi là ba hang động nghệ thuật của thánh địa Phật giáo Hà Tây.
Bức thangka của Phật giáo Tây Tạng ở Mã Đề.
Độc đáo và kỳ lạ
Quần thể chùa Mã Đề được chia ra làm bốn khu chính, vì vậy du khách phải mất cả ngày mới có thể tham quan hết các công trình. Nhìn bên ngoài chùa chỉ có ba tầng, nhưng khi đi sâu vào trong là hang đá 33 tầng trời. Lối lên các tầng ngoằn ngoèo, chật hẹp, chỉ đủ cho một người luồn lách mới lên được. Như vậy, khi các nhà sư mang tượng phật, đồ cúng dường sẽ phải hết sức cẩn thận.
Tôi không hiểu, con người cổ đại có thể mất bao mồ hôi, công sức để khoét sâu vào vách đá, dựng nên tầng tầng lớp lớp phòng thờ, hành lang ngoằn ngoèo như vậy. Tín ngưỡng phải lớn đến mức nào mới có thể kỳ công xây dựng nên công trình như thế?
Trong hành lang hun hút tối om thỉnh thoảng le lói ánh sáng, đó chính là ánh sáng từ những ngọn đèn bơ đặc trưng của Tây Tạng ở các gian thờ. Khi leo lên đến đỉnh cao nhất, đập vào mắt tôi là một dàn cờ phong mã đang tung bay trong gió, nổi bật trên nền trời xanh thẳm. Sâu bên trong hốc đá là các tượng Phật liên quan đến Phật giáo Tây Tạng như Thích ca Mâu ni, các vị hộ pháp... Xung quanh tượng là hàng đèn bơ cháy liên tục từ năm này sang năm khác. Một không gian đặc quánh Tây Tạng.
Trong quần thể chùa Mã Đề, điện thờ vua Gesar - King Gesar Palace (cũng là một chùa hang đá) ở xa nhất, hoang vắng nhưng khung cảnh hùng vĩ và thoáng đãng. Có thảo nguyên, có dãy Kỳ Liên tuyết phủ, có lungta sắc màu bao bọc. Từ bậc thềm, tôi đi dọc theo hành lang bằng gỗ tới cửa điện thờ. Bên trong điện là hai hàng tượng của vua Gesar và 36 vị tướng dưới quyền của ngài đang cưỡi ngựa, cầm các loại vũ khí trong tư thế sẵn sàng cho một cuộc chiến. Đi hết đại điện, khi bước ra cửa, tôi đã thấy mình ở mặt sau của quả núi. Hóa ra đi xuyên qua đại điện nghĩa là tôi đã xuyên qua ngọn núi.
Điểm cuối cùng trong quần thể Mã Đề là Thiên Phật Động - một ngôi chùa của người Hán, được xây dựng thời nhà Nguyên (1271 - 1368). Cũng là khoét vào hang đá cheo leo nhưng cấu trúc, tượng phật, mái vòm, tranh tường ở đây khác hẳn với chùa Mã Đề 33 tầng trời, không còn phong cách Tây Tạng nữa mà là phong cách của người Hán. Đi lên những bậc thang để tới được điện thờ cheo leo trên núi, trong tôi có cảm xúc thật đặc biệt.
Tôi tạm biệt Mã Đề trong một buổi chiều thu nhạt nắng. Ngôi chùa vẫn đứng đó, uy nghi và sừng sững như hàng ngàn năm nay. Cam Túc là một vùng đất được thiên nhiên ưu ái từ cảnh quan thiên nhiên tới các công trình do con người tạo ra. Trong đó, Mã Đề là nơi để lại nhiều ấn tượng nhất. Tôi hy vọng mình sẽ quay lại nơi này vào mùa đông, khi những bông tuyết trắng phủ khắp chốn linh thiêng này. Chắc chắn, đó sẽ là một cảnh tượng hoàn mỹ.
Nguồn: [Link nguồn]
Những ngôi đền này đều nằm ở nơi nguy hiểm, xung quanh là vực sâu nhưng vẫn có rất nhiều người lặn lội đường xa...