Lồng đèn rồng dài gần 3 m gây thích thú ở triển lãm trung thu
Trong không gian phòng triển lãm 'Tầm tập', tác phẩm Đại Long đặt ở vị trí trung tâm trở thành điểm nhấn bởi kích thước lớn, thiết kế cầu kỳ.
Đại Long là tác phẩm lớn nhất của triển lãm lần này, dài 2,5 - 3 m. Lồng đèn được căng bằng hai lớp giấy kiếng, mang những nét vẽ kỳ công. Đầu rồng được thực hiện trong gần 300 tiếng. Thân rồng được nối lại bằng những khối trụ với kích thước nhỏ dần về phần đuôi.
Lồng đèn dựng từ thanh trúc được uốn bằng máy khò có nhiệt độ 150-180 độ C. Quá trình gọt liệng cắt giấy kiếng, các tác giả không ít lần gây rách giấy, phải tháo giấy cũ rồi căng giấy mới.
Dựa theo các bức ảnh chụp lồng đèn rồng truyền thống của người Việt dịp trung thu đầu thế kỷ 20, 10 tác giả nghiên cứu trong một năm, đưa ra các phỏng đoán về kích thước, sáng tạo về màu sắc và có điều chỉnh về thiết kế.
Vì tác phẩm quá lớn, các tác giả gắn dây đèn thắp sáng thay vì dùng đèn cầy (nến), tránh gây hư hại, với mong muốn bảo tồn Đại Long lâu dài. Nhóm tác giả mong muốn tiếp tục cải tiến thiết kế Đại Long để có những tác phẩm chất lượng hơn trong các triển lãm sau này.
Khách tham quan triển lãm đặc biệt ấn tượng với lồng đèn rồng khổng lồ, chọn nhiều góc để check in 'sống ảo' cùng Đại Long.
Nhóm khán giả nhí tạo dáng trước tác phẩm lồng đèn lớn nhất triển lãm.
Cùng với Đại Long, triển lãm 'Tầm tập' trưng bày hơn 10 tác phẩm lồng đèn khác với kích thước tầm trung. Chuỗi lồng đèn cá, ngư long được sắp xếp để diễn giải truyền thuyết 'Cá chép hóa rồng'.
Toàn bộ tác phẩm được uốn bằng thanh trúc để đảm bảo độ mềm dẻo, bọc giấy kiếng và vẽ màu tinh xảo. Quá trình uốn khung dài 6-10 tiếng và khâu bọc giấy kiếng mất 4-6 tiếng.
Đại diện nhóm tổ chức triển lãm cho biết giấy kiếng có nhiều loại với độ dày - mỏng khác nhau. Điểm đặc trưng của loại giấy này là co lại ở nhiệt độ thấp, giãn ra ở nhiệt độ cao. Họ thử nghiệm nhiều lần, tính toán độ căng để giấy không bị nổ, rách; nhưng đồng thời đảm bảo được việc vẽ tạo hình.
Nhóm tác giả gồm 10 người, phần lớn là sinh viên Đại học Kiến trúc TP HCM. Yêu thích văn hóa cổ truyền, họ thu thập các bức ảnh đen - trắng ghi lại không khí trung thu những năm 1920 của nhiều vùng miền ở Việt Nam, dựa theo hình ảnh để sáng tạo những chiếc lồng đèn mang kiểu dáng truyền thống nhưng kích thước, màu sắc, chi tiết có nhiều sự sáng tạo. Vì lý do này, họ gọi công việc của mình là phỏng dựng, thay vì phục dựng.
Lồng đèn hồ điệp được sáng tạo các khớp nối để phần cánh bướm có thể cử động.
Không gian triển lãm có một chiếc bàn mô phỏng mâm cỗ trung thu xưa với mô hình tiến sĩ giấy, đầu sư tử, đồ chơi tò he, bánh trung thu... Triển lãm được nghiên cứu một năm, chuẩn bị không gian trong một tháng và hoàn thiện khoảng 20 tiếng trước giờ khai mạc hôm 22/8.
Triển lãm sẽ kéo dài đến hết 20/9, mở cửa trong khung giờ 16-21h hằng ngày, mỗi suất tham quan kéo dài một tiếng với tối đa 15 người tham gia. Các suất tham quan đều có đại diện nhóm tác giả thuyết trình, giới thiệu. Giá vé triển lãm 50.000 đồng/người. Từ lúc khai mạc, triển lãm thu hút nhiều sự quan tâm của các gia đình và người trẻ ở TP HCM.
Vào hai ngày 8 và 16/9, triển lãm có hoạt động trình diễn cải lương và hát bội.
Diễn viên Rima Thanh Vy là một trong những vị khách đầu tiên ghé thăm 'Tầm tập' khi triển lãm mới mở cửa.
Cẩm nang Michelin gợi ý trải nghiệm 48 giờ ở TP HCM với các nhà hàng truyền thống, những khu phố ẩm thực sôi động, phù hợp với du khách lần đầu đến thành phố.
Nguồn: [Link nguồn]