Lâu đài Sanssouci - cõi vô tư

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Những ngày cuối thu ở TP Potsdam, thủ phủ bang Brandenburg, gần thủ đô Berlin (Đức) vốn ủ ê càng thêm lê thê, chậm rãi.

"Con đường ngập lá vàng" trong sách vở đặc tả mùa thu hoàn toàn có thật khi rừng cây trước lâu đài Sanssouci (Sansscouci Palace). Cảnh đẹp đến thế, ai có thể buồn được, đúng như tên gọi của lâu đài là "Vô tư đi".

Lâu đài Sanssouci gây choáng ngợp bởi phong cách kiến trúc hoa mỹ Roccoco - một phong trào nghệ thuật từng gây tranh cãi bởi sự xa hoa và phù phiếm. Đó là lý do người dân gọi Sanssouci là lâu đài dát vàng. Còn giới học giả thì gọi Sanssouci là lâu đài "Vô tư đi".

Với bất cứ góc nhìn nào lâu đài Sanssouci cũng toát lên thần thái thượng lưu, đẳng cấp bởi mọi chi tiết được chăm chút kỹ lưỡng. Đó là hàng trăm tượng đá sa thạch theo lối Barock. Khu nhà kính trồng cam chanh và nhiều loại cây nhiệt đới quý hiếm với châu Âu. Một vườn nho rộng rãi hình bậc thang. Công viên với chiều dài các lối mòn lên tới 76 km. Tháp Rồng theo phong cách phương Đông giữa rừng cổ thụ cho ta cảm giác phiêu lưu. Chiếc cối xay gió cũ kỹ vẫn quay cánh đều gợi nhiều hoài niệm về thời xưa cũ ở châu Âu. Bảo tàng tranh đầy ắp những tác phẩm hội họa kinh điển của các họa sĩ tài ba Hà Lan như Peter Paul Rubens, Anton van Dyck hay họa sĩ Ý Caravagio...

Quang cảnh đẹp đẽ được tạo bởi bàn tay bao người, từ kiến trúc sư đến người làm vườn, thợ xây dựng… tạo nên một bức tranh hoàn mỹ khiến bất cứ ai đến đây vào bất cứ mùa nào trong năm cũng thấy rung động.

Mọi thứ quanh tòa lâu đài tạo nên cảm giác sung túc, đủ đầy cho chính người tham quan. Vậy nên cứ vô tư đi mà thưởng ngoạn, trải nghiệm những điều tuyệt mỹ dù ngoài kia cuộc sống có nhiều bộn bề, lo toan!

Khu công viên và lâu đài Sanssouci do vua Frederik đệ nhị xây dựng vào năm 1745, làm nơi nghỉ mát dành cho hoàng gia. Người dân địa phương bảo rằng cái hay của Sanssouci là mỗi lần đến là mỗi lần có một cảm giác khác nhau.

Những họa tiết chạm trổ tinh tế và được dát vàng trong lâu đài Sanssouci

Những họa tiết chạm trổ tinh tế và được dát vàng trong lâu đài Sanssouci

Sự thay đổi cảm xúc ấy không chỉ phụ thuộc vào tiết trời, cảnh vật trên cung đường đến lâu đài thay đổi theo mùa mà còn bởi tình cảm của người tham quan sẽ tăng dần theo số lần đến thăm. Bởi lẽ, nếu chỉ đến một hai lần, chẳng ai có thể cảm hết được cái đẹp đến ngây người của cung điện.

Mỗi họa tiết ở lâu đài Sanssouci như hớp hồn người xem. Không chỉ bởi mọi thứ được dát vàng mà còn bởi lâu đài chứa đựng những giá trị thẩm mỹ tinh tế. Có những vị khách dành cả nửa buổi chỉ để ngắm nhìn những nét vẽ trên trần nhà, có những người lắng nghe từng lời giới thiệu lịch sử lâu đài và các chi tiết trang trí một cách chăm chú như thể lỡ nhịp nào thì sẽ không bao giờ có dịp nghe lại lần nữa.

Sau một vòng tham quan, ngoài cảm giác hồ hởi là sự tiếc nuối bởi nghe chưa hết và ngắm chưa đã. Điều này cũng dễ hiểu khi thời gian tham quan lâu đài được quy định ngặt nghèo. Vậy nên nếu chỉ một lần ghé thăm, chắc chắn không ai có thể nắm hết được cái đẹp tinh hoa mà lâu đài sở hữu.

Nếu đã đến Sanssouci, đừng quên dừng lại ăn trưa ở nhà hàng cổ kính nằm ngay trong tháp Rồng. Súp ngon, nóng hổi được dọn ra cùng bánh mì để lại nhiều dư vị khó quên. Hãy gọi kèm một ly bia nồng nàn hương vị Đức để có thể cảm nhận trọn vẹn Sanssouci - lâu đài - khu vườn vui tươi từ thế kỷ XVIII cho mãi đến bây giờ!

Nguồn: [Link nguồn]

Bí mật lâu đài Friedrichshof

Thị trấn nhỏ Kronberg của nước Đức được đặt theo tên của dòng họ hiệp sĩ đã thành lập thị trấn vào năm 1220. Kronberg...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Trang ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN