Lạc vào 'hành tinh khác' ở sa mạc Úc
Cách bờ biển phía tây nam của Úc không xa, trên sa mạc Pinnacles là một khu vực kì lạ với hàng ngàn cột đá vôi bị phong hóa, nhô lên từ bãi cát vàng uyển chuyển, như cảnh tượng trên một hành tinh khác.
Sự hình thành đá vôi ở sa mạc Pinnacles rất bất thường, ở một vài nơi cột đá vôi cao tới 3,5m với bề mặt là lởm chởm, sắc cạnh, trong khi những cột khác có kích thước vừa và nhỏ trông giống như bia mộ, tổ mối, ngón tay hay thậm chí là nhỏ xíu như con chuột.
Đây là những cấu trúc đá vôi tự nhiên tuyệt đẹp được hình thành khoảng 25.000 - 30.000 năm trước, sau khi biển rút đi đã để lại những khoáng chất từ lớp vỏ sò. Theo thời gian, những cơn gió biển đã loại bỏ hết lớp đất cát xung quanh và phô bày ra những trụ cột đá vôi tự nhiên có hình thù kì quái trông thấy như ngày nay.
Mặc dù sự hình thành đá ở sa mạc Pinnacles đã trải qua hàng nghìn năm, nhưng chúng chỉ được lộ thiên trong thời gian vài trăm năm nay. Những hiện vật của thổ dân được tìm thấy gần đây trong sa mạc Pinnacles có tuổi thọ ít nhất là 6.000 năm tuổi. Mặc dù các nhà khảo cổ không đưa ra bằng chứng về sự định cư của nhóm thổ dân này, nhưng dựa trên số tuổi của những hiện vật được tìm thấy, các nhà khảo cổ đã đi đến một giả thuyết rằng sa mạc Pinnacles được phơi bày hoàn toàn cách đây khoảng 6.000 năm, sau đó bị bao phủ bởi hiện tượng cát chảy rồi trở lại trạng thái phơi bày như ban đầu lần nữa.
Hiện tượng này đã diễn ra trong vài trăm năm qua. Quá trình này có thể được nhìn thấy trong hoạt động ngày nay mà chủ yếu là do những cơn gió từ phía nam thổi tới quét đi lớp cát, để lộ ra tháp đá nhọn nằm ở phần phía bắc của sa mạc Pinnacles trong khi đó những cơn gió lại kéo cát về bao phủ những tháp đá ở phía nam. Theo thời gian, những ngọn tháp đá vôi ở đây sẽ bị cát bao phủ một lần nữa rồi sẽ rửa trôi. Chu kỳ cứ thế lặp đi lặp lại tạo ra những hình dạng tháp đá kỳ lạ và tuyệt vời hơn trong tương lai, theo như các nhà khoa học phán đoán.
Phần lớn người Úc không biết đến sự tồn tại của sa mạc Pinnacles mãi cho đến những năm 1960, khi khu vực này được bổ sung thêm vào công viên quốc gia Nambung thì bắt đầu gây sự chú ý của cư dân bản địa. Công viên này được đặt tên theo con sông Nambung. Cái tên “Nambung” có nghĩa là "quanh co" trong ngôn ngữ của thổ dân địa phương. Ngày nay khu vực này tiếp đón hơn 250.000 du khách viếng thăm mỗi năm.
Mùa xuân được cho là thời điểm tốt nhất trong năm để viếng thăm sa mạc Pinnacles. Bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 10 thì hoa dại bắt đầu đua nhau khoe sắc khiến cho khu vực Pinnacles trở nên đẹp và đầy sức sống. Thời gian tốt nhất trong ngày để ngắm những cột đá vôi, tốt nhất là nên đến lúc bình minh vừa ló dạng hoặc lúc hoàng hôn bởi ánh mặt trời sẽ tạo ra một sự tương phản, làm nổi bật màu của đá và màu đen của bóng cột được in trên mặt đất như những gợn sóng cực đẹp.
Sa mạc Pennacles cũng tràn ngập động vật hoang dã, hầu hết động vật ở đây là loài ăn đêm. Cho nên cũng không có gì lấy làm lạ khi nhìn thấy một con chuột túi xám, đà điểu, chim diều đen hay những loài bò sát khác bám víu hay bò xung quanh những cột đá kỳ lạ này.
Từ Perth, du khách có thể thuê một chiếc du lịch và đi về phía bắc dọc con đường Indian Ocean Drive, trải dài đến tận Exmouth trên rặng Ningaloo. Mất khoảng ba tiếng lái xe đến công viên quốc gia Nambung. Đây cũng là điểm đến quen thuộc của các chuyến du lịch bằng xe ngựa và xe leo núi khởi hành từ Perth. Tại đây có một con đường đi bộ và có thể lái xe lướt qua những trụ đá vôi cổ của Pinnacles.
Du khách cũng có thể thám hiểm công viên từ làng chài Cervantes gần đó như tham gia một chuyến du ngoạn đánh bắt cá dưới đáy biển, lặn với vòi hơi trong những rạn san hô hay đi du lịch bằng tàu thủy qua những hòn đảo xa bờ, ngắm hải cẩu và cá heo mũi chai. Phía nam của làng chài là hồ nước mặn Thetis, đây cũng là một trong số ít nơi trên thế giới có những khối đá vôi dưới biển. Đi bộ quanh hồ ngắm những khối hóa thạch được hình thành bởi những cấu trúc sinh học tương tự như những sinh vật đầu tiên trên trái đất cũng tuyệt đẹp không kém.
Ngắm sa mạc Pinnacles: