Lạc lối trong ma trận của giếng bậc thang cổ đại kỳ vĩ nhất thế giới
Giếng bậc thang Chand Baori là một trong những công trình kiến trúc cổ đại ấn tượng nhất Ấn Độ, nhìn từ trên như mê cung, bước xuống càng choáng chợp.
Chand Baori là một giếng bậc thang được xây dựng bởi Vua Chanda với niên đại hơn 1.000 năm, tức xây dựng từ khoảng năm 800 - 900 (sau Công nguyên), nằm ở làng Rajasthan Abhaneri (phía đông của tỉnh Rajasthan), cách thành phố hồng Jaipur, Rajasthan khoảng 60km.
Theo như truyền thuyết người dân địa phương kể lại thì giếng được xây dựng chỉ trong vòng một đêm như có thế lực thần bí nào giúp đỡ, việc xây dựng nhiều bậc thang như vậy là để ngăn chặn việc mọi người leo xuống lấy những đồng xu khách hành hương cũng như cư dân ở đây ném xuống đó để cầu may.
Chand Baori có độ sâu 19,8 mét và được bao bọc bởi những hàng hiên trụ. Nó có các bậc thềm được xây dựng ở hai bên, có thể được hạ xuống để đi tới nước ở đáy, giống như hình kim tự tháp ngược.
Cấu trúc của các bậc thang được thiết kế để đảm bảo rằng người dân có thể tiếp cận với nước vào bất kỳ thời điểm nào trong năm và từ mọi phía. Ngoài ra nó còn có một ý nghĩa về toán học, thậm chí thiên văn học cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa lý giải được bí ẩn của trí tuệ người xưa.
Miệng giếng khổng lồ là nơi nguồn nước đổ vào. Sau khi chảy xuống qua các bậc thang, nước ngấm qua các tảng đá xốp và trở lại các mạch nước ngầm. Nhiệt độ dưới đáy giếng luôn thấp hơn nhiệt độ bên trên từ 5 đến 6 độ C.
Không chỉ là một công trình trữ nước xưa kia, Chand Baori ngày nay còn là một kỳ quan kiến trúc với 3.500 bậc thang có cấu trúc đối xứng, phủ kín 3 mặt của giếng, dẫn xuống đáy. Lòng giếng có hình vuông, càng xuống sâu càng thu hẹp lại, tạo nên một không gian được ví như kim tự tháp Ai Cập lộn ngược.
Những bậc cầu thang đều tăm tắp nối tiếp nhau, khi kết hợp với ánh sáng tự nhiên tạo nên một hiệu ứng thị giác vô cùng ấn tượng, như thôi miên mắt nhìn. Từ mặt đất xuống tới mặt nước là 13 tầng cầu thang với độ sâu khoảng 20 mét, và có thể dưới mặt nước còn vài tầng nữa.
Nổi bật giữa 4 mặt giếng cao sừng sững là bể nước màu xanh rêu, cho cảm giác tươi mát, với nhiệt độ ở phía đáy giếng cũng luôn thấp hơn 5-6 độ C so với trên mặt đất. Mặt còn lại của giếng là một dinh thự nhiều tầng với những vòm cửa được chạm khắc công phu, những tác phẩm điêu khắc tôn giáo tuyệt đẹp.
Bên trong có nơi ở của hoàng gia với các phòng cho Nhà vua, Hoàng hậu và một sân khấu để biểu diễn nghệ thuật. Ngoài ra, cũng ở mặt này của giếng còn có ngôi đền thờ Harshat Mata – nữ thần của niềm vui và hạnh phúc.
Nguồn: [Link nguồn]
Điểm nhấn trong hành trình khám phá thành phố Agra chính là kỳ quan thế giới Taj Mahal, nơi mà bất cứ du khách nào cũng muốn một lần được tận mắt chiêm ngưỡng và chạm tay...