Lạc bước kỳ quan 'vườn treo Babylon'
Du khách được mãn nhãn khi chiêm ngưỡng những di tích của công trình hoành tráng thời cổ đại.
Trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, vườn treo Babylon xếp ở vị trí thứ 2, và là kỳ quan thuộc hàng bí ẩn nhất thế giới, nằm trong thành cổ Babylon.
Được xây dựng cách đây hơn 4.000 năm, thành phố cổ này từng là thủ đô của hơn 10 triều đại ở Mesopotamia, Iraq, được coi là một trong những cái nôi văn minh đầu tiên, cũng là nơi sản sinh ra chữ viết và văn học.
Rất nhiều cuộc khảo sát từng được tiến hành để đi tìm nơi vườn treo Babylon từng ngự trị. Một trong số đó đã dẫn đến khu di chỉ, được rất nhiều người cho là tàn tích Babylon cổ đại, nằm cách thủ đô Baghdad 85km về phía Nam.
Cùng với quá trình khai quật, tìm hiểu, chính phủ Iraq đã phối hợp trưng bày các hiện vật, di tích cổ, song song với việc xây dựng, tái hiện một số cổng thành, tường thành cổ bằng các phương pháp mới và mở cửa đón khách du lịch.
Một trong những hình ảnh gây ấn tượng mạnh nhất với du khách lại cánh cổng Ishtar nổi tiếng được tái hiện bởi các kiến trúc sư và nhà khoa học châu Âu. Bức tường gốc được xây dựng khoảng năm 575 trước công nguyên theo lệnh của vua Nebuchadnezzar đệ nhị, hiện nằm tại viện bảo tàng Pergamon ở Berlin.
Bức tường mới được tái hiện theo nguyên bản với những hình ảnh của rồng, bò rừng… tượng trưng cho quyền lực của đế chế Nebuchadnezzar.
Bức tượng sư tử khổng lồ nguyên gốc được coi là biểu tượng của thành phố cổ vẫn đứng sừng sững giữa khu di tích, được khá nhiều du khách chụp ảnh kỷ niệm.
Lâu đài được coi là do vua Nebuhadnezzar xây dựng để tặng vương hậu của mình cũng được xây dựng lại, cho du khách cái nhìn cụ thể, chính xác hơn về cảnh quan xưa.
Những công trình mới hòa hợp với cảnh quan cũ, làm nên một trong những điểm du lịch khảo cổ số một thế giới. Tuy nhiên, gần đây, do sự sói mòn cũng như quá trình đô thị hóa của các khu vực xung quanh, khu khảo cổ Babylon bị đe dọa nghiêm trọng và chính phủ Iraq phải kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới.