Kỳ bí nơi 'nàng Tiên ngủ' ở nóc nhà của người Mường
Ở độ cao 1.200 m so với mặt nước biển, xứ mây Lũng Vân – Hòa Bình được coi là “nóc nhà xứ Mường Bi”. Khi mây tan, hiện ra ngọn núi mang dáng hình của một người con gái đang say ngủ.
Truyền thuyết “Đẻ đất Đẻ nước” của người Mường ở Hòa Bình kể rằng: Tại vùng núi non, nơi những bản làng đang sinh sống yên bình, có một cơn hồng thuỷ ập đến cuốn trôi tất cả. Đôi vợ chồng nọ bám vào được một chiếc bè chìm nổi giữa sóng dữ nên thoát chết. Họ lênh đênh hết ngày này sang ngày khác.
Chiếc bè vướng vào cây Bi - một cây cổ thụ khổng lồ, rễ cây ăn xuyên sâu lòng đất nên vẫn vững vàng trong cơn hồng thuỷ. Cơn hồng thuỷ rút cũng là lúc tất cả trở nên hoang sơ. Không còn đường về, đôi vợ chồng dựng lều ở ngay dưới gốc cây Bi để sinh con đẻ cái, phát rừng làm nương.
Nhớ ơn cứu mạng, họ lấy tên cây đặt cho tên mường, hình thành nên vùng Mường Bi ngày nay, một vùng núi rừng rộng lớn. Trong đó, Lũng Vân là nơi sinh sống cao nhất của Mường Bi.
Cái tên Lũng Vân, có lẽ được bắt nguồn từ điểm đặc trưng của một thung lũng với bốn bề là núi cao dựng, nối nhau trùng điệp quanh năm chờn vờn mây phủ. Xưa, Lũng Vân còn có tên là Mường Chậm. Theo những người dân thì chữ Chậm ở đây không phải là sự nhanh, chậm theo nghĩa thông thường. Nhưng trong tiếng Mường nó cũng chẳng thể hiện ý nghĩa gì.
Nguồn gốc xa xưa của địa danh này cũng chẳng mấy ai rõ. Chỉ biết rằng truyền thuyết tạo nên xứ Mường trong mây này là một câu chuyện buồn của một cuộc trốn chạy quan Lang của một gia đình nghèo còn được ghi trong trí nhớ của một lớp người xưa cũ như một câu truyện truyền thuyết đời nối đời.
Tương truyền thì trong xứ Mường Hoà Bình, Mường Chậm là xứ mường trẻ nhất, nằm ở địa thế sâu, xa nhất. Nó là kết quả cuộc trốn chạy của một nhà dân thường. Vì phạm tội với nhà Lang nên phải bồng bế nhau bỏ mường đi tìm đất mới. Thuở ấy, nhà lang xứ Mường Bống ở đất Lạc Sơn cho đắp một con đập dẫn nước về các thửa ruộng bậc thang lẩn khuất giữa các khe nách núi.
Từ khi có con đập, lũ trẻ thường rủ nhau tắm và chui luồn như những con rái cá trong cái cống dẫn nước bắc ngang qua chân núi. Một nhà dân thuộc họ Bùi vô tình đan cái ngõ hầu (đó) chặn một đầu bên kia miệng cống. Mải nô đùa, luồn lách 9 đứa trẻ bị giắt vào ngõ hầu và chết trong đó. Nhà lang phạt vạ, bắt nhà họ Bùi đan đủ 9 cái ngõ hầu, mỗi năm nộp lúa, ngô... quy ra vàng bạc đầy 9 cái ngõ hầu để nộp vạ cho mường...
Không chịu được sự bất công, sau một mùa lúa mới, trong một đêm tối trời, nhà họ Bùi đã gùi chín gùi lúa mới bồng bế nhau bỏ mường, trốn khỏi nhà lang. Họ đi miết cho tới khi lạc vào một vùng hoang vu cây cối rậm rạp. Nghe tiếng Cuốc kêu, biết là vùng này có nước, họ mới dừng chân ở lại.... Mường Chậm được hình thành như thế. Con Cuốc chỉ đường cho người trốn vạ nhà lang được nhà họ Bùi nhớ ơn, không bao giờ ăn thịt. Cuộc sống bình yên trên vùng đất mới của dòng họ Bùi bắt đầu như vậy.
Một năm sau, người vợ của nhà họ Bùi đi xúc cá, được một quả trứng. Bỏ đi đâu bà cũng bắt đúng quả trứng ấy. Lấy làm lạ, bà mang về cho gà ấp, quả trứng nở ra một con rắn. Con rắn hiền lành chẳng bao giờ làm hại ai cả.. Lớn lên, con rắn bò về cái lằn nước nơi trước kia người vợ nhà họ Bùi vớt được quả trứng. Trước khi đi, rắn bảo: “Con trả ơn nuôi dưỡng của bố mẹ bằng cách mở rộng đất cho bố cày”.
Một đêm mưa gió, sấm chớp đùng đùng, nước ngập cả mường, kéo đổ cây, cuốn cả nhà... Đúng lúc ấy, con rắn hiện lên bảo với ông lão họ Bùi: “con sẽ đi dập dòng nước dữ cứu mường. Lúc con đi, bố phải nhắm mắt đọc câu thần chú “con tôi làm được” và không được mở mắt nhìn. Nếu không con sẽ chết ngay!”. Nói rồi, con rắn lao vào dòng nước dữ trong đêm giông gió. Người cha nghe theo, nhắm mắt đọc câu thần chú. Nhưng rồi cuối cùng vì sự tò mò, ông mở mắt ra và nhìn thấy một con giao long khổng lồ đang hút từng đụn nước vào bụng, vừa hút, vừa lấy thân mình khoét núi cho nước thoát đi...
Cùng với những huyện thoại, cùng với cảnh đẹp mà không ít người đã phải thốt lên đầy kinh ngạc khi đặt chân lên vùng đất này là một cuộc sống thanh bình như ở chốn tu tiên. Còn đối với những người dân thì “đây thực sự là một xứ thần tiên. Ở đây ai cũng được ân hưởng tuổi giời . Cả xã có hơn 400 nóc nhà với hơn 2.000 nhân khẩu thì có rất nhiều cụ già thọ hơn trăm tuổi mà vẫn minh mẫn, khỏe mạnh.
Bất chấp dòng chảy thời gian, văn hóa Mường ở Lũng Vân được bảo tồn khá nguyên vẹn, từ những mái nhà sàn dốc hình con rùa với đức tin con rùa tượng trưng cho sự vững chãi đến những bộ váy của người phụ nữ Mường. Những chiếc váy truyền thống đa phần là màu đen, đầu váy trang trí bằng những hoa văn thổ cẩm nổi bật.
Ngày nay, để phù hợp với lao động, váy có ngắn hơn song những đường nét tinh tế trong trang trí vẫn được lưu giữ. Lễ hội văn hóa xứ Mường Bi là một trong những sinh hoạt văn hóa cộng đồng được đông đảo người dân và du khách quan tâm. Mỗi lễ hội là một bức tranh phản ánh hiện thực xã hội Mường cổ, tiêu biểu như Nạ Mụ, Nhóm lửa, Xuống đồng, Rửa lá lúa, đặc biệt là hai lễ hội lớn: Khai hạ, Cơm mới.
Cánh đồng hoa hướng dương rộng 2ha thuộc xã Song Lãng, huyện Vũ Thư (Thái Bình) đang trở thành điểm đến lý tưởng, thu...