Kỳ bí nghĩa địa cá Ông

Không biết từ bao giờ, hình tượng cá Ông (cá voi) đã đi sâu trong tâm khảm người dân miền biển. Chúng tôi đã đi rất nhiều vùng biển trên khắp cả nước, chứng kiến nhiều phong tục văn hóa khác nhau, nhưng có một điểm chung không lẫn vào đâu được, đó là tín ngưỡng thờ cá Ông của ngư dân...

Nghĩa địa cá Ông lớn nhất

Làng chài Phước Hải (Đất Đỏ - Bà Rịa – Vũng Tàu) những ngày gió mùa Đông Bắc tràn về, gió từ biển thổi hàng phi lao trên bãi cát trắng phần phật, tưởng như xới tung những nấm mộ nhỏ bé của Ông Nam Hải (Nam Hải Đại tướng quân là sắc phong của Vua Gia Long cho cá voi vì đã có công cứu giá khi Vua bị quân Tây Sơn truy đuổi trên biển).

Nơi đây, đang tồn tại một nghĩa địa cá Ông lớn nhất cả nước. Ban đầu chỉ có vài ngôi mộ cát đơn sơ, tạm bợ, sau nhiều năm đã phát triển thành khu nghĩa địa rộng lớn với tên gọi Ngọc Lăng Nam Hải.

Kỳ bí nghĩa địa cá Ông - 1

Những nấm mộ cá Ông đều được chôn quay mặt về phía biển.

Tất cả các ngôi mộ đều được khắc tên “Nam Hải chi mộ” cùng ngày tháng Ông “lụy”. Phía sau bia là tên tàu đã phát hiện ra Ông kèm tên người chịu tang. Năm 2011, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập “nghĩa địa cá Ông lớn nhất Việt Nam” cho Ban quản lý Ngọc Lăng Nam Hải.

Trong cuốn sách “Đất Việt trời Nam” của tác giả Thái Văn Kiểm thì tục thờ cá Ông là do người Chiêm Thành truyền lại. Thuở xưa có nhiều bài ca nói đến thần cá Ông. Theo bài ca ấy thì ba người con của vua Kỳ Nam (Patan Gahlan) kết hợp với cá Ông để ngự trị xứ này.

Khi cá Ông xuất hành thì tất cả các loài cá khác phải theo chầu hầu. Tại Đình Thần Thánh Tam đặt tại TP. Vũng Tàu còn một bộ xương cá Ông được ngư dân đưa vào bờ thờ đầu tiên vào năm 1868 khi bị trôi dạt vào bãi biển Thùy Vân.

Một phần còn lại của bộ xương này nặng đến 4 tấn, cho biết con cá voi bị nạn có thể dài tới 30 mét. Một cái xương sườn còn lưu giữ đến nay dài 1,8m. Người dân Phước Hải cho rằng, vùng biển này là quê hương chính của Ông nên cuối đời, Ông tìm về cố hương để gửi thân.

Mùa gió Đông Bắc là mùa Ông “lụy” (chết) nhiều nhất. Theo lý giải của ngư dân, sở dĩ Ông “lụy” là do Ông quá lớn tuổi, sức đã kiệt hoặc bị các loài cá khác ép gây thương tích, lâu ngày thịt bị thối rữa đến chết. Trong mùa mưa bão dữ dội năm nay, ngoài cầu khấn trời yên, biển lặng, ngư dân luôn quỳ chắp tay vái lạy Ông Nam Hải lấy thân mình che chắn để “mắt bão” không xoáy vào bờ, tàn phá con người và thuyền bè.

Kỳ bí nghĩa địa cá Ông - 2

Bà Liên ngày nào cũng ra nghĩa địa hương khói cho các Ông.

Cứ chiều về, bà con làng chài lại ra bờ biển thắp hương cho Ông, đó như công việc thiêng liêng họ cần phải làm, bất kể ngày nắng hay mưa giông. Bà Lê Thị Liên (58 tuổi) đã duy trì thói quen ấy hơn 10 năm, từ ngày chồng bà được Ông cứu sống ngoài biển.

Người đàn bà mang dáng dấp bà má Nam Bộ, khuôn mặt nhám đen đồi mồi luôn toát lên vẻ chân thật, hào sảng trong giọng nói. Bà Liên chỉ lên nấm mộ Ông, nói: “Gia đình tôi mang ơn Ông suốt đời. Ngày ấy, nếu Ông không xuất hiện thì tôi đã thành góa phụ, đàn con tôi mồ côi cha”.

Bà Liên nhớ lại, cũng vào khoảng thời gian này của năm 2006, chồng bà chèo thuyền thúng ra vùng biển Vũng Tàu, cách đất liền khoảng 5 hải lý câu mực. Đêm hôm ấy, gió mùa Đông Bắc đổ về, sóng biển rất mạnh liên tiếp táp vào chiếc thuyền nhỏ bé như vỏ trấu giữa đại dương của ông Tư. Ông cố bám tay chèo giữ thật chặt để thuyền khỏi lật nhưng cuối cùng vẫn bị sóng đánh cho lật úp.

Ông Tư thuộc hàng cao thủ bơi và cũng có sức khỏe. Ông thả nổi cơ thể, mặc cho sóng đánh trôi thân người để giữ sức. Đến gần sáng, nước lạnh ngấm vào người khiến ông tê cứng, biển đen như mực không một đốm sáng, ông Tư nghĩ cầm chắc cái chết.

Kỳ bí nghĩa địa cá Ông - 3

Trong nghĩa địa có đền thờ Ngọc Lăng Nam Hải.

Nước mắt ông trào ra, đau đớn nghĩ về vợ và 5 đứa con thơ dại, ông kiệt sức lịm đi. 10 giờ sáng hôm sau, một tàu đánh cá vớt được ông trong tư thế đang nằm ngửa trên một thân hình to vạm vỡ, bóng nhẫy, đen trùi trũi. Người đi biển biết ngay đó là Ông Nam Hải. Họ đưa ông Tư lên tàu thì Ông dần dần chìm xuống biển mất hút.

Ông Tư được cứu sống như phép màu thần kỳ. Khi tỉnh dậy, nghe chuyện cá Ông đã nâng mình suốt mấy tiếng đồng hồ nổi trên biển, ông Tư khóc suốt mấy ngày. Ông trở về nhà, cùng vợ mang ngay lễ vật ra lăng Ông tạ ơn. Hai năm sau, trong lúc đang đánh cá, ông Tư bắt gặp một xác cá Ông “lụy” đang trôi ngoài biển.

Ngay lập tức, toàn bộ thủy thủ trên tàu dừng mọi công việc, tập trung trục vớt Ông. Trọng lượng của Ông nặng hàng tấn nên việc đưa xác lên tàu là vô cùng khó khăn. Sau đó, phải tiến hành ướp đá để giữ nguyên vẹn “long thể” của Ông. Ở đất liền, bà con đứng chật bãi biển đón và chuẩn bị chu đáo các thủ tục làm lễ an táng.

Việc đầu tiên là tắm rửa cho Ông sạch sẽ, quấn vải đỏ 7 vòng rồi đặt Ông lên giường sơn son thiếp vàng. Các nghi lễ có cả cờ xí, trống chiêng và đào huyệt chôn Ông như chôn một con người. Vì là người đầu tiên phát hiện Ông “lụy” nên ông Tư chịu tang và có bổn phận chăm sóc mộ Ông.

3 ngày làm lễ mở cửa mả, 21 ngày làm lễ cầu siêu, 100 ngày làm tuần, hàng năm cúng giỗ đều đặn. Sau 3 năm làm lễ hốt cốt Ông vào Dinh rồi mới xả tang. Khi hốt ngọc cốt của Ông, người ta thường lấy tro hòa với nước tưới vào lưới, hy vọng sẽ đánh được nhiều cá tôm, mang bình yên đến với dân vạn chài.

Điểm tựa niềm tin

Trong khuôn viên nghĩa địa, có nhiều ghế đá để mỗi khi chiều xuống, dân làng chài rủ nhau tới thắp nhang khấn vái xong thì tâm sự, kể cho nhau nghe những câu chuyện về biển cả, về cuộc sống. Nơi này còn là điểm đưa tiễn người ra khơi đánh cá và ngóng trông người trở về.

Trải qua bao mùa biển, linh hồn Ông đã chứng kiến biết bao nụ cười, nước mắt của những cuộc chia li, đoàn tụ, của nỗi đau sự mất mát. Người làng Phước Hải vẫn “găm” vào trái tim của mình những ngư dân ra đi và không bao giờ trở về.

Kỳ bí nghĩa địa cá Ông - 4

Trước mỗi chuyến ra biển, ngư dân đều tới nghĩa địa thắp hương mong Ông phù hộ bình an, may mắn.

Trong đó, có những thủy thủ mới mười tám đôi mươi, đang hừng hực sức trẻ và niềm đam mê mãnh liệt với biển cả. Những chuyến đi gặp bão hoặc tai nạn biển, họ mãi mãi không thể trở về. Đó là Nguyễn Văn Hớn, con bà Hai Liền, Lê Khánh Toàn, con ông Ba Hải...

Người làng cũng quen thuộc với bóng hình già nua khắc khoải của bà Nguyễn Thị Năm (60 tuổi) ngót chục năm rồi vẫn thẫn thờ ngóng đợi chồng ở hàng phi lao trước nghĩa địa cá Ông. Chồng bà đi bạn cho tàu cá lớn ở biển Kiên Giang, Cà Mau rồi bặt vô âm tín.

Bà cố gắng liên hệ với những người bạn của chồng thì nhận được tin ông phải lòng người đàn bà ở Cà Mau và ở lại sống cùng. Bà buồn khổ quá, quyết đi tìm sự thật nhưng Cà Mau mênh mông, biết chồng ở đâu mà tìm.

Bà thất vọng trở về, vẫn nuôi hy vọng nếu ông không chết thì một ngày nào đó sẽ trở về trên một con tàu ăm ắp cá. Cho dù ông có đi cùng ai thì đó vẫn là chồng, bà Năm chấp nhận và đón chào. Cứ thế, người đàn bà chờ chồng trên bãi biển ngày càng đơn độc, héo úa. Bà Năm sau đó tình nguyện làm người chăm sóc phần mộ cá Ông.

Lão ngư Nguyễn Văn Bảy (65 tuổi), người có thâm niên trên 50 năm đi biển cho biết, sở dĩ dân Phước Hải chọn Ông để nương tựa tinh thần bởi họ tin Ông, tôn thờ Ông như một vị thần có lòng từ bi và sức mạnh thần kỳ. Bản thân ông Bảy sau hơn nửa đời “chinh chiến” biển cả cũng nghiệm thấy sự màu nhiệm từ Ông. Ông Bảy đi biển từ năm 12 tuổi và đã có 3 lần chết hụt, trong đó một lần được Ông hiện lên cứu.

Ông Bảy nhớ lại một đêm tháng 9 năm 2000, ghe cào của ông cùng 3 thủy thủ bất ngờ gặp phải vòi rồng (lốc xoáy) cuốn chiếc ghe xoay tít không kiểm soát được. Mọi thứ xung quanh chao đảo, đồ đạc trên ghe bay vèo vèo. Ông Bảy cùng mọi người nằm sõng soài trên mạn ghe, ôm chặt lấy cột gỗ. Tưởng như chiếc ghe sẽ vỡ tung ra rồi chìm xuống biển, một thủy thủ nhỏ nhất vừa khóc vừa hét thật to: “Cứu chúng con với, con không muốn chết”.

Ông Bảy cũng hét vang biển trong vô vọng: “Ngài Nam Hải đại tướng quân”. Những tưởng cuộc đời sẽ kết thúc thê thảm ở đây, bỗng có một bóng đen lừ lừ tiến lại cặp cạnh chiếc ghe, giữ không để sóng đánh lật.

Sau khoảng 20 phút thì vòi rồng biến mất, biển yên lặng lạ kỳ. Cá Ông cũng nhả ghe ra lặn mất. Ghe ông Bảy chỉ bị long vài thanh gỗ phía mũi. Hoàn hồn trở lại, ông Bảy lập tức cho ghe quay trở về bờ và ra nghĩa địa quỳ lạy cảm tạ Ông. 

Trước mỗi chuyến tàu ra khơi, ngư dân thường ra nghĩa địa thắp hương rồi vào Dinh “tâm sự” với Ông, mong bình an, no ấm trong ngày trở về. Vì vậy, từ hàng trăm năm nay, việc thờ cá Ông đối với dân vạn chài là trách nhiệm và bổn phận. Họ coi đó như một cách đền ơn đáp nghĩa theo luật nhân quả.

Rùng mình nghĩa địa cổ chi chít quan tài treo trên vách núi cao

Tại một vùng núi ở Philippines, thi thể những người chết được đặt trong những chiếc quan tài gỗ treo trên vách đá dựng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Hoa ([Tên nguồn])
Địa điểm du lịch hot 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN