Kỳ bí đền thờ chuột
Trong những giống loài động vật thì chuột là một trong những loài mà con người căm ghét nhất. Chúng vừa phá hoại mùa màng, kho tàng, lại gieo nhiều dịch bệnh đáng sợ. Thế nhưng, lại có một nơi được mệnh danh là “thiên đường của loài chuột”, chúng được bảo vệ cẩn thận, ăn uống đầy đủ và được tôn kính như thần linh.
Đó là đền thờ chuột, có tên đầy đủ là đền Karni Mata, nằm ở vùng Desanuke thuộc bang Rajasthan, miền Tây Ấn Độ, nơi tiếp giáp với Pakistan. Đền được xây dựng từ thế kỷ 15, trải qua hơn 500 năm hương hỏa không dứt, đến nay tại đây thường xuyên có khoảng 30.000 chú chuột sống ung dung, đầy đủ và an toàn.
Karni Mata là ai?
Karni nghĩa là tạo phúc cho thế giới, còn Mata là “Mẹ” - từ tôn xưng của tín đồ Ấn Độ giáo đối với nữ thần. Karni Mata tên thật là Ridhu Bai, sinh ngày 2-10-1387, từ năm 6 tuổi đã thể hiện năng lực siêu phàm. Năm 1415, Ridhu Bai kết hôn nhưng sau đó tự sắp xếp cho chồng mình lấy em gái còn bà đến chỗ người cô ở nơi hẻo lánh để tu khổ hạnh và chứng đắc, đến khoảng năm 1538 thì biến mất không dấu vết, để lại rất nhiều câu chuyện li kỳ.
Tín đồ Ấn Độ giáo tin rằng Ridhu Bai chính là hóa thân của nữ thần Durga - mẹ của thần trí tuệ Ganesa, vợ của chúa tể Shiva, vì thế tôn xưng bà là Karni Mata.
Chuyện rằng một hôm Laxman - người con nuôi của Karni bị sảy chân xuống ao mà chết. Nữ thần bèn dùng phép xuống cõi u minh gặp thần Chết là Yamaraja cầu xin cho Laxman sống lại nhưng thần Chết cự tuyệt yêu cầu này vì linh hồn của bé trai ấy đã chuyển thế.
Karni Mata phẫn nộ bèn phát thệ rằng: Để không còn rơi vào tay thần Chết, từ nay những thành viên trong gia tộc của ta khi chết thì chuyển thế thành loài chuột, sau đó mới tái sinh tiếp tục làm thành viên trong gia tộc.
Nhưng, có một truyền thuyết khác rằng, thời điểm ấy có một đạo quân khoảng 2 vạn người bị dồn đến Desanuke và họ sắp bị tử hình, nữ thần Karni Mata phát đại từ bi, biến số người này thành chuột để khỏi bị giết. Để báo đáp, những người này thề rằng sẽ vĩnh viễn ở trong đền thờ Karni Mata để phụng thờ nữ thần.
Lối vào đền thờ chuột.
Chuột được cung phụng
Đền thờ rất sạch sẽ, yên tĩnh, các phiến cẩm thạch được chạm trổ tinh xảo nối từ cổng vào, bên trong là tượng nữ thần và nhiều tranh, tượng chuột. Để tránh mèo và chim cắt bắt chuột, bốn phía và trên không của ngôi đền đều bao bọc lưới cẩn thận. Du khách và tín đồ vào trong đều phải cởi giày dép, đi đứng nói năng cẩn thận, không làm kinh động đến hàng vạn “cậu tý” đang lúc nhúc ăn bánh, uống sữa hay bò ngang dọc.
Theo quy định, đền thờ mỗi ngày sáng tối hai lần tiến hành nghi thức cầu nguyện và cho chuột ăn. Các giáo đồ vào bên trong bày thức ăn gồm các thùng sữa, bánh, ngũ cốc, sau đó gõ mõ tụng kinh, chuột nghe tiếng đã quen bèn từ các hang hốc túa ra mà đến.
Khi bạn vào đền thờ, nếu may mắn sẽ được một vài chú chuột bò lên chân, qua người thì đó là phúc phận. Nếu được nhìn thấy chuột trắng (chỉ có 5 con) thì thật là may mắn cả đời vì đó là hóa thân của nữ thần Karni Mata, đặc biệt linh thiêng. Còn như bạn chẳng may giẫm chết một chú chuột thì phải đền số bạc trắng bằng trọng lượng chú chuột.
Năm 1927, Ấn Độ phát sinh bệnh dịch hạch, người chết vô số nhưng kỳ lạ là ở trong đền thờ chuột này vẫn bình an vô sự.
Nguồn: [Link nguồn]
Khu vực bí ẩn mang tên “những chiếc chum của người chết” cho đến nay vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp trong...