Kỳ ảo hang động Pa Don
Hang rộng chừng 50 m2, những vòm đá cao vút, từng chùm nhũ đá đủ màu sắc, đủ hình thù uốn lượn quanh vòm hang, mọc lên, đâm ngang từ những vách đá.
Từ thị trấn Prao (Đông Giang, Quảng Nam), xuôi theo đường Hồ Chí Minh đúng 19 km, đến thôn A Sờ, xã Mà Cooi, rẽ xuống con đường về khu Tái định cư Palepachanh, đã thấy mấy thanh niên làng Mèn ngược lên đón chúng tôi theo lời dặn của Thượng tá A Lăng Mứ, Chỉ huy trưởng BCHQS H. Đông Giang. Đó là A Lăng Tới, tốt nghiệp Trung cấp Nông nghiệp tỉnh, Alăng Bzép, cán bộ xã Cà Dăng, A Lăng Thi, học sinh trường nội trú Hội An. Cả ba dẫn chúng tôi đổ xuống con dốc nhão nhoẹt bùn đất chừng 2 km nữa, bỏ xe máy ven đường, rẽ xuống một khe suối có tên Bhơm Lom, lội ngược lên thì gặp núi Pa Don sừng sững trước mặt. Vượt lên lưng chừng sườn núi chừng hơn 200m, thì tới một vách đá dựng đứng. Mấy thanh niên bảo, cửa hang núi nằm trên vách đá ấy.
Đường lên hang động Pa Don
Nhờ mấy thanh niên đã chuẩn bị sẵn đèn pin và cả mấy cây sào để bắt dơi, chúng tôi xuống hang. Đường xuống hang chỉ vừa một người chui lọt. Vừa lọt xuống khoảng 2m, chúng tôi như rơi vào một khoảng không gian rộng lớn, qua ánh đèn pin lấp lóa, một hệ thống hang động hiện ra, lòng hang bằng phẳng, với những vòm đá cao vút. A Lăng Tới tỏ ra am hiểu: "Người già trong làng nói, ngày xưa bộ đội mình về đóng quân quanh khu vực và trong hang". Tiếp tục lườn qua một ngách đá khác, chúng tôi lại lọt vào một hang động, qua ánh đèn pin hiện ra trước mắt chúng tôi một "cung điện" nguy nga rực rỡ.
Hang rộng chừng 50 m2, những vòm đá cao vút, từng chùm nhũ đá đủ màu sắc, đủ hình thù uốn lượn quanh vòm hang, mọc lên, đâm ngang từ những vách đá. Có dải nhũ đá như những dải lụa trắng hồng uốn lượn, có những chùm nhũ đá xoắn vào nhau từng cuộn từng cuộn, có nhũ đá buông từ trên vòm hang xuống như hình một buồng chuối hoặc mọc từ vách hang như hình người đang múa lượn... đủ màu sắc, trắng, hồng, tím, đỏ, lóng lánh, lung linh, lộng lẫy như một mê cung. Tiếp tục lưồn qua một ngách đá khác, chúng tôi lại lọt vào một hang động khác. Lần này thì tôi thật sự sững sờ trước một kỳ quan có một không hai, hang động này còn đẹp, lộng lẫy gấp nhiều lần hang tôi đi qua bên cạnh. Thật tiếc, khi đang mải mê ngắm từng nhũ đá, chiếc đèn bị tụt pin cứ yếu dần. Thấy vậy A Lăng Tới vội la to: "Ra khỏi hang ngay, nếu không chút nữa hết pin, sẽ rất nguy hiểm...".
Những nhũ đá tuyệt đẹp trong hang Pa Don, xã Cà Dăng, Đông Giang
Chúng tôi vội vã tìm đường rút lên cửa hang, đứng giữa núi rừng ào ào đầy tiếng gió thổi, tiếng chim hót mà tôi vẫn như chưa bừng tỉnh, chưa hết bàng hoàng, không ngờ trong lòng núi thâm u này lại có những kỳ quan có một không hai như vậy...
Xế chiều, về đến làng Mèn (xã Cà Dăng), A Lăng Tới, A Lăng Bzép dẫn chúng tôi tới thăm, chào Bí thư Chi bộ thôn A Lăng Ánh. Biết chúng tôi vừa vào hang Pa Don, A Lăng Ánh trợn mắt: "Không sợ à, giỏi đấy, một mình tôi cũng không dám vào hang đâu...". Chưa kịp hiểu chuyện gì, thì A Lang Ánh lại cười khà khà: "Nhưng không sao đâu, Giàng cho phép rồi...". Thấy chúng tôi tròn mắt không hiểu, A Lăng Ánh khề khà: "Trong hang có một con trăn rất to, bằng cái này này (A Lăng Ánh chỉ cái cột nhà), dài tới gần 10m... Con trăn đã sống trong hang từ rất lâu, người già trong làng đã gặp từ cách đây mấy chục năm, A Lăng Ánh cũng gặp con trăn mấy lần, năm ngoái (2012) cũng mới gặp nó. Bà con làng Mèn và cả một số làng lân cận coi con trăn là "thần giữ hang", trong hang có rất nhiều dơi.
Vào tháng 9 tháng 10, bà con thường vào hang để bắt dơi về làm thức ăn. Nhưng mỗi lần đi bắt dơi, mỗi nhà trong làng đều phải làm lễ cúng rồi mới vào hang. Nhiều người trong làng vào hang đã gặp trăn, lúc ở ngách hang ngày, lúc ở ngách hang khác, nhưng nó rất hiền, không làm hại ai cả. Nó chỉ nằm khoanh tròn, mọi người có thể bước qua bên cạnh nó vẫn không sao. Nhưng hôm nào vào hang mà gặp nó đang trườn đi, hoặc treo mình trên vòm hang, thì hôm ấy phải quay ra khỏi hang ngay. Người già trong làng bảo, vậy là hôm đó, "thần hang-con trăn" không đồng ý cho người vào hang bắt dơi". Nói vậy nhưng A Lăng Ánh giải thích, giống con trăn nếu đã ăn no, nó sẽ nằm im nhiều ngày liền để tiêu hóa hết thức ăn, còn hôm nào nó đi lại, hoặc treo mình, tức là nó đang đói, đang đi tìm mồi, nếu gặp nó, lại chọc nó giận thì rất nguy hiểm.
Hang Pa Don kéo dài hàng trăm mét trong lòng núi với những nhũ đá vô cùng đặc sắc
Hang Pa Don rất rộng, nằm sâu trong dãy núi, còn có một cửa hang nữa, cách cửa hang chúng tôi đã vào khoảng 1km, rất có thể con trăn đang nằm ở một ngách xa, nếu không rất có thể chúng tôi đã gặp con trăn. A Lăng Ánh kể, ngày bé, A Lăng Ánh đã gặp bộ đội về đóng quân rất nhiều ở khu vực núi Pa Don và cả trong hang, khu vực này lại là khu di tích lịch sử cách mạng Dốc Gợp, tại sao hàng chục năm qua, chẳng thấy chính quyền và ngành chức năng đến tu sửa, tôn tạo khu di tích? Vì vậy, đã hàng chục năm qua, ngoài người dân địa phương, ít có ai biết được, khu di tích cách mạng này lại có một hệ thống hang động, một thắng cảnh đẹp như vậy. A Lăng Ánh ao ước: "Nếu phát triển khu di tích này thành một điểm tham quan du lịch trên đường Trường Sơn lịch sử thì hay biết mấy...".