Kinh nghiệm “săn” hoàng hôn ở đỉnh Phượng Hoàng mùa cỏ cháy
Bạn Đinh Mai Duyên đã có chia sẻ kinh nghiệm bắt khoảnh khắc hoàng hôn tại đỉnh Phượng Hoàng vào mùa cỏ cháy – điểm đến đang thu hút du khách ở Quảng Ninh.
Hình ảnh em gái Mai Duyên trong chuyến đi Đỉnh Phượng Hoàng mới đây cùng với gia đình cô – khi mặt trời đang dần xuống núi, xung quanh là những thảm cỏ úa màu.
Đỉnh Phượng Hoàng nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển. Nơi đây thuộc bản 12 Khe, Bắc Sơn, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đỉnh Phượng Hoàng còn được gọi một tên khác là núi Ba Tầng với những triền núi dài nối nhau.
Những năm gần đây, đỉnh Phượng Hoàng là điểm đến yêu thích của đông đảo du khách với hai mùa: mùa cỏ xanh và mùa cỏ cháy. Từ tháng 5 đến tháng 10 – cỏ ở đây xanh mướt tạo nên một khung cảnh ngút ngàn – tươi mát. Từ tháng 11 cỏ ở đây bắt đầu héo úa và chuyển sang màu nâu vàng – gọi là mùa cỏ cháy, tạo nên một khung cảnh đẹp lãng mạn tựa bức tranh cổ điển.
Chính vì thế, khi thời tiết miền Bắc đang ở độ cuối thu đầu đông, trời không mưa, nắng nhẹ, Đỉnh Phượng Hoàng trở thành điểm đến rất thu hút du khách. Bạn Đinh Mai Duyên – sống ở Hải Phòng, đã chia sẻ kinh nghiệm làm sao để đã “mất công” lên đỉnh Phượng Hoàng rồi thì phải săn được những khoảnh khắc đẹp nhất ở nơi đây: đó là khung cảnh hoàng hôn ở đồi cỏ cháy.
Mai Duyên cho biết: Muốn lái xe lên đến đỉnh Phượng Hoàng, thì cần có xe gầm cao, xe bán tải. Nếu không, bạn lái xe đến chân núi rồi sử dụng dịch vụ xe đưa đón ở dưới chân núi. Ngoài ra ở đây cũng có đẩy đủ dịch vụ đồ uống, nhà vệ sinh, thuê lều và ăn uống qua đêm tùy nhu cầu của khách.
“Nếu đi xe máy thì bạn phải xe số, nhưng tay lái yếu rất dễ ngã. Em gái em đi 2 lần đều đi xe máy bị ngã, một lần bị bỏng bô phải đi bộ xuống chân núi”, Duyên nói.
Khoảnh khắc đẹp của gia đình Mai Duyên trong ánh chiều tà trên đỉnh Phượng Hoàng.
Cô cũng chia sẻ, nếu sắp xếp được, bạn nên đi vào ngày thường sẽ đỡ đông hơn cuối tuần. Mùa này thời tiết thuận lợi nên cuối tuần các điểm du lịch tại Quảng Ninh như Bình Liêu, đỉnh Phượng Hoàng sẽ rất đông khách đến tham quan.
Theo Duyên, tời gian hợp lý nhất là đi vào buổi chiều, khoảng 14h xe lên đỉnh nghỉ ngơi thư giãn một chút rồi tầm 3h bắt đầu vào việc căn góc, lên ý tưởng chụp ảnh, quay video.
Mai Duyên cho biết, khoảng 16h-16h30 là hoàng hôn buông xuống ở đỉnh Phượng Hoàng, gió sẽ se lạnh hơn sau đó tắt nắng rất nhanh. Và đây là thời khắc để bạn tranh thủ chụp ảnh, quay clip thật đẹp.
“Muốn săn hoàng hôn đỉnh Phượng Hoàng mùa cỏ cháy thì bạn phải nhanh tay, nhanh chân, chuẩn bị kỹ càng, chọn thời gian hợp lý, chứ đi muộn hoặc sát giờ mới chuẩn bị thì mặt trời lặn mất. Vì thời gian đó ngắn ngủi lắm, chỉ khoảng 15-30 phút thôi, lỡ chậm chút là đầy tiếc nuối luôn”, cô nói.
Về trang phục, để phù hợp với khung cảnh mùa cỏ cháy, theo Duyên, bạn nên chọn quần áo, váy có màu trắng, màu be, nâu kiểu vintage. Và dù chụp bằng điện thoại hay máy ảnh thì bạn cũng nên có chân máy để chụp được đẹp và đầy đủ hơn. Như vậy, hành trình đến với mùa cỏ cháy của bạn sẽ rất hoàn hảo.
Một số hình ảnh khác của gia đình Mai Duyên tại đỉnh Phượng Hoàng:
Hoàng hôn xuống rất nhanh nên nếu muốn có ảnh đẹp bạn phải chuẩn bị kỹ.
Mai Duyên cho biết mùa này nắng tắt rất nhanh nên bạn phải chuẩn bị kỹ để “săn ông mặt trời”.
Hai chị em Duyên tạo dáng khi mặt trời bắt đầu lặn.
Bắt lấy những tia nắng cuối cùng trong ngày.
Gia đình hạnh phúc của Mai Duyên trong ánh nắng chiều của đỉnh Phượng Hoàng.
Có thời gian nghỉ ngơi thú vị ở Phú Yên, nữ du khách cảm thấy mảnh đất này có nhiều yếu tố để trở thành địa điểm thích hợp “chữa lành”, nhất là việc chỉ cần ngồi yên ngắm cảnh đã thấy tâm hồn an nhiên, nhẹ nhõm...
Nguồn: [Link nguồn]