Kinh nghiệm quý cho dân 'phượt' xuyên Việt
Để chuyến đi dài trọn vẹn, tránh những phát sinh, hãy tham khảo những kinh nghiệm dưới đây!
1. Lựa chọn lịch trình hợp lý
Lên lịch trình hợp lý là điều kiện tiên quyết cho một chuyến du lịch xuyên Việt trọn vẹn. Thông thường, một lịch trình du lịch xuyên Việt nên đi qua từ 10 – 12 điểm, trong đó có những chốt quan trọng như: Hạ Long, Phong Nha, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh. Nếu có nhiều thời gian hơn, bạn có thể khám phá thêm Phan Thiết, khánh Hòa, Phú Yên…
2. Khởi hành sớm
Nên khởi hành sớm từ 4, 5 giờ sáng để khi bạn tới điểm đến (thường cách nhau 200 – 300 km) là lúc trời nắng ấm, cả gia đình có thể nghỉ ngơi, vui chơi. Dự trù các phát sinh và trường hợp trời tối, bạn nên đổ đầy xăng khi bình cạn hoặc qua các thị trấn, làng mạc, tránh trường hợp hết xăng giữa chốn đồng không mông quạnh.
3. Tập bản đồ
Tập bản đồ hành chính Việt Nam với đầy đủ chi tiết về chiều dài, trạm bơm xăng là món đồ không thể thiếu trong hành trang du lịch xuyên Việt của bạn. Cẩn thận hơn, khi tới đâu, bạn nên đánh dấu vào điểm đã qua, dùng bút vạch sẵn lộ trình trên bản đồ và kiểm tra các mốc vừa đi qua để đảm bảo mình đi đúng đường.
4. Dự trù thời gian
Một trong những yếu tố vô cùng quan trọng khi du lịch dài ngày là bạn có bao nhiêu thời gian cho chuyến du lịch. Từ đó, bạn có thể tính được là mình sẽ lưu lại tại mỗi nơi bao nhiêu ngày, cũng cần trừ hao thời gian cho những trường hợp phát sinh để có thể trở về đúng ngày, không ảnh hưởng tới công việc học tập của các thành viên trong gia đình, nhóm bạn bè.
Nếu bạn đi bằng xe máy, hãy hoạch định trước xem liệu mình có tiếp tục đi xe máy chiều ra không hay đi tàu, máy bay chiều về để tiết kiệm thời gian, sức lực.
5. Hành lý
Không nên mang quá nhiều đồ khi du lịch xuyên Việt bởi nó khiến bạn nặng nhọc, mệt mỏi vì phải trông đồ. Những đồ dùng thiết yếu bao gồm quần áo, dầu gội, xà phòng, giấy tờ, giấy phép lái xe, thuốc men, chăn, đồ ăn khô và tất nhiên là nhiều tiền!