Khu rừng bí mật đẹp mê hồn trong lòng nước Mỹ
Dù bị bao vây bởi các vùng đô thị, nhưng rừng Allegheny gần như không hề thay đổi từ khi chào đón những cư dân đầu tiên.
Thế giới bị quên lãng
Khu vực rừng Allegheny, trải dọc miền tây bắc bang Pennsylvania và miền tây nam bang New York, là một trong những vùng đất bị “bỏ quên” nhiều nhất ở miền Đông nước Mỹ.
Tại khu vực thường bị chi phối bởi sự phát triển đô thị, khu vực có diện tích hơn 40.000 héc-ta này không hề có thành phố lớn, chiến trường hoặc di tích lịch sử nào, khiến cho môi trường tự nhiên tại đây giữ được nét nguyên sơ như khi những người định cư đầu tiên đặt chân đến. Trong thực tế, không vùng đất nào khác ở vùng đông bắc nước Mỹ có mạng lưới rừng, suối, đá cùng đường mòn như Allegheny. Điều này, kết hợp cùng với nền lịch sử công nghiệp quan trọng, khiến Allegheny trở thành một nơi lý tưởng để trở thành công viên quốc gia đầu tiên nằm giữa Đại Tây Dương và Ngũ Đại Hồ.
Ảnh: Zack Frank
Thiên đường cho người đi bộ đường dài
Khu vực này được tạo thành từ những ngọn đồi dốc và thung lũng. Điều độc đáo là địa hình này không phải là kết quả từ sự đóng băng. Vùng địa hình năng động chỉ được tìm thấy tại đây là thành quả của hàng trăm dòng sông chảy xuyên qua núi rừng.
Allegheny chính là thiên đường cho những người thích bộ đường dài hoặc muốn khám phá hàng trăm con đường giao nhau và vô số địa hình khác, trong đó có cả những vách đá cao chót vót và cánh rừng già. Trong số đó, nổi bật nhất là con đường mòn mang tên North Country National Scenic Trail với khoảng 150 km đi qua Allegheny. Nó bắt đầu từ bang New York và trải dài 7.400 km, đi qua 7 bang trước khi kết thúc tại bang North Dakota.
Ảnh: Zack Frank
Khu rừng lửa
Rừng Quốc gia Allegheny, nằm lọt thỏm bên trong bang Pennsylvania, sở hữu gần 1 nửa diện tích 40.000 ha rừng của khu vực. Vào mùa thu, toàn bộ cánh rừng ánh lên những sắc đỏ, cam, vàng, thách thức bất kỳ cảnh đẹp mùa thu nào khác tại Mỹ. Đây là một sự tương phản sắc nét khi so với những địa điểm nổi tiếng hơn như vùng New England, nơi những chiếc lá đổi màu gần như luôn được nhìn thấy gần những trang trại hoặc con đường.
Ảnh: Zack Frank
Quá khứ đen tối của hồ Kinzua
Hồ Kinzua được tạo ra năm 1965 khi đập Kinzua được xây dựng trên sông Allegheny. Ngày nay, hồ Kinzua trở thành nơi dạo chơi, chèo thuyền cho các du khách mà hiếm ai biết về quá khứ phức tạp của nó. Trước khi trở thành hồ nước, khu vực này từng thuộc sở hữu của một bộ lạc bản địa tên Seneca Nation. Hàng trăm gia đình của bộ lạc này đã bị buộc phải chuyển nơi ở sau khi thung lung bị ngập lụt.
Trong mùa khô hạn, dấu tích của cư dân bộ lạc Seneca Nation vẫn có thể được nhìn thấy ở phía đáy hồ. Dù vẫn gây tranh cãi nhưng hồ này thật sự có vẻ đẹp khó tả.
Ảnh: Zack Frank
Thác nước hai mặt
Khu vực Rừng Allegheny ẩn chứa rất nhiều thác nước, phần lớn trong số đó nằm sâu trong Rừng Quốc gia Allegheny. Thác Hector, nằm gần Ludlow, bang Pennsylvania, là một trong những thác nước kỳ lạ nhất của Mỹ với hai dòng nước đổ xuống từ hai phía. Một mặt đá hình chữ nhật nhô ra từ các bức tường đá xung quanh, tách đôi dòng nước trước khi chảy vào một con lạch nhỏ.
Ảnh: Zack Frank
Quê hương của một anh hùng
Một trong những con đường đẹp nhất miền Đông nước Mỹ chính là Route 62, ôm gọn hơn 96 km của dòng sông Allegheny và nằm giữa 2 thị trấn Warren và Franklin của Pennsylvania. Trục đường này sở hữu phong cảnh đẹp khó cưỡng như các vách đá, ghềnh, thung lũng sông và một số thị trấn xinh đẹp.
Con đường này đi qua thị trấn Tionesta, nơi người anh hùng địa phương Howard Zahniser lớn lên. Ông Zahniser là tác giả chính của Đạo luật Hoang dã 1964, giúp bảo tồn hàng triệu héc-ta đất trên toàn nước Mỹ. Hài hước thay, mặc dù Allegheny là nơi khai sinh cho ý tưởng bảo tồn sự hoang dã, hiện tại khu vực này gần như không hề được bảo vệ như một vùng đất hoang dã.
Ảnh: Zack Frank
Những hòn đá độc đáo
Không giống như những thành phố đá nổi tiếng ở vùng đông bắc, vốn được tạo thành từ sự chuyển động băng, đá tại đây được gọi là Đá Sấm (Thunder Rocks). Chúng được hình thành từ trầm tích khi dãy núi Catskill được tạo ra. Ban đầu, Đá Sấm bị chôn vùi dưới đất đá và bùn nhưng qua thời gian, nó dần dần lộ ra nhờ quá trình xói mòn.
Ảnh: Zack Frank