Khám phá thiên đường “chúa tể những chiếc nhẫn”
Dù từng may mắn đặt chân đến một số phim trường của Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc… nhưng khi lạc vào nơi đặt máy quay cho bộ phim phiêu lưu giả tưởng “Chúa tể những chiếc nhẫn” và “The Hobbit”, tôi vẫn không khỏi bất ngờ, choáng ngợp trước không gian mênh mông, ngát xanh là thế!
Phim trường trong mơ
Đó là nông trại Alenxander ở Matamata (phía Bắc New Zealand), được xây dựng từ năm 1978 trên diện tích khoảng 500 ha, chủ yếu để nuôi cừu và bò. Hai mươi năm sau, tháng 9-1998, duyên may đã biến nông trại trở thành địa danh nổi tiếng khi đạo diễn lừng danh người New Zealand Peter Jackson tìm cảnh quay cho bộ phim “The Hobbit” và “Chúa tể những chiếc nhẫn”. Từ trên máy bay, ông bất chợt khám phá những bóng cây to rậm trên đồng cỏ xanh mượt, cảnh núi non trùng điệp cùng những hồ nước trong vắt… giống hệt những gì tác giả J. R. R. Tolkien miêu tả trong tiểu thuyết “The Hobbit”.
Xác định đây là nơi hoàn hảo để mô phỏng cho ngôi làng Hobbiton, đầu năm 1999, Peter Jackson đã tiến hành xây dựng phim trường công phu, rộng lớn với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội New Zealand trong việc làm lại con đường dẫn vào khu vực quay. Bộ phim được đầu tư trên 500 triệu đô, được xem là dự án có chi phí cao nhất trong lịch sử điện ảnh New Zealand. Tại phim trường, gần 40 cái hố nhỏ như những chiếc hang xinh xắn làm nhà cho các nhân vật trong phim được chế tạo chuyên biệt.
Để phục vụ các cảnh quay, đoàn làm phim đã thu thập rất nhiều gỗ sồi, tán cây ở khu vực gần đó để phủ xung quanh nhà, tạo nên khung cảnh cổ xưa, xanh mát, gần gũi với thiên nhiên. Những lá cây nhân tạo được đặt hàng tận Đài Loan để giúp không gian phim trường luôn giữ mãi màu xanh, bất kể thời tiết. Phim trường phục vụ cho “Chúa tể những chiếc nhẫn” kéo dài cảnh quay đến 3 tháng; còn “The Hobbit” chỉ quay cảnh vỏn vẹn 12 ngày. Những lúc cao đỉểm, phim trường quy tụ đến 400 người phục vụ cho các cảnh quay.
Lạc vào xứ sở thần tiên
Chúng tôi đến ngôi làng Hobbiton trong thời tiết giá rét của mùa đông. Gió lạnh nhưng vẫn ươm vàng ánh nắng màu mật ong. Thời tiết ở New Zealand mùa này quá đỏng đảnh như tính khí thất thường của những cô gái đẹp. Nắng đấy nhưng lại bất chợt đổ mưa! Thế nhưng lạc vào khung cảnh thần tiên ở Hobbiton đã khiến mọi người quên đi tất cả nỗi bực bội với thời tiết mà tập trung cao độ vào việc ghi lại những thước hình có một không hai này.
Có lẽ không ở đâu mà cảnh sắc của cầu vồng lại nên thơ và lãng mạn như chốn này khiến cả đoàn chúng tôi cứ ngây người ra chụp ảnh, quên cả cái lạnh, cái ướt! Trên những con đường đá quanh co, ngoằn ngoèo, vượt qua những ngọn đồi nhấp nhô, bất ngờ xuất hiện những căn nhà be bé xinh xinh hết sức độc đáo.
Theo lời hướng dẫn viên địa phương, phim trường có khoảng 40 ngôi nhà như thế. Mỗi ngôi nhà lại mang kích cỡ, hình dáng ngộ nghĩnh khác nhau, nằm lọt giữa hoa cỏ muôn hồng nghìn tía đẹp như tranh vẽ. Hầu như mọi ngôi nhà đều có cửa ra vào, cửa sổ hình tròn, phía trước nhà ngổn ngang những chiếc ghế gỗ ngả nghiêng, cả những rổ bánh mì, rau củ, ly tách, chai rượu uống dở dang… Xung quanh đó là những vườn rau, giếng nước, cây cầu, thùng rượu, dọc ngang những chiếc xe cút kít cũ kỹ… Chúng tôi cảm nhận như hơi thở cuộc sống còn ấm áp quanh đây, rất đời thực, gần gũi thân quen như bất kỳ ngôi làng bình thường nào chứ không phải là cảnh ở trường quay! Thật bất ngờ khi chúng tôi “chạm mặt” với một số “fan cuồng” của hai bộ phim. Họ thuộc làu từng lời thoại của từng nhân vật, nhớ vanh vách từng cảnh quay trong bộ phim và thậm chí ngộ nhận mình là nhân vật mà họ yêu thích. Họ thay lời hướng dẫn viên thuyết minh cho những du khách khác cùng đoàn ở những địa điểm mà đoàn đi qua. Thậm chí có du khách còn mặc đồ của nhân vật chính trong phim và nằng nặc đòi ở lại chốn này!
Sau hơn hai giờ mòn chân mỏi gối với cảnh quan huyền diệu, chúng tôi tạm thư giãn tại Green Dragon – một quán trọ được tái tạo đúng trong phim để thưởng thức những món ăn truyền thống trứ danh của vùng đất này như thịt bò và rượu táo. Trong ánh lửa bập bùng của lò sưởi, hơi ấm tỏa ra đã đem lại cho chúng tôi những trải nghiệm thật thú vị ở không gian sống động hệt trong phim. Quả là một hành trình khám phá thật hoàn hảo. Chả trách mỗi năm, điểm tham quan này thu hút hơn 36.000 lượt khách du lịch.
Phim trường là thế, sự đầu tư chăm chút là thế nên chẳng khó khăn gì khi bộ phim thành công mỹ mãn không chỉ về mặt doanh thu mà còn về sự công nhận của giới điện ảnh qua những giải thưởng danh giá sau khi trình chiếu trên toàn thế giới. Về doanh thu, “Chúa tể những chiếc nhẫn” cao thứ hai trong năm 2001 và thứ năm trong danh sách 14 bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại trên toàn thế giới. Bộ phim còn được Viện Hàn lâm Điện ảnh và Nghệ thuật Truyền hình Anh trao năm giải: Đạo diễn xuất sắc nhất; Quay phim xuất sắc nhất ; Nhạc phim hay nhất ; Phim hay nhất và Kịch bản chuyển thể hay nhất . Năm 2002, bộ phim giành được giải Oscar .
Vinh quang này không chỉ góp phần đưa nền nghệ thuật thứ bảy của xứ sở kiwi sánh ngang tầm với các cường quốc điện ảnh thế giới mà còn trở thành một sức hút mạnh mẽ với nền du lịch của New Zealand, mang lại cho đất nước này một nguồn thu lớn khoảng 25 tỷ đô/ năm.
Đồng thời lượng du khách quốc tế đến New Zealand đạt mức tăng trưởng bình quân 10-15%/năm.