Khám phá nét đẹp 'Thung lũng Shangri-La' của đời thực
Đến thăm Hunza trong những ngày mùa đông hãy còn vấn vương mảnh đất này, trái tim tôi đã thực sự bị chinh phục trước khung cảnh băng giá tráng lệ bao phủ lấy toàn bộ thung lũng. Từ những ngọn núi cao chọc trời thấp thoáng đằng xa cho đến những dòng sông cắt xẻ dọc ngang, tất cả đều bạc trắng màu của băng tuyết.
Thung lũng Hunza là một điểm đến được du khách thế giới yêu thích khi du lịch Pakistan. Nơi này cũng được cho là nguồn cảm hứng sáng tạo nên thung lũng Shangri-La huyền thoại trong cuốn tiểu thuyết lừng danh của nhà văn James Hilton xuất bản vào năm 1933.
Toàn cảnh thung lũng Hunza.
Thung lũng tọa lạc ở phía Bắc Pakistan, thuộc vùng tự trị Gilgit-Baltistan, giáp với hành lang Wakhan của Afghanistan và khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Toàn bộ khu vực rộng lớn của thung lũng Hunza được chia làm ba phần: vùng thượng, vùng trung tâm và vùng hạ.
Không ngôn từ nào có thể miêu tả trọn vẹn nét đẹp cảnh sắc thiên nhiên tại thung lũng Hunza.
Không chỉ thu hút du khách bằng cảnh quan tuyệt mĩ mà thiên nhiên ban tặng, điều kiện khí hậu ôn hòa tại thung lũng Hunza cũng là một điểm cộng lớn giúp nơi này luôn nằm trong danh sách điểm đến được yêu thích nhất ở Pakistan. Vào mùa đông, nền nhiệt có thể xuống thấp hơn âm 10 độ C nhưng vào những mùa khác trong năm, nhiệt độ trung bình ở Hunza là khoảng 14 đến 30 độ C, hoàn toàn lí tưởng cho hoạt động thăm thú ngoài trời.
Thung lũng Hunza có kiểu khí hậu tương đối ôn hòa, nhiệt độ trung bình năm duy trì ở mức 14 đến 30 độ C và chỉ trở rét vào mùa đông.
Để đến được thung lũng Hunza là cả một hành trình vất vả nhưng bạn sẽ sớm được đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực của mình. Khi vừa đi qua thị trấn Besham – nơi vốn là trung tâm thương mại và giáo dục của khu vực này, kết nối với tuyến xa lộ Karakoram đưa du khách đến với vùng cực Bắc Pakistan – bạn sẽ lập tức nhìn thấy bóng dáng của những ngọn núi tuyết hùng vĩ từ đằng xa, trải dài đến tận đèo Khunjerab. Đó cũng là dấu hiệu cho biết bạn đã ở rất gần với thung lũng Hunza.
Những ngọn núi tuyết cao sừng sững bao bọc lấy toàn bộ thung lũng Hunza.
Toàn vùng thung lũng là nơi tọa lạc của năm đỉnh núi tuyết cao trên 8.000 m, gồm đỉnh núi K2 – cao 8.611 m, chỉ xếp sau đỉnh Everest nổi tiếng; đỉnh Nanga Parbat – cao 8.126 m, xếp thứ 9 thế giới về chiều cao; đỉnh Gasherbrum I – cao 8.080 m, xếp thứ 11; đỉnh Broad Peak – cao 8.051 m, xếp thứ 12; đỉnh Gasherbrum II – cao 8.034 m, xếp thứ 13.
Thung lũng Hunza là "ngôi nhà" của 5 đỉnh núi tuyết cao trên 8.000 m.
Quanh năm suốt tháng, tất cả ngọn núi tại thung lũng đều bị tuyết bao phủ. Khi tuyết tan sẽ tạo nên một nguồn cung cấp nước ngọt đủ lớn cho dòng sông Hunza chảy xiết bên dưới. Có lẽ cũng vì thế mà nước ở sông Hunza luôn trong vắt và có màu ngọc bích đẹp mắt.
Tuyết trên các đỉnh núi khi tan sẽ tạo thành nguồn cung cấp nước ngọt cho các dòng sông chảy quanh thung lũng Hunza.
Đi sâu vào thung lũng Hunza, bạn sẽ cảm thấy có phần nào đó tách biệt với cuộc sống của thế giới bên ngoài. Thiên nhiên hùng vĩ và trong lành, người dân thân thiện và hiếu khách. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy người dân nơi này luôn sẵn sàng nở nụ cười thật tươi trên môi khi bắt gặp những du khách xa lạ. Với lối sống tự cung tự cấp, phần lớn nguồn lương thực ở đây, chủ yếu là ngũ cốc, bánh mì, sữa, trứng… đều do chính họ tự tay sản xuất.
Cuộc sống tại thung lũng Hunza có phần tách biệt với thế giới bên ngoài.
Con người nơi đây thân thiện và hiếu khách.
Nụ cười thật tươi trên gương mặt một cậu bé trong làng.
Sống ôn hòa cùng thiên nhiên, mọi nhu yếu phẩm, lương thực trong vùng phần lớn đều do người dân thung lũng Hunza tự tay làm lấy.
Trên hành trình khám phá thung lũng Hunza, tôi đã được dịp mục sở thị ngọn núi Nanga Parbat. Là một phần của dãy Himalaya, Nanga Parbat được con người chinh phục lần đầu tiên vào năm 1953. Chuyến thám hiểm được thực hiện bởi những nhà leo núi chuyên nghiệp đến từ Áo và Đức, trong đó có Hermann Buhl – vận động viên leo núi người Áo nổi tiếng lúc bấy giờ. Tuy nhiên, địa hình hiểm trở với vách núi dựng đứng đặc trưng của Nanga Parbat đã khiến cho ít nhất 30 nhà leo núi thiệt mạng. Từ đó, người dân gọi Nanga Parbat là "đỉnh núi sát thủ."
Vẻ đẹp của đỉnh Nanga Parbat nhìn từ điểm quan sát.
Đến hôm nay, Nanga Parbat vẫn là cơn ác mộng đối với nhiều nhà leo núi. Ngọn núi thực sự không phải là nơi dành cho những người yếu tim, nó đòi hỏi một tinh thần thép, kĩ năng và kinh nghiệm cao để có thể chinh phục. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết thuận lợi cũng rất quan trọng.
"Đỉnh núi sát thủ" Nanga Parbat luôn là thử thách lớn đối với các nhà leo núi chuyên nghiệp.
Rời Nanga Parbat, tôi đi chiêm ngắm vẻ đẹp của sông băng Hopar, rồi tiếp tục tham gia trekking ngắm sông băng Passu. Có thể nói, các dòng sông băng là "đặc sản" của thung lũng những ngày này. Với các du khách ưa thích chơi trò mạo hiểm thì không nên bỏ lỡ việc trải nghiệm đi bộ qua sông băng đầy lí thú và không kém phần hồi hộp. Hoặc nếu là một du khách thích sự an toàn, bạn có thể dựng lều cắm trại bên bờ sông băng giá để thỏa thích tận hưởng bầu không khí thanh tịnh nhưng cuốn hút của chốn này.
Sông băng Hopar rộng lớn.
Sông băng Passu "vĩnh cửu".
Bên cạnh đó, chuyến khám phá còn đưa tôi đi tham quan vẻ đẹp của dãy núi Rakaposhi, đỉnh Diran, đỉnh Malubiting và đỉnh Spantik.
Dãy Rakaposhi hùng vĩ nhìn từ Hard Rock Resort.
Đỉnh Malubiting trong mù mây.
Đứng trước sự hùng vĩ đan xen nét nhẹ nhàng, thơ mộng như chốn bồng lai của các ngọn núi tuyết, tôi thấy mình thật nhỏ bé biết bao.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ dự định du lịch 1 tháng, Thanh Tâm đã quyết định phá vỡ kế hoạch và dành trọn 80 ngày lang thang tại Pakistan. Chuyến du lịch để lại những ấn tượng đẹp ngoài mong đợi...