Khám phá một thuở vàng son thành cổ Đồng Hới
Là địa danh nổi tiếng gắn liền với mảnh đất Quảng Bình, sở hữu kiến trúc độc đáo cùng vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố, thành cổ trở thành điểm du lịch có giá trị lớn về mặt văn hóa - lịch sử, thu hút khách tham quan.
Thành cổ oai hùng
Nhiều du khách và người tham gia giao thông trên Quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đã từng xuyên qua thành cổ, nhưng có lẽ ít người biết được lịch sử linh thiêng của công trình đồ sộ với hàng trăm năm tồn tại này.
Toàn cảnh thành cổ Đồng Hới
Theo dòng lịch sử, các ghi chép để lại cho thấy, thành cổ được khởi công xây dựng vào năm 1812, trên mảnh đất năm xưa chúa Nguyễn Phúc Nguyên dựng lũy Trấn Ninh (hay được biết đến là lũy Đào Duy Từ - 1631) và đồn Động Hải (1774) trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn.
Nhìn từ trên cao, thành cổ có kiến trúc đối xứng, với bốn góc pháo đài nhô ra “răng khế” như hình bông hoa bằng tường bằng gạch bao quanh. Bốn cánh nhỏ và bốn cánh to xếp cân đối, theo hướng Tây Nam - Đông Bắc và Tây Bắc - Đông Nam.
Chu vi thành rộng 465 trượng (khoảng 1.860m), cao 1 trượng (khoảng 4m), mặt thành rộng 1,35m, móng dày 2m, mặt chính của thành quay về hướng Tây. Xung quanh có hào rộng 16m để bảo vệ cho thành.
Thành chỉ mở ba cửa Bắc môn, Đông môn và Nam môn mà không có Tây môn. Theo sử sách, thành Đồng Hới là bức trường thành chống giặc, một công trình giữ gìn đất nước nên chỉ ba cửa là đủ.
Suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, nơi đây là trận địa đánh dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, trong đó phải kể đến thắng lợi kết thúc hơn 200 năm nội chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh. Đặc biệt, thành cổ còn là chiến tuyến đồng hành cùng những chiến công của quân dân Quảng Bình trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ của dân tộc.
Năm 1885, khi thực dân Pháp đánh phá miền Trung, thành Đồng Hới trở thành nơi phòng ngự, phản công của quan quân nhà Nguyễn. Ngày 19/7/1885, thực dân Pháp tấn công thành Đồng Hới lần thứ hai và thành công chiếm giữ thành. Sau đó, quân và dân Quảng Bình tham gia nghĩa quân do Nguyễn Phạm Tuân chỉ huy trong phong trào Cần Vương, đột nhập vào thành Đồng Hới vào các tháng 1, 6, 8 năm 1886, tấn công binh lính Pháp.
Trong thời chống Pháp, thành Đồng Hới là nơi tụ nghĩa, tụ quân của người dân Quảng Bình kiên cường, xả thân vì Tổ quốc. Phần lớn thành Đồng Hới đã bị phá hỏng trong thời kì Pháp thuộc.
Tình trạng của thành tiếp tục xấu hơn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Kẻ thù đã trút xuống mảnh đất hàng vạn tấn bom đạn, phá hủy một phần thành cổ nhằm ngăn chặn sự chi viện từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam.
Trải qua những thăng trầm, biến thiên của lịch sử, thành Đồng Hới đã dõi theo và kiên cường đồng hành cùng nhân dân Quảng Bình trong các cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước cho đến hiện tại. Một phần kí ức của mảnh đất này cũng đã ghi tạc ở nơi đây, trở thành “trái tim” của mảnh đất bên bờ biển.
Níu chân du khách
Ngày nay, thành cổ Đồng Hới tọa lạc ngay khu trung tâm thành phố, được gìn giữ và bảo tồn bên những công trình hiện đại với kiến trúc hài hòa.
Ngày 21/1/1992, thành cổ được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Đến tháng 8/2005, tỉnh Quảng Bình đã tiến hành công tác trùng tu thành với tổng chi phí ước tính khoảng 31 tỉ đồng.
Tường thành được phục dựng kiên cố bằng gạch đỏ. Con đường bao quanh hào và thành được trải gạch, với hệ thống cây xanh và đèn chiếu sáng làm nổi bật kiến trúc. Dòng kênh trong xanh hài hòa với cảnh quan, điều hòa khí hậu cho khu vực.
Mới đây, ngày 13/6/2020, Quảng Bình khánh thành tượng đài Hồ Chí Minh và nhân dân Quảng Bình. Tượng đài được thiết kế dựa lưng vào thành, tạo cảm giác thành hướng về phía Đông, tựa lưng vào núi và mở tầm nhìn ra biển khơi. Cây cỏ nối dài xung quanh như tô điểm thêm sắc màu của hòa bình.
Đặc biệt, với không gian trang nghiêm, đậm tính nhân văn nhưng vẫn gần gũi như cốt cách của Người, quảng trường Hồ Chí Minh và nhân dân Quảng Bình nằm trong thành cổ Đồng Hới là không gian sinh hoạt, vui chơi của nhiều gia đình, cũng là điểm tham quan của khách du lịch bốn phương.
Mỗi tối, quảng trường đều sáng đèn, nhận gió biển Đông cùng sự trong lành, khoáng đạt của khu vườn xung quanh. Dưới ánh nhìn hiền hòa từ bức tượng đồng đẽo tạc Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tầng lớp nhân dân là đông đảo người dân sinh hoạt. Người già tập thể dục, tản bộ, dạo phố; trẻ em nô đùa, vui chơi, thả diều; các câu lạc bộ đội nhóm sinh hoạt lành mạnh đã tạo không khí giản dị mà phấn khởi trong lòng của thành cổ Đồng Hới. Bên cạnh đó, đây cũng là địa điểm tổ chức các sự kiện lớn, đánh dấu những cột mốc đáng nhớ của tỉnh Quảng Bình.
Dịp nghỉ lễ 2/9, nếu du khách muốn có cho mình chuyến đi trở về với thiên nhiên, với cảnh sông nước, núi non, hang động..., Quảng Bình là địa điểm lý tưởng dành cho bạn.
Nguồn: [Link nguồn]