Khám phá một Huế khác ngoài ‘màu cổ kính rêu phong’
Ngoài màu sắc cổ kính, rêu phong, du khách đến Huế còn có thể khám phá nhiều địa điểm thú vị, góp phần cho chuyến du lịch trở nên ý nghĩa hơn.
Cố đô Huế hiện lên trong suy nghĩ của du khách về một vùng đất lịch sử, mang trong mình màu sắc cổ kính, rêu phong, nhuốm màu thời gian với hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm...
Sau khi đã khám phá xong những “vẻ đẹp chẳng nơi nào có được”, du khách muốn tìm cho mình màu sắc khác lạ, mới mẻ ở xứ Huế. Mảnh đất này còn nhiều điểm du lịch hấp dẫn đang chờ du khách đặt chân đến trải nghiệm, khám phá, để bức tranh về Huế thêm phong phú, đa sắc màu.
Đó là những cảnh đẹp thiên nhiên như Rú Chá, phá Tam Giang..., những công trình vừa hoàn thành hút khách đến check-in như cầu đi bộ gỗ Lim, cầu bán Nguyệt... hay lắng mình trong không gian tĩnh lặng để chiêm nghiệm về cuộc sống khi ở chùa Từ Hiếu, làng cổ Phước Tích...
Chùa Từ Hiếu
Nằm cách không xa trung tâm thành phố, chùa Từ Hiếu nằm ở thôn Dương Xuân Thượng III (thuộc phường Thuỷ Xuân). Ngôi chùa này không chỉ nổi tiếng với câu chuyện hiếu thảo của Hoà thượng Nhất Định, mà còn được biết đến là nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia học đạo thuở thiếu thời.
Yên tĩnh chùa Từ Hiếu. Ảnh: Hải Vân
Năm 1842, Tổ đình Từ Hiếu vốn là thảo am nhỏ do Tổ sư Nhất Định Huý Tánh Thiên sáng lập. Sau đó, vua Tự Đức đã biết được câu chuyện đầy nước mắt của Hoà thượng Nhất Định nên cảm phục trước tấm lòng hiếu thảo của ông và cho xây ngôi cổ tự này.
Khi đến chùa Từ Hiếu, du khách như tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, tĩnh tâm cùng cảnh vật nên thơ. Bạn sẽ có những phút giây thư giãn bên hồ cá, nghỉ chân dưới bụi tre mát mẻ. Du khách có dịp tìm hiểu về lịch sử của ngôi chùa, suy ngẫm về câu chuyện hiếu thảo của người con dành cho mẹ và thắp nén tâm nhang đến vị thiền sư nổi tiếng thế giới.
Làng cổ Phước Tích
Nổi danh từ lâu với nghề làm gốm hơn 500 năm, hệ thống nhà rường hàng trăm năm tuổi và không gian yên bình, làng cổ Phước Tích đã và đang thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Tham quan làng cổ. Ảnh: Hải Vân
Dù cách xa trung tâm thành phố Huế tầm 45 cây số, nhiều du khách vẫn bỏ thời gian để tìm về ngôi làng bình yên này nghỉ ngơi, tìm hiểu về đời sống người dân nơi đây. Làng cổ Phước Tích nổi tiếng là làng trường thọ, làng nhà giáo, làng bánh…
Đến đây, du khách được sống trong không gian yên bình với con sông Ô Lâu hiền hòa bao quanh, với chuyến đò qua lại, với những ngôi nhà rường cổ kính, với cây cỏ xanh mát...
Ngoài tìm hiểu về lịch sử của làng, du khách còn được trải nghiệm, làm ra những sản phẩm gốm độc đáo, tham quan bộ sưu tập đồ gồm Phước Tích trong nhà ông Lê Trọng Diễn với nhiều hình dáng, kiểu loại hay mua sản phẩm gốm làm quà lưu niệm.
Nhiều du khách đến đây cảm thấy thích thú, bởi ngôi làng mang lại cho họ tinh thần thoải mái, học hỏi được nhiều kiến thức hay. Họ như muốn thời gian chầm chậm trôi để có thể cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống…
Phá Tam Giang
Hệ đầm phá Tam Giang - cầu Hai đi qua nhiều huyện, thị ở tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có điểm thu hút đông đảo du khách đến tham quan là đầm Quảng Lợi ở huyện Quảng Điền.
Đầm Quảng Lợi (thuộc xã Quảng Lợi) thời gian gần đây được nhiều du khách tìm về để trải nghiệm, vui chơi sau quãng thời gian học tập, làm việc.
Một thoáng phá Tam Giang. Ảnh: Hải Vân
Về phá Tam Giang, du khách được trải nghiệm chèo SUP, check-in tại chồ, ngắm hoàng hôn trên phá Tam Giang, “sống ảo” với những bức hình tuyệt đẹp tại làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh, chợ nổi làng Ngư Mỹ Thạnh. Chưa hết, du khách được hóa thân thành những ngư dân đích thực qua trải nghiệm như đổ nò, đạp trìa. Về với phá Tam Giang, du khách được tự tay chế biến và thưởng thức các thủy sản bắt được như trìa nướng mỡ hành, tôm đất nướng muối mọi...
Cảnh vật nên thơ. Ảnh: Hải Vân
Còn gì thi vị hơn khi được thưởng thức buổi tối ấm áp bên bạn bè, người thân với các món ăn đặc sản vùng đầm phá ngay tại thuyền trong không khí thoáng mát.
Rú Chá
Thời điểm này, Rú Chá đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách, nhất là những ai yêu thích chụp ảnh. Đây là khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang.
Nằm ở thôn Thuận Hòa (xã Hương Phong, TP Huế), Rú Chá được nhiều du khách lựa chọn tham quan. Đến đây, du khách được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, được chiêm ngưỡng hệ sinh thái rừng ngập mặn như ở miền Tây Nam bộ.
Cảnh đẹp Rú Chá. Ảnh: Lê Hoàng
Để nhìn toàn cảnh tuyệt đẹp của Rú Chá, du khách có thể di chuyển lên vọng lâu. Ở nơi cao nhất này, Rú Chá hiện lên trong mắt du khách một cảnh đẹp thiên nhiên đặc sắc. Mỗi mùa, Rú Chá mang đến một vẻ đẹp riêng, khiến du khách như muốn đặt chân đến nhiều lần.
Đi dưới hàng cây Chá, du khách chứng kiến khung cảnh màu sắc rực rỡ, đậm chất thơ. Trong không gian ấy, du khách tham quan, chụp ảnh, lưu lại khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên.
Biển Hải Dương
Sau khi đặt chân đến Rú Chá, du khách đi tiếp một quãng đường để có thể đến với biển Hải Dương. Thuộc xã Hải Dương (TP Huế), biển Hải Dương mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, yên bình.
Bãi biển mênh mông sóng nước với làn nước trong xanh màu ngọc bích. Điểm nhất của biển Hải Dương chính là sự xuất hiện của nhiều bãi đá có hình thù giống tổ ong. Chính được dùng để chắn sóng. Trên các bãi đá này có nhiều lớp rêu xanh rất bắt mắt. Chính những lớp rêu xanh này đã tiếp thêm động lực để du khách tìm về chụp ảnh, check-in và vui chơi.
Hòn Vượn
Leo núi hòn Vượn sau khi tham quan, khám phá các di tích lịch sử ở Huế như món gia vị hoàn hảo cho chuyến đi chơi thú vị. Hòn Vượn thuộc địa phận Đồng Chầm (phường Hương Hồ, TP Huế).
Những khoảnh khắc đẹp. Ảnh: Hà Sơn Tuyền
Trên hành trình chinh phục hòn Vượn, nếu đi theo nhóm cùng bạn bè, người thân sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ. Mọi người cùng leo núi, trò chuyện, giúp đỡ lẫn nhau đi qua đoạn đường dốc... Du khách có thể cắm trại, ăn những bữa tối ấm cúng bên bạn bè, người thân, săn mây và đón ánh bình minh. Từ trên cao, du khách phóng tầm mắt ra xa để ngắm toàn cảnh núi non tuyệt đẹp như tranh vẽ.
Cầu đi bộ gỗ lim
Những năm trở lại đây, Huế có nhiều thay đổi về diện mạo, nhất là đôi bờ sông Hương đoạn qua trung tâm thành phố. Ở dọc hai bên bờ sông này, nhiều không gian được thiết lập, tạo thêm nhiều điểm vui chơi, tham quan cho người dân cũng như du khách. Điểm thu hút nhiều người dân nhất chính là cây cầu đi bộ làm bằng gỗ lim.
Cây cầu đi bộ này dài khoảng 450 mét, rộng khoảng 4 mét với kết cấu bằng bê tông, cốt thép, sàn lát gỗ lim, lan can bằng đồng.
Từ khi cây cầu được đưa vào sử dụng, nơi đây trở thành không gian lý tưởng để người dân, du khách dừng chân, nghỉ ngơi, ngắm vẻ đẹp sông Hương, chiêm ngưỡng cây cầu Trường Tiền lịch sử, đi dạo và chụp những tấm ảnh chất lượng.
Cồn Dã Viên
Cồn Dã Viên - “bạch hổ” của Kinh thành Huế gần đây được nhiều du khách tìm đến vui chơi, chụp ảnh. Cồn Dã Viên được chỉnh trang trở thành điểm tới lui của nhiều người dân, du khách.
Giữa không gian xanh - sạch - đẹp, cây cầu đi bộ thu hút nhiều người đến chụp ảnh. Cây cầu đi bộ này nằm ở cồn Dã Viên, cạnh cây cầu đường bộ Dã Viên.
Check-in ở cây cầu mới nổi. Ảnh: Hải Vân
Cầu kết nối từ một vọng lâu giữa cầu Dã Viên xuống cồn Dã Viên. Chiếc cầu có mặt cầu và lan can được làm bằng gỗ. Khung trụ cầu và lưới lan can bằng sắt.
Ngoài cây cầu đi bộ gỗ lim ven sông Hương nổi tiếng bấy lâu nay, giờ đây, ở Huế đã có thêm một cây cầu đi bộ được người dân Huế rần rần đến chụp ảnh.
Cầu bán nguyệt
Cầu bán nguyệt một chiều mát mẻ. Ảnh: Hải Vân
Ở khu vực Bến Me, một cây cầu được hình thành đã thu hút nhiều người dân Huế và du khách đến vui chơi, chụp ảnh, nhất là dịp sáng sớm và chiều tà. Trong tiết trời mát mẻ, đông đảo người dân, du khách đến chụp ảnh, nghỉ ngơi, tắm mát và chèo SUP, tạo nên không khí sôi động một góc phố.
Phố đêm Hoàng thành Huế
Năm nay khi đến Huế, du khách có thêm trải nghiệm hấp dẫn khi bước vào không gian văn hóa ở phố đêm Hoàng thành Huế.
Phố đêm Hoàng thành Huế. Ảnh: Hải Vân
Khu phố đi bộ với hàng chục quầy hàng và các khu vực diễn ra các hoạt động văn hóa, trải nghiệm. Các quầy hàng trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống Huế như đèn lồng, hoa giấy Thanh Tiên, nghệ thuật trúc chỉ... Các quầy hàng ẩm thực như chè Huế, trà và bánh truyền thống...
Đến với không gian đặc trưng văn hóa, điểm nhấn là nghệ thuật cung đình Huế, du khách và người dân được tìm hiểu văn hóa Huế thông qua hoạt động mô phỏng lễ hội triều Nguyễn, nghệ thuật dân gian, lễ hội đường phố.
Mảnh đất Cố đô chưa bao giờ làm du khách thất vọng bởi cảnh sắc nên thơ, trữ tình, những công trình kiến trúc cổ xưa.
Nguồn: [Link nguồn]