Khám phá khu rừng quý còn nguyên vẹn ở Bà Rịa- Vũng Tàu
Khu rừng trồng tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, trải qua hàng chục năm còn khá nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý, đặc biệt là những hàng cây sao thẳng tắp.
Rừng phòng hộ Xuân Sơn nằm trên địa bàn huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là khu rừng trồng từ năm 1980 theo chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc và trồng rừng tái sinh.
Sau hơn 40 năm được trồng, đây được đánh giá là khu rừng còn khá nguyên vẹn nhất của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và được bảo vệ nghiêm ngặt.
Khu rừng nằm trên tuyến đường Xuân Sơn - Đá Bạc, với tổng diện tích khoảng 360ha, được tạo nên bởi nhiều loại cây gỗ quý như muồng đen, gõ đỏ, dầu… nhưng chủ yếu vẫn là cây sao với kích thước và độ tuổi khác nhau.
Ngoài chức năng rừng phòng hộ, tạo cảnh quan cho môi trường thì khu rừng này được ví như "lá phổi xanh" cho khu vực xung quanh.
Vào những ngày nắng nóng, khi đi vào tuyến đường Xuân Sơn – Đá Bạc đến giữa khu rừng được bao phủ bởi những hàng cây thẳng tắp, sẽ cảm nhận được luồng khí mát lạnh, cảm giác dễ chịu, sảng khoái.
Len lỏi giữa những tán rừng là tiếng chim chóc chuyền cảnh, hót vang. Các cây xanh ở đây được đánh dấu theo thứ tự để quản lý và bảo vệ.
Dọc tuyến đường, dễ dàng bắt gặp các loại cây gỗ quý, thân lớn, thẳng tắp, tán rộng.
Rừng Xuân Sơn thuộc dạng rừng vùng đồi thấp, có đường giao thông thuận tiện ra vào rừng, giáp với đất nông nghiệp và dân cư sinh sống bao quanh nên công tác bảo vệ rừng luôn được coi trọng.
Theo Hạt kiểm lâm Châu Đức-Bà Rịa, ngay từ đầu mùa khô, kiểm lâm đã họp các tổ gác lửa rừng, phân công và giao địa bàn cho từng người để thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Những người gác lửa cũng tuyên truyền và đề nghị người dân sống ven rừng ký cam kết thực hiện các biên pháp phóng cháy, chữa cháy rừng. Phối hợp với lực lượng kiểm lâm, ban quản lý, đơn vị nhân khoán rừng… liên tục đi tuần tra để giữ rừng. Nhờ vậy, trải qua hàng chục năm, khu rừng vẫn giữ được gần như nguyên vẹn.
Mùa thay lá, cả cánh rừng nguyên sinh săng lẻ ở xã Tam Đình, huyện Tương Dương, Nghệ An vàng úa rồi rụng lá trơ trọi cành, tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, bình dị.
Nguồn: [Link nguồn]