Khám phá Ấn Độ qua 10 điểm tham quan kỳ thú nhất
Thật là một thiếu sót lớn nếu đã đến Ấn Độ mà chưa ghé qua những địa điểm này.
Ấn Độ được xem là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại bởi có lịch sử lâu dài và văn hoá độc đáo. Đất nước này có những điều thú vị không giống với bất kỳ quốc gia nào khác, biểu hiện qua tôn giáo, ngôn ngữ, tín ngưỡng và truyền thống, … Các địa danh lịch sử ở Ấn Độ cũng phản ánh nhiều phong cách kiến trúc và văn hoá cổ đại, giúp cho du khách hiểu thêm phần nào về đất nước này. Sau đây là 10 điểm tham quan kỳ thú tại Ấn Độ mà du khách không nên bỏ lỡ.
Hawa Mahal
Hawa Mahal hay còn được gọi là Cung điện của gió, là một trong những điểm thu hút khách du lịch nhất của thành phố Jaipur, thuộc bang Rajasthan, Ấn Độ. Cung điện xinh đẹp này được xây dựng vào năm 1799 bởi hoàng đế Mahara Sawai Pratap Singh của Vương triều Kachiwari Rajput. Toàn bộ cung điện được xây dựng bằng đá sa thạch hồng và đỏ, theo mô hình tổ ong, nổi bật với những bức tường hồng cao, được trang trí, chạm trổ tinh tế đến từng chi tiết.
Hình dáng của cung điện được thiết kế mô phỏng theo chiếc vương miện của thần Krishna, một vị thần trong Hindu giáo. Nhìn từ bên ngoài, cung điện như một chiếc kim tự tháp với 953 chiếc cửa sổ tuyệt đẹp, làm cho nơi này trở nên vô cùng độc đáo. Mục đích chính mà những chiếc cửa sổ này xây dựng là để cho những người phụ nữ trong hoàng gia có thể nhìn ngắm ra quang cảnh của thành phố. Họ là những người không được tự ý đi ra ngoài xuất hiện trước công chúng. Bởi vậy, những ô cửa sổ này giúp họ có thể quan sát những điều xảy ra bên ngoài cung điện.
Với hệ thống các ô cửa sổ nhỏ, Hawa Mahal có thể liên tục đón những luồng gió mát thổi vào từ bên ngoài khiến nơi đây luôn mát mẻ. Bởi vậy nên nó mới có cái tên Cung điện của gió. Hawa Mahal đặc biệt nổi bật vào buổi sáng sớm, khi những ánh bình minh đầu tiên chiếu vào cung điện, khiến nơi đây như được thắp sáng bằng ánh sáng màu hồng rực rỡ.
Nhà tù Cellular Jail
Nhà tù Cellular Jail hay còn được gọi là Kala pani (Vùng biển đen) là một nhà tù thực dân, nằm ở quần đảo Andaman và Nicobar, Ấn Độ. Nhà tù được hoàn thành vào năm 1906, là nơi thực dân Anh sử dụng với mục đích lưu đày tù nhân chính trị, những người đã đứng lên đòi quyền độc lập cho Ấn Độ. Ngày nay, nơi đây được coi là một trong những di tích quốc gia.
Trong mỗi ngóc ngách nhỏ của nhà tù đều lưu giữ những câu chuyện về sự phản kháng, hy sinh và đau khổ mà những nhà cách mạng Ấn Độ phải chịu đựng để đòi lại độc lập cho đất nước. Có tổng cộng 696 phòng gian tại nhà tù Cellular Jail, mỗi phòng dùng để giam giữ 1 tù nhân. Được xây dựng trên hòn đảo xa xôi nên đây được coi là nơi vô cùng thích hợp để trừng phạt những người nổi dậy. Họ không chỉ bị cô lập với đất liền mà hành trình để đến nhà tù cũng vô cùng gian nan. Bên cạnh đó họ cũng phải đối mặt với nguy cơ bị mất đẳng cấp, dẫn đến việc bị xã hội loại trừ.
Cổng chào Ấn Độ (Gateway of India)
Cổng chào Ấn Độ là điểm đến đáng chú ý nhất tại Mumbai. Công trình kiến trúc vĩ đại này bắt đầu được xây dựng vào năm 1911 và hoàn thành vào năm 1924. Thiết kế của Cổng chào Ấn Độ gồm một vòm lớn, với chiều cao 26m, được xây dựng bằng đá bazan vàng và bê tông. Nơi đây được thiết kế theo phong cách kiến trúc Indo-Saracenic. Công trình được xây dựng nhằm kỷ niệm ngày vua George V và nữ hoàng Mary đến thăm Ấn Độ vào năm 1911.
Cổng chào Ấn Độ nằm ở cảng Apollo Bunder, phía Nam thành phố Mumbai. Trước kia, nơi đây chỉ là một cảng nhỏ được những người dân làng chài sử dụng. Tuy nhiên, sau khi Cổng chào Ấn Độ được xây dựng, nơi đây đã được tu sửa khang trang để làm cảng cập bến cho những nhân vật quan trọng từ nước Anh xa xôi đến Ấn Độ. Cổng chào được sử dụng như một lối vào nghi lễ mang tính biểu tượng khi đến Ấn Độ.
Charminar
Charminar là một nhà thờ Hồi giáo, đồng thời cũng là công trình mang tính biểu tượng của thành phố Hyderabad. Nó được xây dựng vào năm 1591 bởi Sultan Muhammad Quli Qutb Shah nhằm tưởng niệm việc dập tắt thành công bệnh dịch hạch. Công trình mang phong cách kiến trúc Ấn – Hồi, sử dụng đá granit, vữa và đá cẩm thạch nghiền thành bột để xây dựng nên.
Charminar có cấu trúc hình vuông, mỗi cạnh dài 20m. Nơi đây có bốn toà tháp cao 56m, mỗi toà có ban công đôi được tạo hình tinh xảo ở 4 góc của toà nhà. Bên trong là một cầu thang xoắn ốc tổng cộng có 149 bậc thang hướng lên đỉnh, là nơi dành riêng cho những người tới để cầu nguyện. Ngoài nhà thờ Hồi giáo, Charminar còn có 45 khu vực cầu nguyện khác. Mái nhà và tháp của Charminar đều có tầm nhìn tuyệt vời hướng ra toàn cảnh thành phố Hyderabad.
Chùa hang Ajanta
Chùa hang Ajanta là di tích Phật giáo nổi tiếng nhất ở Ấn Độ, nằm ở Auragabad của bang Maharashtra. Nơi đây là một trong những di sản lớn nhất về đạo Phật còn lưu giữ được cho đến ngày nay. Quần thể gồm 30 hang động được chạm khắc trực tiếp vào núi đá. Chùa hang Ajanta đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Những bức hoạ và tác phẩm điêu khắc cổ đại là điểm thu hút chính trong những hang động này. Các bức tranh được minh hoạ sinh động, chi tiết và tỉ mỉ kể lại về cuộc đời của Đức Phật. Được xây dựng từ thế kỷ 2 TCN, chỉ bằng những công cụ thô sơ, nhưng người cổ đại đã tạo ra được một quần thể kiến trúc nghệ thuật rộng lớn và vô cùng độc đáo. Có thể nói, quần thể chùa hang Ajanta là di tích quý giá, đại diện cho thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo tại Ấn Độ. Nơi đây từng bị lãng quên hoàn toàn trong một thời gian dài, cho đến khi một nhóm thám hiểm người Anh tình cờ phát hiện ra hệ thống hang động Ajanta vào năm 1819.
Quần thể di tích Sanchi
Sanchi là một quần thể di tích Phật giáo cổ xưa, bao gồm nhiều bảo tháp, trụ cột, chùa và tu viện nằm ở Raisen của bang Madhya Pradesh. Trong đó, nổi tiếng nhất là bảo tháp Sanchi. Nó là công trình kiến trúc bằng đá lâu đời nhất ở Ấn Độ, được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 TCN bởi hoàng đế Ashoka. Bảo tháp Sanchi được kiến tạo theo cấu trúc vòm, với đường kính khoảng 12m, làm bằng gạch nung. Ở trung tâm tháp là nơi lưu giữ xá lợi của Đức Phật. Bốn cổng chính của bảo tháp Sanchi khắc hoạ những cảnh trong cuộc đời của Đức Phật, bên cạnh đó, nhiều tác phẩm chạm khắc và tranh vẽ tôn giáo cũng được tìm thấy trong tháp này.
Quần thể Sanchi đã từng rất phồn thịnh và huy hoàng trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên sau đó, không ai biết Sanchi đã suy tàn như thế nào và không biết chính xác niên đại Sanchi bị lãng quên. Người ta suy đoán, có lẽ vào đầu thế kỷ XIII, khi Phật giáo ở Ấn Độ bắt đầu suy tàn, Sanchi cũng cùng chung số phận bị lãng quên như những di tích Phật giáo khác. Mãi đến năm 1818, quần thể Sanchi mới được một sĩ quan người Anh phát hiện trong tình trạng hoang phế, bị cây cối bao phủ và hư hại nặng nề.
Cung điện Mysore
Cung điện Mysore hay còn gọi là cung điện Amba Vilas nằm tại thành phố Mysore, bang Karnataka, là một trong những cung điện nguy nga và lộng lẫy bậc nhất của Ấn Độ . Nơi đây được nhiều hoàng đế khác nhau cho xây dựng và tu sửa nhiều lần trong suốt chiều dài lịch sử của nó. Đó chính là lý do vì sao cung điện có sự pha trộn của nhiều phong cách kiến trúc khác nhau như Indo-Saracenic, Hindu, Hồi giáo, Rajput và Gothic.
Bên ngoài cung điện được trang trí kiểu cổ điển với mái vòm hình lá và lối đi thiết kế tỉ mỉ theo phong cách Hồi giáo. Có rất nhiều mái vòm bằng đá cẩm thạch hồnng nhô ra ở các góc của cung điện. Xung quanh cung điện còn có một khu vườn xanh mướt trải dài. Phần cao nhất của Mysore là một toà tháp năm tầng, cao khoảng 45m nằm ở trung tâm cung điện. Trên đỉnh tháp là một mái vòm lớn được mạ vàng mang đậm phong cách đặc trưng của Hồi giáo. Cung điện Mysore được xây dựng bằng đá granit xám, mái vòm sử dụng đá cẩm thạch hồng. Bên trong bao gồm hai phòng họp lễ lớn cùng 18 ngôi chùa. Các khu vực trong cung điện được trang trí sang trọng và xa hoa với kính, gương, các cửa gỗ trạm khắc, …
Qutb Minar
Tháp Qutb Minar nằm trong quần thể di tích Qutb tại thủ đô New Delhi. Với chiều cao 72,5m, đây là ngọn tháp đá cao nhất của Ấn Độ. Toà tháp được xây dựng bởi vua Qutbuddin Aybak thuộc vương triều Deldi cho xây dựng vào năm 1199 và hoàn thành vào năm 1230. Toàn bộ công trình được làm hoàn toàn bằng gạch và đá cẩm thạch.
Toà tháp có kiến trúc độc đáo, với nhiều đường gân to lớn chạy dọc từ chân lên tới đỉnh. Đường kính đáy tháp khoảng 14,3m, càng lên cao thì thân tháp càng thu hẹp lại. Tháp được chia làm 5 tầng, mỗi tầng được ngăn cách bởi một ban công trang trí tinh xảo và đẹp mắt. Trong tháp có một cầu thang xoắn ốc gồm 379 bậc thang dẫn lên đỉnh tháp. Toàn bộ phần chân tháp được khắc các đoạn trích trong Kinh Coran. Công trình này được người Ấn Độ đặc biệt coi trọng và xem như là một trong những kỳ quan của đất nước.
Pháo đài đỏ Agra
Pháo đài đỏ Agra ở Delhi là một trong những công trình mang tính biểu tượng của Ấn Độ. Nó được liệt kê vào danh sách di sản thế giới. Nơi đây được xây dựng bởi hoàng đế Shah Jahan vào năm 1648 và được sử dụng làm nơi ở cho các vị hoàng đế trong hơn 200 năm. Sở dĩ được gọi là Pháo đài đỏ bởi nó được xây dựng từ những phiến đá sa thạch đỏ. Pháo đài hình bát giác này pha trộn nhiều phong cách kiến trúc khác nhau như Mughal, Hindu, Hồi giáo, Ba Tư, Timurid, …
Kể từ năm 1947, cứ mỗi khi đến ngày độc lập của Ấn Độ, thủ tướng của đất nước sẽ treo quốc kỳ tại cổng Lahori, cổng chính của Pháo đài đỏ. Đồng thời, thủ tướng cũng sẽ đọc bài phát biểu trên đài truyền hình quốc gia từ nơi đây. Thông lệ này được duy trì cho đến tận ngày nay.
Taj Mahal
Sẽ là một thiếu xót lớn nếu đến Ấn Độ mà không ghé thăm Taj Mahal. Nơi đây là một trong 7 kỳ quan của thế giới, nằm ở thành phố Agra, Uttar Pradesh. Taj Mahal thực chất là một khu lăng mộ được xây dựng bởi hoàng đế Mughal Shah Jahan, để tưởng nhớ người vợ yêu quý của ông là Mumtaz. Công trình biểu tượng cho tình yêu này đã biến Agra trở thành địa điểm được người nước ngoài đến thăm nhiều nhất ở Ấn Độ.
Phải mất tới 20 năm để công trình được xây dựng từ đá cẩm thạch trắng này được hoàn thành. Ước tính có khoảng hơn 20.000 người đã phải làm việc để xây dựng Taj Mahal và hơn 1000 con voi được sử dụng để chở vật liệu xây dựng. Kiến trúc của Taj Mahal là sự kết hợp giữa phong cách Hồi giáo, Ba Tư, Ottoman, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Bốn mặt của Taj Mahal giống hệt nhau một cách hoàn hảo. Bạn cũng có thể quan sát thấy Taj Mahal có những màu sắc khác nhau vào từng thời điểm trong ngày. Sáng sớm, ngôi đền sẽ có màu hồng nhờ phản chiếu ánh sáng ban mai, buổi trưa là lúc Taj Mahal rực rỡ nhất với màu trắng sữa của đá cẩm thạch trắng, và khi màn đêm buông xuống, ngôi đền trở nên dịu dàng với màu vàng phản chiếu từ ánh trăng.
Những địa điểm du lịch này không dành cho người yếu tim.
Nguồn: [Link nguồn]