Khám phá 5 ngôi chùa cổ kính của người Hoa ở Quận 5
Những ngôi chùa cổ kính bậc nhất xứ Sài thành lưu giữ những kiến trúc quần tụ minh chứng cho sự hình thành vùng đô thị Chợ Lớn và phát triển rực rỡ về kinh tế – văn hóa khắp Nam kỳ lục tỉnh thời xa xưa.
Chùa Bà Thiên Hậu
Chùa Bà Thiên Hậu còn có nhiều tên gọi khác như Thiên Hậu Miếu, Chùa Bà Chợ Lớn, là một trong những ngôi chùa miếu có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa ở Sài Gòn. Chùa chứa đựng giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hiện vật cổ lâu đời tại quận 5, nên đây là một trong những điểm "check in" không thể thiếu khi ghé chơi Sài Gòn.
Trước cổng chùa cũng có có vô số đồ ăn vặt, trong đó thú vị nhất là món sữa đậu nành bạc hà khá huyền thoại nữa.
Địa chỉ: 710 Nguyễn Trãi, Quận 5
Chùa Ông Bổn (Miếu Nhị Phủ)
Miếu Nhị Phủ còn có tên là Hội quán Nhị Phủ hay chùa Ông Bổn; là một ngôi miếu do người Hoa xây dựng trên đất Đề Ngạn xưa (nay là vùng Chợ Lớn) vào khoảng đầu thế kỷ 18. Dù qua nhiều lần trùng tu nhưng ngôi miếu vẫn giữ được nét cổ kính qua phong cách kiến trúc và trang trí truyền thống của người Phúc Kiến.
Tất cả mái đều lợp ngói ống, diềm mái là hàng ngói men xanh. Mái có hình thuyền, trên các đầu đao có gắn tượng cá hoá rồng, còn ở các đầu kìm là những tượng rồng, thân dựng thẳng, đuôi xoè lên cao, chầu hai bên mặt trời.
Dọc theo đường bờ nóc và tàu đao là phù điêu rồng, phượng, mai, lan, cúc, trúc... được ghép bằng mảnh gốm nhiều màu sắc.
Địa chỉ, 264 Hải Thượng Lãn Ông, Quận 5
Đình Minh Hương Gia Thạnh
Đình Minh Hương được xây dựng từ năm 1789 và đây là ngôi đình đầu tiên của người Hoa ở đất Chợ Lớn.
Đình bằng tường gạch, xây theo kiểu nhà năm gian. Mái đình lợp ngói ống, trang trí hình lưỡng long tranh châu, cá hóa long, tượng ông Nhật bà Nguyệt, phù điêu trích tuồng tích của Trung Quốc...
Chánh điện dùng cho việc thờ tự với Thần lầu chính thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh. Chánh Đông thờ 2 quan võ: Nguyễn Hữu Cảnh và Trần Thượng Xuyên. Chánh Tây thờ 2 quan văn: Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh.
Nội thất đình bao gồm võ ca, chính điện và hậu điện. Bên phải võ ca có miếu Ngũ Hành. Bộ khung gỗ kết cấu kiểu kẻ chuyền và các cột gỗ kê trên chân đế bằng đá, tạo cho đình thêm nét cổ kính. Trên cột và các đà ngang treo nhiều hoành phi, câu đối, phần lớn được làm từ đầu và giữa thế kỷ 19...
Điều đặc biệt ở đình Minh Hương là hoành phi rất giá trị Thiện Tục Khả Phong (Phong tục tốt lành đáng được khen ngợi) do vua Tự Đức ban tặng vào năm 1863. Ngoài ra, đình lưu giữ 25 bức hoành phi, 29 câu đối, tập trung nhiều nhất ở gian võ ca.
Địa chỉ: 380 Trần Hưng Đạo, Quận 5
Chùa Ông (Nghĩa An Hội Quán)
Chùa Ông, còn gọi là miếu Quan Đế hay Nghĩa An Hội Quán là một kiến trúc tôn giáo văn hóa của của người Tiều.
Như phần lớn các đền miếu của người Hoa, miếu Quan Đế (Nghĩa An Hội Quán) có kiến trúc tổng thể hình chữ khẩu (囗) hay chữ quốc (国) với các dãy nhà khép kính vuông góc.
Mái ngôi miếu có 3 cấp: giữa cao, hai bên thấp hơn. Trên nóc có gắn tượng sành hình lưỡng long tranh châu
Địa chỉ: 676 Nguyễn Trãi, Quận 5
Chùa Bà Hải Nam
Ngoại trừ chùa Bà Thiên Hậu Chợ Lớn, ở Sài Gòn có ít nhất 6 nơi khác cũng thờ bà Thiên Hậu, trong đó có Hội quán Quỳnh Phủ.
Chùa Bà Hải Nam được bà con Hải Nam góp tiền xây dựng cách đây 200 năm từ thời nhà Nguyễn. Khi đó, nơi đây được mô tả là “phúc địa”, “Sơn thanh thủy tú”, trung tâm thuyền xe, hàng hóa, lưu thông tấp nập.
Nếu so với các ngôi chùa, hội quán ở trên, kiến trúc của nơi này không được đẹp bằng, tuy nhiên, vì thời gian xây dựng đã từ rất lâu nên nơi đây mang một giá trị lịch sử nhất định.
Địa chỉ: 276 Trần Hưng Đạo, Quận 5
Cuối thu ở Thủ Thiêm có một địa điểm sống ảo đẹp đến nao lòng, lãng mạn đến độ chỉ muốn có người yêu ngay.
Nguồn: [Link nguồn]