Khám phá 4 ngôi đền linh thiêng trấn giữ 4 phương Hà Nội
"Thăng Long Tứ Trấn" gồm Đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên và đền Quán Thánh. Đây là 4 ngôi đền linh thiêng được dựng lên để thờ 4 vị thần với mục đích trấn yểm, bảo vệ Kinh thành Thăng Long (nay là Thủ đô Hà Nội).
Khám phá Tứ trấn Thăng Long: Nét đẹp tâm linh độc đáo giữa lòng Thủ đô.
Tứ trấn ra đời từ rất sớm, gắn với việc ra đời của kinh đô Thăng Long thời nhà Lý đầu thế kỷ 11, đó là nơi thờ bốn vị thần trấn giữ bốn phương huyết mạch trên mảnh đất Thăng Long để ngày đêm bảo vệ cho kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn được yên bình.
Đền Voi Phục trấn phía Tây nằm giữa những tán cây cổ thụ, sừng sững, uy nghi trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nay thuộc địa phận phường Cầu Giấy, Ba Đình (bên công viên Thủ Lệ.
Đền còn có tên gọi là đền Voi Phục vì phía trước đền có đắp hai con voi quỳ gối, tương truyền khi hoàng tử Linh Lang ra trận thì có con voi quỳ xuống thuần phục đưa hoàng tử lên trên vành voi ra chiến trường chống quân xâm lược nhà Tống.
Được xây dựng năm 1065 trên một khu gò đất cao thuộc vùng đất của trại Thủ Lệ, là nơi thờ Hoàng tử Linh Lang con vua Lý Thái Tông và bà phi thứ chín Dương Thị Quang. Hoàng tử Linh Lang là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược và đã hy sinh trên phòng tuyến sông Cầu năm 1076, sau khi mất được người dân Thủ Lệ lập đền thờ và được nhà vua sắc phong là Linh Lang đại vương thượng đẳng phúc.
Đền Quán Thánh nổi tiếng linh thiêng trấn giữ phía Bắc kinh thành Thăng Long xưa, đền còn có tên chữ là Trấn Quán Vũ, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ - Vị thần có công diệt trừ yêu quái.
Đền được xây dựng vào năm 1010 dưới triều Vua Lý Thái Tổ.
Đền Quán Thánh không chỉ là công trình độc đáo về mặt kiến trúc mà còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của người Hà Nội.
Truyền thuyết xưa kể rằng Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần cai quản phương Bắc, giúp nhân dân trừ tà ma, yêu quái và được các vua tin tưởng, thường đến cầu mưa mỗi khi có hạn hán xảy ra. Tượng thờ thần cao lớn, mặt vuông, râu dài, mắt nhìn thẳng phía trước, mặc áo đạo sĩ, ngồi trên một tảng đá lớn, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng vị rùa. Đó không chỉ là pho tượng thiêng mà còn được đánh giá là công trình kiến trúc độc đáo, nghệ thuật đúc đồng và sự tài hoa của những người nghệ nhân Việt Nam cách đây 3 thế kỷ về trước.
Trong đền còn lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia.
Đền Kim Liên trước thuộc địa phận phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.
Ngôi đền được biết đến là ngôi đền thiêng trong hệ thống “Tứ trấn Thăng Long”, trấn giữ phía Nam kinh thành Thăng Long xưa. Đền thờ thần Cao Sơn đại vương - người đã có công giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn, khôi phục nhà Lê và được nhà vua lập đền thờ để tưởng nhớ.
Trong đền còn có tấm bia đá đen “Cao Sơn Đại vương Thần từ Bi minh” ghi lại công lao của thần Cao Sơn trong việc ngầm giúp vua giành lại ngai vàng từ tay ngoại thích và hệ thống 39 đạo sắc phong cho thần Cao Sơn Đại Vương, đây chính là di vật quan trọng nhất tại đền Kim Liên mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỷ thứ 9, là nơi thờ thần Long Đỗ - vị thần có gốc Hà Nội cổ, ngôi đền trấn giữ phía Đông kinh thành Thăng Long xưa tọa lạc ở địa phận thuộc phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, Thăng Long, nay là số 76 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đền Bạch Mã là một trong “Tứ trấn Hà Nội”, là ngôi đền có lịch sử xây dựng sớm nhất trong Tứ Trấn. Tương truyền khi vua Lý Công Uẩn dời đô ra thành Đại La vào năm Canh Tuất 1010 định xây thành mới nhưng lần nào thành cũng bị lở, vua bèn sai người đến cầu đảo thì thấy có một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, ngựa trắng đi đến đâu để lại vết chân đến đó, sau đó thì quay trở lại vào trong đền.
Thấy vậy, vua liền cho xây thành đắp đê theo đúng dấu chân ấy và thành công, do đó đền mới lấy tên là Đền Bạch Mã (đền ngựa trắng) và tôn thờ thần Long Đỗ làm Thành Hoàng phía Đông của kinh thành Thăng Long. Trải qua bao lần tôn tạo, ngôi đền tuy đã có sự thay đổi nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc vốn có của nó. Hình ảnh ngựa trắng được thờ bên trong đền từ lâu đã trở thành biểu tượng linh thiêng của ngôi đền, được dân chúng bao đời tôn sùng, kính phục.
Không ít sự kiện được ra mắt trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Càng tới gần ngày đặc...
Nguồn: [Link nguồn]