Hồn quê trên chợ nổi Long Xuyên
An Giang - Chợ nổi Long Xuyên họp trên sông Hậu, vẫn giữ tập quán mua bán trên sông cùng nếp sống bình dị, dù không nhộn nhịp như trước.
Khi bình minh bắt đầu ló rạng, hàng dài những ghe chở dừa, khoai, khóm neo đậu trên khúc sông dài khoảng 2 km bắt đầu họp chợ. Giữa tháng 11, trời có sương sớm, không khí mát dịu, tiếng xuồng ghe từ phía xa đánh động không gian yên ả trên sông buổi sớm.
Dừa là mặt hàng mua bán nhiều nhất trên sông.
Dù đường bộ phát triển song nhiều người dân vẫn giữ thói quen mua hàng hóa trên các ghe, xuồng, rao trên sông bởi tính tiện lợi, thân quen.
Trước khi chuyền dừa xuống xuồng cho người mua, chị Lý Thị Bích Quyên (trái) nhâm nhi ly cà phê sáng với khách hàng.
Gắn bó gần 20 năm ở chợ nổi, chị Quyên, nhà ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, cho biết mỗi ghe dừa khoảng 9 thiên (9.000 trái). Chị mất 3-4 ngày mua gom của nhà vườn sau đó chạy ghe lên Long Xuyên bán.
''Nước xuôi chạy một buổi tối là tới. Bán 2-3 hôm thì về, tùy buổi chợ'', chị cho biết. Theo tiểu thương, chợ nổi Long Xuyên không còn xôm tụ như trước, số ghe dừa cũng giảm hơn 70%. Mỗi tháng chị cùng chồng kiếm lời 7-8 triệu, đủ xoay xở cho gia đình 5 người.
Anh Hoàng Phú chuyền từng cặp khóm (dứa) cho tiểu thương. Số nông sản này anh mua ở Kiên Giang, chở lên chợ nổi để điếm (bán) cho các mối sỉ. Như nhiều chủ ghe khác, sau khi bỏ hàng xong, anh thường cho thêm để giữ khách.
''San sẻ đồng lời với nhau, ai cũng vui'', anh Phú cho biết.
Khi chợ nhóm họp, những ghe bán nước giải khát, đồ ăn sáng, thực phẩm cũng rảo quanh các ghe buôn để bán hàng. Nước giải khát và thức ăn giá dao động từ 15.000 - 25.000 đồng.
Bà Thu gắn bó với ghe thức ăn bên chợ nổi đã 20 năm, thu nhập 200.000 -300.000 đồng mỗi ngày.
''Tầm 5h30 là chợ họp đến 8h là chợ bắt đầu vãn rồi. Vợ chồng tôi cũng chỉ bán nửa buổi sáng rồi về'', bà cho biết.
Chợ cũng thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, thưởng thức bữa sáng chòng chành trên sông. Du khách thuê đò chở ra sông với giá 100.000 đồng mỗi người.
Lúc đông khách du lịch, chủ các ghe thường nhóm lại một điểm trò chuyện với nhau.
Ghe bán khoai đậu san sát nhau. Trước mũi ghe là cây bẹo, treo loại nông sản chủ ghe bán, cũng là cách quảng cáo đặc trưng của chợ nổi.
Chợ nổi họp sớm nhiều tiểu thương vẫn còn ngái ngủ khi đến đây.
Ven sông Hậu nơi chợ nổi nhóm họp còn nhiều gia đình bám trụ trên những chiếc ghe, bè nuôi cá. Họ vốn không đất đai, sinh sống quanh năm trên sông, mưu sinh chủ yếu bằng nghề đánh bắt hoặc buôn bán với những tiểu thương khác trên chợ nổi.
Sau buổi chợ sáng, những tiểu thương bắt đầu dọn dẹp, chuẩn bị nấu cơm. Cuộc sống thương hồ nửa buổi với nhiều tiểu thương khá bình dị.
Nguồn: [Link nguồn]
Bà con buôn bán ở đây không chỉ là những người kinh doanh, mà họ còn là những đại diện của sự thân thiện và nhiệt huyết, tạo nên không khí tràn đầy...