Hòn đảo có người ở "cô độc" nhất quả đất
Nằm chơi vơi giữa Đại Tây Dương, cách đất liền của Nam Phi khoảng 2.816km về hướng Đông và Nam Mỹ khoảng 3.360km về phía tây, hòn đảo Tristan Da Cunha của Anh được biết đến là nơi có người ở xa nhất trên thế giới.
Tristan da Cunha thực ra là một quần đảo có diện tích 104km², nhưng chỉ đảo chính mới có người sinh sống. Đảo chính mang hình dạng gần tròn, đường kính trung bình vào khoảng 10km và tổng diện tích khoảng 78km², song chỉ có 5km² trong số đó có địa hình bằng phẳng. Đây chính là nơi sinh sống của gần 300 cư dân trên đảo.
Tristan da Cunha được Đô đốc Tristan da Cunha, người Bồ Đào Nha khám phá năm 1506. Bắt đầu từ năm 1816, con người mới đặt chân lên đảo sinh sống và dân số được tăng thêm bởi một vài người sống sót trong một vụ đắm tàu vào năm 1856, nâng tổng số dân trên đảo lên 71 người. Nhưng sau đó lại giảm do nạn đói hoành hành.
Năm 1961, một phần lớn dân cư trên đảo đã được di cư sang Anh sau một trận phun trào núi lửa. Khi hòn đảo yên bình trở lại, cư dân bắt đầu quay trở về. Hiện tại, đảo có 297 người sinh sống, mang 7 dòng họ và mọi người dân trên đảo đều có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Thị trấn duy nhất của Tristan da Cunha - Edinburgh of the Seven Seas -được xây dựng trên nền đất bằng phẳng cách đỉnh của ngọn núi lửa Queen Mary hơn 2.000m trên đảo chính Tristan. Tên của thị trấn Edinburgh được đặt sau chuyến thăm hòn đảo này của Công tước đệ nhất của vùng Edinburg những năm 1800, nhưng các cư dân ở đây quen gọi là The Settlement.
Dân đảo Tristan đều là nông dân. Họ tự nuôi trồng, câu cá. Đất đai thuộc sở hữu chung, nhưng mỗi gia đình đều có một khoảnh đất để trồng khoai tây. Họ chăn nuôi gia súc và đánh bắt hải sản, đặc biệt là tôm đất và tôm biển là nguồn thu nhập chính cả dân đảo. Hai loại hải sản này thậm chí còn xuất hiện trên lá cờ của đảo Tristan.
Bên cạnh đó, cư dân nơi đây còn làm đồ thủ công, trồng khoai tây để đảm bảo cho cuộc sống hằng ngày. Ngoài ra, họ còn kiếm tiền bằng cách bán những con tem bưu chính hiếm hoi trên đảo cho những nhà sưu tập trên toàn thế giới.
Để đánh dấu mùa hè bắt đầu (giữa tháng 12), toàn bộ dân đảo tụ tập lại tổ chức lễ xén lông cừu. Cả trẻ em và người già đều tham gia trồng trọt, chỉ có những người trong độ tuổi lao động mới được làm công việc trả lương. Số lượng gia súc ở đây cũng được kiểm soát chặt chẽ.
Mỗi gia đình chỉ được nuôi 2 con bò để bảo tồn những vùng đồi cỏ, đồng thời tránh việc tích lũy tài sản cá nhân và cũng là để không xảy ra hiện tượng chênh lệch giàu nghèo giữa các gia đình. Không một người ngoài đảo nào có thể mua bán đất ở đây trừ khi cả làng đồng tình rao bán. Trên đảo chỉ có duy nhất một sĩ quan cảnh sát cùng 3 cảnh sát đặc biệt, hoàn toàn không có đảng phái chính trị. Hội đồng đảo có 8 thành viên, 5 bầu và 8 bổ nhiệm với nhiệm kỳ 3 năm.
Tại đây, cuộc sống văn minh công nghệ, thực tế lo toan, căng thẳng của xã hội hiện đại đều biến mất, nhường chỗ cho cuộc sống thiên nhiên hoang dã và gần gũi. Nơi đây không có phi trường, không có khách sạn, không có nhà hàng. Bãi biển cũng không phải là nơi an toàn để bơi lội. Nói vậy chứ thực ra ở đảo cũng đã có truyền hình vệ tinh từ năm 2001, dù chỉ là 2 kênh BBC1, BBC2, và có mạng internet từ năm 1998, nhưng vì sóng yếu và đắt nên họ quyết định từ bỏ.
Vì hoàn toàn cô lập với phần còn lại của thế giới, vận chuyển duy nhất đến hòn đảo là bằng tàu thuyền, nên chỉ những du khách thực sự táo bạo và ưa mạo hiểm mới dám tới. Do đó mà phong cảnh nơi đây còn nguyên vẻ hoang sơ với những sườn dốc thoải và các thung lũng hẹp kéo dài từ đỉnh núi xuống bờ biển, được hình thành sau những trận phun trào của núi lửa trước đây. Đây là vùng đất hội tụ các loài sinh vật không tìm thấy trên thế giới mà nổi tiếng với loài chim không biết bay nhỏ nhất thế giới.
Nơi đây còn có đỉnh Queen Mary Peak bồng bềnh mây bao phủ quanh năm và tuyết trắng mỗi dịp đông về, những bãi biển cát trắng trải dài ôm ấp bởi làn nước xanh trong còn nguyên sơ càng làm cho phong cảnh như đang ở chốn bồng lai tiên cảnh.
Người ta ví von rằng hòn đảo này giống như được dệt bằng cỏ, nhìn rất độc đáo.