Hóa thạch 3,4 tỉ tuổi: chân dung sống động của sinh vật ngoài hành tinh?
Hóa thạch của những sinh vật sơ khai trên Trái Đất đã được phát hiện ở một hệ thống thủy nhiệt cổ đại - cấu trúc mà nhiều thế giới ngoài hành tinh cũng sở hữu và bấy lâu được nghi ngờ ẩn chứa sự sống.
Nghiên cứu vừa công bố trên Science Advances không chỉ mở ra một "cửa sổ thời gian" để nhìn vào Trái Đất nguyên thủy, mà có thể cung cấp cho các nhà khoa học bức tranh về dạng sự sống đang tồn tại trên các thế giới ngoài hành tinh như Sao Diêm Vương hay các "mặt trăng sự sống" Enceladus, Europa..., cũng như các ngoại hành tinh nằm trong "vùng sự sống" khác.
Phiến đá nơi tìm thấy hóa thạch đặc biệt - Ảnh: Barbarra Cavalazzi
Theo SciTech Daily, đó là một thảm vi sinh vật đáng kinh ngạc, phủ thành một lớp mỏng bên trong tảng đá được thu thập từ Vành đai Barberton Greenstone ở Nam Phi, gần biên giới Eswtini và Mozambique. Nơi đây chứa một số loại đá trầm tích lâu đời nhất, được bảo tồn tốt nhất được tìm thấy trên hành tinh của chúng ta.
3,42 tỉ năm trước, các phiến đá chứa thảm vi sinh vật này từng là đáy biển cổ đại, hay nói chính xác hơn là một phần của một hệ thống thủy nhiệt, nơi những mầm sống đầu tiên của Trái Đất sơ khai ra đời.
Số sinh vật hóa thạch kỳ lạ và nhỏ bé có vỏ bọc bên ngoài giàu carbon và lõi khác biệt về mặt hóa học và cấu trúc, là một hình thức sơ khai của tế bài.
Theo giáo sư Barbarra Cavalazzi từ Đại học Bologna, tác giả chính của nghiên cứu, số vi khuẩn này từng phát triển mạnh mẽ dọc theo các bức vách bên trong các hốc được tạo ra bởi hệ thống thủy nhiệt. Hệ thống thủy nhiệt đại dương được cung cấp nhiệt độ và các chất hóa học cần thiết từ hoạt động núi lửa sâu bên dưới. Chính các yếu tố này đã kích hoạt "phản ứng sinh ra sự sống" từ các vật liệu sơ khai mà các thiên thạch và tiểu hành tinh mang đến, cũng như nuôi dưỡng sự sống đó.
Sao Hỏa cũng có thể đã có sự sống sơ khai theo cách tương tự, cùng lúc với Trái Đất, nhưng những sự phát triển không may của hành tinh đã không giúp sự sống ở đó được tiến hóa phức tạp như thế giới của chúng ta. Trong khi đó, mặt trăng Enceladus của Sao Thổ hay một số mặt trăng khác trong hệ Mặt Trời được cho là đã "tới tuổi" sinh ra sự sống như Trái Đất sơ khai.
Do đó, phát hiện này có thể còn là dữ liệu quan trọng cho các chiến lược tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh sắp tới.
Nhiều người dân địa phương tin rằng cây sồi 200 tuổi đã bị nguyền rủa, bất cứ ai chạm vào nó đều gặp xui xẻo,...
Nguồn: [Link nguồn]