Hoa tam giác mạch phủ hồng các cao nguyên
Ngay sau khi những thửa ruộng bậc thang bước vào thu hoạch thì cũng là lúc màu vàng ấy được thay thế bằng sắc hồng của những cánh đồng hoa tam giác mạch.
Hoa tam giác mạch là loại hoa đặc trưng của các tỉnh vùng núi phía bắc như Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang. Tuy nhiên ở Hà Giang, hoa tam giác mạch được trông nhiều và đẹp nhất. Hoa nở rộ và có màu đẹp nhất vào độ cuối thu khoảng tháng 10 tháng 11 hàng năm.
Tam giác mạch là cây thuộc họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch. Cánh hoa chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác giữ ở giữa là một hạt mạch quý. Thế là cái tên “tam giác mạch” ra đời. Hoa tam giác mạch mỏng manh nhưng lại sở hữu vẻ đẹp miên man hoang dại, là nguồn cảm hứng bất tận của giới nhiếp ảnh.
Hạt tam giác mạch được dùng làm bánh, nấu rượu, ngày nay chủ yếu tam giác mạch được dùng để chăn nuôi gia súc, ngoài ra còn dùng làm vị thuốc trong đông y.
Hoa tam giác mạch có vòng đời khoảng một tháng, mới đầu hoa nở có màu trắng, sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím và cuối cùng là đỏ sậm.
Chẳng ai có thể ngờ được vùng đất cao nguyên cằn cỗi, toàn sỏi trơ trọi và đá tai mèo dựng đứng lại có thể mọc lên loài hoa thảo dịu dàng đến thế. Hoa tam giác mạch có khi bạt ngàn như một cánh đồng, khi mọc chênh vênh thành những nương hoa, khi lại lấp mình trong kẽ đá, đôi lúc thẹn thùng e ấp bên những căn nhà trình tường mộc mạc, đơn sơ.
Cùng với sự thay đổi của tiết trời, vẻ đẹp của hoa tam giác mạch cũng biến đổi không ngừng nghỉ. Trong lớp sương thu thoắt ẩn, thoắt hiện, những cánh hoa tam giác mạch khi tỏ khi mờ, bồng bềnh như cổ tích. Những lúc sương tan, cả cánh đồng hoa bừng lên sắc hồng thơ mộng. Thế là đủ để khiến biết bao người vượt hàng trăm cây số chỉ để đắm mình trong không gian mờ ảo sương giăng, và đã mắt với màu hồng say đắm.