Hồ Pangong - Nơi giao thoa của trời và đất
Khoảnh khắc mặt hồ Pangong xanh mượt hiện dần dưới đỉnh núi Himalaya hùng vĩ phủ đầy tuyết trắng, chúng tôi tưởng như lạc bước vào “thiên đường hạ giới”. Ở độ cao hơn 4.300m - ngoài tiếng gió, tiếng động cơ xe máy, chỉ vang lên những thanh âm trầm trồ không ngớt trước khung cảnh tuyệt sắc của vùng đất thiêng Ladakh.
Trong lần thứ 2 tới Ladakh, lịch trình đầu tiên mà tôi muốn quay trở lại chính là hồ Pangong - hồ nước đã quá nổi tiếng tại Việt Nam với những ai đã từng xem bộ phim: Ba chàng Ngốc. Nằm ở độ cao hơn 4.300m, hồ Pangong là một trong những hồ nước mặn cao nhất thế giới. Đây cũng là một trong những kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ mà du khách không thể bỏ qua khi đến Ladakh.
Tác giả di chuyển bằng xe phân khối lớn tới hồ Pangong
Khi đến Leh, thủ phủ của Ladakh, nhóm chúng tôi đều nhất trí với nhau rằng, để trải nghiệm được trọn vẹn không khí hay sự hùng vĩ, hoang sơ của vùng đất này thì nhất định phải di chuyển bằng xe gắn máy. Nhưng không phải xe máy nào cũng được, bạn phải ngồi đằng sau tay lái của xe Himalayan – chiếc xe phân khối nổi tiếng ở Ladakh mới thật sự trải nghiệm vùng đất đầy mê hoặc và diệu kì này.
Xe Himalayan - chiếc xe phân khối nổi tiếng ở Ladakh
Hồ Pangong chỉ cách Leh - trung tâm của Ladakh khoảng 170km, nhưng để chinh phục được cung đường này không phải dễ dàng. Trước khi tới đây, bạn phải vượt qua đèo Changla cao trên 5.300m - ngọn đèo cao thứ ba thế giới mà phương tiện đường bộ có thể di chuyển qua được. Hầu hết khu vực này lúc nào cũng có tuyết bao phủ nên cảnh đẹp vô cùng ấn tượng và hùng vĩ, nhưng ngược lại, những người không quen với độ cao này sẽ bị sốc độ cao, cảm giác mệt mỏi và đau đầu sẽ là những trở ngại không nhỏ cho cuộc chinh phục này.
Khi vượt qua các chướng ngại vật, cung đường sẽ thoai thoải hiện ra trước mắt bạn trùng trùng điệp điệp những ngọn núi hùng vĩ nhiều màu sắc, những dòng suối mát lạnh chạy quanh co trong thung lũng, những trảng cỏ tràn ngập hoa vàng, hay tận mặt ngắn nhìn những đàn bò yak đang lững thững gặm cỏ hai bên đường. Những cảnh tượng tuyệt đẹp sẽ khiến du khách quên đi hết sự mệt mỏi của hành trình đã đi qua.
Hồ Pangong buổi chiều trải dài tít tắp, xanh ngắt như một viên ngọc bích được bao bọc bởi bốn bề núi non tuyết trắng. Khung cảnh đẹp đến khó tin, siêu thực và đầy mê hoặc. Bất cứ du khách nào đến đây lần đầu cũng sẽ có chung một cảm giác này. Một cảm giác sững sờ trước thiên nhiên tuyệt đẹp.
Tại đây, du khách có thể nghỉ chân tại những căn lều được dựng theo con dốc chạy dọc bên hồ, những căn lều trông đơn sơ nhưng bên trong lại đầy đủ tiện nghi, có chăn màn, nhà tắm, và các vật dụng cơ bản cho du khách. Với những du khách muốn trải nghiệm khác biệt và tiện nghi hơn thì có thể thuê các căn nhà gỗ nhỏ xinh được xây dựng hòa hợp với thiên nhiên, tạo khung cảnh nên thơ cho vùng đất này. Khi hoàng hôn buông xuống, mặt hồ một màu xanh lam bình lặng, trên bầu trời, từng đụn mây lớn bay là là trên các đỉnh núi tuyết điểm xuyết cho khoảnh khắc thần tiên này.
Còn khi đêm về, chỉ cần ngước nhìn lên bầu trời, cả một dải ngân hà huyền ảo hiện ra trước mắt bạn. Ở độ cao trên 4.000m, với không khí trong lành và sạch sẽ, bạn có thể dễ dàng ngắm nhìn dải ngân hà rực rỡ, lung linh như một dải lụa vắt ngang trời.
Khi ánh mặt trời ló rạng, ánh nắng làm mặt hồ tỏa sáng lấp lánh, những tia nắng nhảy nhót lung linh dưới mặt nước khiến khung cảnh trở nên sôi động và tràn đầy sự sống. Xa xa, những chiếc cờ phong mã đang bay phấp phới, một trong những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này với ý nghĩa xua tan các năng lượng tiêu cực, mang đến những năng lượng tích cực và may mắn cho con người.
Du khách thường đến du lịch tại hồ vào mùa hè và mùa thu, khi mặt hồ đã tan băng, và khí hậu tương đối mát mẻ. Vào mùa đông, hồ đóng băng và rất lạnh nên rất ít du khách ghé qua. Nhưng bù lại, khắp nơi là một màu trắng xóa, cũng là một trong những khoảnh khắc tuyệt đẹp của vùng đất này.
Nếu đã có dịp đến Ladakh, bạn hãy chắc chắn rằng mình có những trải nghiệm không quên tại hồ nước Pangong này nhé!
Chùa Zizhu được xây dựng trên một vách đá dựng đứng và đã xuất hiện từ 3000 năm trước.
Nguồn: [Link nguồn]