Hết hồn với cây cầu bắc ngang sông sâu làm từ… cỏ
Hàng trăm năm trước, khi chưa có các phương tiện đi lại hiện đại, cư dân vương quốc Inca cổ đại đã phải tự tìm cách bện cầu từ cỏ để di chuyển giữa các dãy núi Andes. Đến nay vẫn còn một cây cầu cỏ trăm tuổi được người dân sử dụng và bện mới hàng năm.
Dưới thời vương quốc Inca cổ đại, cư dân Peru chưa hề biết tới bánh xe hay sắt thép, vì vậy để di chuyển giữa các đỉnh núi trên dãy Andes, họ đã nghĩ ra cách bện cầu từ loài cỏ Ichu.
Trong thời kì cực thịnh của vương quốc Inca, ước tính có tới 200 chiếc cầu cỏ bện thủ công như thế này nằm rải khắp dãy núi Andes.
Đến nay, sau gần 500 năm kể từ khi đế chế Inca sụp đổ, chỉ còn lại duy nhất một cây cầu cỏ còn trường tồn với thời gian – đó là cây cầu Keshwa Chaca, bắc qua sông Apurimac thuộc tỉnh Canas, Peru.
Cây cầu Keshwa Chaca dài 45 mét, được tạo thành bởi 5 chiếc dây thừng lớn bện từ cỏ Ichu có đường kính 10 cm.
Dù được bện từ cỏ nhưng cầu Keshwa Chaca có thể chịu được trọng lượng của 56 người đứng trên cầu cùng một lúc.
Trước đây, những người dân Ấn Độ đến từ Andahuaylas muốn đi qua cầu cỏ của cư dân Inca sẽ phải trả phí. Vì vậy, thay bằng tiền mặt, họ thường mang cỏ Ichu đến để trả cho cư dân Inca.
Đến thời hiện đại, dù chính quyền đã xây dựng một cây cầu mới gần cầu cỏ Keshwa Chaca nhưng người dân nơi đây vẫn ưa chuộng sử dụng cây cầu cỏ trăm tuổi.
Giờ đây, để bảo tồn cây cầu cỏ duy nhất còn sót lại này, con cháu người Inca cổ đại vẫn tiếp tục bện mới cầu hàng năm. Vào mỗi lần trùng tu như vậy, mỗi gia đình sẽ phải bện 70m thừng cỏ Ichu.