Hành hương vãn cảnh ở ngôi chùa giữ nhiều kỷ lục nhất Việt Nam
Chùa Bái Đính đang dần thành hình với hàng loạt kỷ lục châu Á và Việt Nam. Bạn đã sẵn sàng chưa? Hãy làm ngay một chuyến tham quan kết hợp hành hương dịp này nhé.
Bái Đính là quần thể chùa lớn cách thành phố Ninh Bình 15 km, cách Hà Nội 95 km, nằm về phía Bắc của quần thể di sản thế giới Tràng An.
Đây là ngôi chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, có hành lang La Hán dài nhất châu Á, có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam.
Cô nàng Nguyễn Bá Phương Anh vừa trở về từ chùa Bái Đính, rất choáng ngợp trước sự to lớn của công trình, chia sẻ mặc dù nơi đây rất nguy nga, đồ sộ nhưng vẫn giữ được sắc màu truyền thống của tôn giáo và dân tộc. Chỉ với 1.100.000 đồng cho chuyến tham quan của 2 người, bạn hãy nhanh chân đến đây nhé.
Di chuyển
Từ Hà Nội, du khách có thể chọn Tràng An Limousine để di chuyển. Xe đón tại nhiều nơi trong nội thành Hà Nội và di chuyển thẳng đến cổng chùa Bái Đính.
Bên trong chùa sẽ có xe điện để khách thuận tiện di chuyển tham quan, có các mức vé khứ hồi để lựa chọn là 60.000 đồng, 100.000 đồng, 150.000 đồng, 180.000 đồng/người.
Phương Anh chọn giá vé 150.000 đồng. Với số tiền này, bạn có thể tham quan toàn bộ khuôn viên mà không phải đi bộ quá nhiều, di chuyển tới 5 điểm chính và một số điểm khác thì có thể đi bộ. Giá đã bao gồm vé vào Bảo Tháp.
Ăn uống
Nếu khởi hành sớm từ Hà Nội, bạn có thể ghé ăn phở tại quán Vinh Lan trước cổng chùa. Giá chỉ 40.000 đồng/bát nhưng nước dùng rất ngon, bát phở nhiều thịt, thơm và béo.
Ăn trưa du khách có thể dùng bữa tại nhà hàng cơm chay gần Điện Tam Thế. Phương Anh chọn suất 99.000 đồng/2 người. Ăn xong có thể nghỉ trưa tại khách quán gần đó với giá 120.000 đồng/giờ.
Check-in
Vì khuôn viên chùa rất rộng, do đó có vô số điểm chụp ảnh xinh ngất ngây dành cho những cô nàng điệu đà. Phương Anh sau khi tham quan một vòng, đã lưu ý sẵn một vài tọa độ cho bạn cân nhắc ghé qua. Cô nàng chú ý bạn hãy mặc áo dài, trang phục truyền thống để lên ảnh thật đẹp và hài hòa với cảnh đẹp.
Tam Quan Nội
Tam Quan Nội được xây dựng bằng gỗ tứ thiết, kiến trúc theo kiểu lộng tàn, chồng giường, tiền bẩy, hậu bẩy, xà nách. Điều độc đáo là có 4 cột cái bằng gỗ tứ thiết, mỗi cột cao 13,85m và nặng khoảng 10 tấn.
Tam Quan Nội có ba tầng mái uốn cong ở bốn phía, tổng cộng 12 mái, lợp bằng ngói men ống Bát Tràng màu nâu sẫm. Các góc của mái đều có đầu đao xây cong lên như hình đuôi chim phượng. Trên nóc của mái tầng 3 là hai đầu kìm chầu mặt nguyệt.
Hành lang La Hán
Hai dãy nhà hành lang La Hán của chùa Bái Đình đặt 500 vị La Hán bằng đá. Từ hai góc Đông - Tây ở hai dãy nhà gỗ cổ tại Tam Quan Nội theo chiều dọc thẳng đến hai nhà Tả vu và Hữu vu, mỗi bên xây dựng 117 gian nhà hành lang, có chiều dài 526m, tổng số hai bên có 234 gian.
Điện Tam Thế
Sau khi bước lên cao qua 200 bậc đá, du khách lên đến sân toà Tam Thế chùa Bái Đính. Đứng ở đây, là đứng trên một quả đồi cao hơn 67m, nếu so với mặt đất ở dưới Tam Quan. Nếu so với mặt nước biển thì sân toà Tam Thế có độ cao trên 76m.
Nhà bia đá
Bia đá khổng lồ được làm bằng khối đá xanh nguyên khối, nặng hơn 10 tấn, cao hơn 6m, trên bia khắc 200 con rồng. Những người thợ đá tài ba ở Ninh Vân (Ninh Bình) phải mất hơn 2 năm mới làm xong bia đá đặc biệt này.
Bảo Tháp
Phương Anh cho biết hiện tại công trình này chỉ cho du khách tham quan tầng 1 và tầng 13. Công trình này rất nguy nga, lạ lẫm, đứng trên cao có thể nhìn thấy toàn bộ khung cảnh bên dưới. Khách có thể di chuyển lên xuống bằng thang máy.
Cô nàng cũng chia sẻ thêm, hiện tại Bái Đính đang mở tour du lịch vào buổi tối có thả hoa đăng. Du khách có thể sắp xếp thời gian để ở lại vào buổi tối, tham gia thêm các trải nghiệm thú vị.
Ngoài dịp rằm mỗi tháng, Hội An còn trở nên đẹp tuyệt vời trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 7 khi trời xanh, nắng vàng, còn con người thì dễ thương.
Nguồn: [Link nguồn]