Hang nhà báo - Nơi in dấu di tích cách mạng năm xưa
Địa điểm lý tưởng để được chọn làm cơ sở A2 của báo Nhân Dân là trong những hang trên vùng núi đá vôi, cây xanh bao phủ thuộc xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình.
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, hai thành phố lớn là Hà Nội và Hải Phòng bị bắn phá ác liệt, nhà in của báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng ở phố Tràng Tiền (Hà Nội) có nhiều nguy cơ bị trúng bom của máy bay Mỹ nên các lãnh đạo của báo đã tìm thêm một địa điểm để đặt máy in, phòng khi nếu cơ sở A1 không hoạt động được thì đã có cơ sở A2, không để cho báo chí tuyên truyền cách mạng bị gián đoạn.
Và, địa điểm lý tưởng để được chọn làm cơ sở A2 của báo Nhân Dân là trong những hang trên vùng núi đá vôi, cây xanh bao phủ thuộc xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình. Hiện nay hang nhà báo đang được làm hồ sơ chuẩn bị được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Gặp nhân chứng sống
Nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội gần 50 km, thuộc phía Tây Bắc, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, hang cho đến giờ vẫn giữ được nét hoang sơ của cảnh vật thiên nhiên ưu đãi. Từng lớp cây rừng phủ màu xanh mướt mát cho quang cảnh của vùng núi rừng thêm nét thơ mộng. Mặc dù, nhiệt độ giữa trưa hè có thể lên đến trên 40 độ C, nhưng sau 5 giờ chiều, những cơn gió mát dịu dập tắt cái nóng hầm hập của ngày hè.
Hang nhà báo nhìn từ bên ngoài.
Theo các nhà phong thủy, vì địa hình ở đây vùng núi đá vôi, trên bề mặt có cây xanh nên giữ nhiệt làm khí mát. Và, cũng bởi địa hình có một không hai này mà nơi đây có rất nhiều hang gắn với lịch sử văn hóa - di sản cách mạng. Hang nhà báo, hang tằm, hang trâu, hang rổng... Mỗi hang là một câu chuyện gắn với chiều dài của lịch sử.
Anh Trịnh Phan Dương, cán bộ Phòng Văn hóa xã Lâm Sơn (người trực tiếp làm hồ sơ để hang nhà báo được cấp bằng di tích cấp tỉnh) đưa tôi đến nhà bác Nguyễn Văn Đậu (1 trong 4 người bảo vệ hang thời kì đó) và cho đến giờ cũng là người duy nhất còn sống. Nhà bác Đậu cách hang nhà báo chừng 2 km. Bác Đậu năm nay đã 76 tuổi nhưng cử chỉ vẫn nhanh nhẹn, tinh anh.
Khi máy bay Mỹ leo thang bắn phá Hà Nội và Hải Phòng, cơ sở A2 (nhà in của Báo Nhân dân) được chọn là ba hang nằm liền nhau trong xã. Lúc ấy, chủ trương của ta là lấy hai đồng chí trong cơ quan của báo và hai đồng chí người địa phương để bảo vệ hang, nơi lắp đặt máy móc, cơ sở dự phòng in ấn báo chí. Bốn người được chọn là Võ Văn Cát, Trần Chước (người của báo) và hai người địa phương là Nguyễn Quang Chinh và Nguyễn Văn Đậu. Lúc ấy các ông Đậu và ông Chinh mới 20, 21 tuổi, cả hai thanh niên nhanh và tinh như con sóc.
Trước một cửa Hang nhà báo.
Bác Đậu cho biết, vào dịp kỉ niệm ngày báo chí Việt Nam 21/6/2018, có lãnh đạo và phóng viên Báo Nhân dân tìm về hang nhà báo, và tìm đến bác Đậu và bác Chinh ôn lại những kỉ niệm xưa. Thời gian trôi, nhiều người làm báo năm xưa đã mất, hoặc có người đã già yếu lắm.
Bác Đậu ôm lấy ông Nguyễn Đình Đắc (phóng viên chiến trường của báo Nhân dân) nước mắt lưng tròng: "Thế mà tôi tưởng các anh cứ bỏ tôi mà đi... Sau khi các anh rút đi hết, không nói gì với tôi, mấy năm sau tôi vẫn hằng ngày đến hang để trông máy, vẫn quét quáy và lau chùi sạch sẽ, phong quang, vẫn chờ các anh...". Anh Dương bảo, lúc đó những người làm báo rút đi, máy móc vẫn để lại, bác Đậu hằng ngày vẫn tới hang để trông máy, và dọn dẹp không công, như ý thức và trách nhiệm của một công dân yêu nước.
Họ gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, kí ức xưa cứ hiện về, như mới ngày hôm qua. Cho đến ngày hôm nay tôi gặp thì bốn người tổ bảo vệ hang nhà báo ba người đã mất, chỉ còn lại bác Đậu. Bác Chinh vừa mới mất năm ngoái, sau khi gặp những người làm báo năm xưa được một năm thì bác thanh thản ra đi, âu cũng là niềm an ủi cuối đời của bác.
Năm 1965, máy in Trung Quốc được đưa về ba cái hang nằm liền kề nhau. Khâu sản xuất của một tờ báo in lúc đó rất lớn phải trên 300 người, gồm nhiều tổ: Tổ viết bài, tổ sửa ảnh, tổ sửa bài, tổ mo rát, tổ đúc khuôn, tổ in ấn, tổ điện. Mỗi lần từ Hà Nội về hang (cơ sở A2) có khoảng 50 đến 60 đồng chí. Mọi người chạy thử máy, tổ điện lên để chạy điện, sấy mô tơ, tổ nào làm công việc của tổ nấy. Kiểm tra máy móc ổn thoả từ hai đến ba ngày rồi lại quay về thủ đô Hà Nội.
Bác Nguyễn Văn Đậu kể về những kỉ niệm xưa với Hang nhà báo.
Thời ấy nơi đây là vùng hoang vu rậm rạp, những con đường đi ngoằn nghèo bởi lớp bùn đất chứ không có đường nhựa như bây giờ. Khổ nhất là vào những hôm trời mưa, đường sình lầy, những vết bánh xe ôtô in hằn trên nền đường đất nhão. Thi thoảng có ôtô ra vào nơi gần hang, những chàng thanh niên như Đậu, Chinh, Chước, Cát có nhiệm vụ lấy lá cây xanh che chắn cửa hang và xóa dấu của các vết bánh xe ôtô in hằn trên nền đất, họ còn ngụy trang rất nhiều lá tươi xanh ở cửa hang.
Lúc đó có một cái lán nhỏ ở ngay ngoài cửa hang để làm nơi ăn uống nghỉ ngơi của các nhà báo. Cái lán đó quanh năm được nguỵ trang bởi những lá xanh. Bác Đậu kể, cứ mỗi lần thấy máy bay Mỹ gầm rú trên bầu trời là các cán bộ, công nhân viên của báo lại chạy vào trong hang, đến lúc trời quang yên ả thì mọi người mới ra khỏi hang. Con đường từ cái lán nhỏ vào cửa hang được lát bởi những viên gạch xi măng trắng, cho đến nay đã qua đi 55 năm vẫn còn giữ được gần như nguyên hiện trạng, duy cái lán ấy theo thời gian đã không còn.
Bác Đậu bồi hồi nhớ về quá khứ hào hùng, gian khổ và cũng đầy chất thơ khi đó, những nhà báo như Hoàng Tùng, Nguyễn Thành Lê, Thép Mới, Ngọc Phương, Lê Đăng Ninh... là những cây bút sắc sảo trên mặt trận cách mạng văn hóa - chính trị Việt Nam. Bao nhiêu năm qua, từng người trong số họ đã đi xa nhưng kỉ niệm và dấu ấn vẫn còn mãi với thời gian. Bác Đậu bần thần bảo: "Các lãnh đạo báo ngày ấy đã mất hết rồi. Giờ chỉ còn lại một vài phóng viên trẻ. Ngay cả tổ bảo vệ bốn người khi đó, cho đến năm nay cũng chỉ mình tôi là còn sống, ông Chinh đã mất hồi năm ngoái".
Bác Đậu kể, vào giai đoạn năm 1965 hang có hai cái máy in Trung Quốc, tốc độ sản xuất 1 giờ in được 2,2-2,3 vạn tờ báo. Đến năm 1970 máy in Trung Quốc mới thay cho máy cũ có tốc độ cao hơn: Tốc độ 1 giờ in được 2,5 đến 2,8 vạn tờ báo. Sang năm 1973, tòa soạn nhập máy của Đức in được 8 màu, tốc độ lớn hơn hẳn: 1 giờ in được 2,8 - 3 vạn tờ báo.
Bác Đậu như nhân chứng sống cuối cùng của tổ bảo vệ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đó. Kể từ sau ngày gặp gỡ vào năm 2018 của những người làm báo Nhân dân tìm về địa điểm A2 và gặp những nhân chứng sống, cho đến nay đã có nhiều đoàn khảo sát của Bảo tàng tỉnh Hòa Bình và cán bộ Phòng Văn hóa xã Lâm Sơn thể theo yêu cầu của các bác hưu trí làm báo ngày đó về hang đo đạc, vẽ sơ đồ làm hồ sơ hang nhà báo để đề nghị cấp bằng di tích cấp tỉnh.
Hang nhà báo hôm nay
Trải qua thời gian, mảnh đất đã có nhiều đổi thay, hang nhà báo giờ nằm trong quần thể của một sân golf kí hợp đồng 50 năm trên khu đất rộng bao xung quanh bốn hang: Hang nhà báo, hang tằm, hang khảo cổ, hang rổng. Không còn được tự do ra vào thăm hang như nhiều năm trước đây vì khu vực hang nhà báo nằm trong khu quản lý đất của sân golf. Chúng tôi muốn tới hang đã phải nhờ anh trưởng công an xã liên lạc với ban quản lý sân golf.
Anh Trịnh Phan Dương trình bày về việc làm hồ sơ cho Hang nhà báo được xếp bằng di tích cấp tỉnh.
Có ba cửa hang nhà báo nằm cạnh nhau, anh Trịnh Phan Dương kể trước đây phía trước hang có một ụ lớn được đắp bằng đất để tránh địch bắn tên lửa. Nhờ địa hình trong hang khá phù hợp kê máy và mọi người có thể làm việc hoặc sinh hoạt trong hang để chống bom, nên có những lúc theo lời kể của bác Nguyễn Văn Đậu, một hang có thể làm nơi trú ẩn và sinh hoạt cho 30 người.
Con đường chừng hơn 10m lát xi măng trắng được làm từ cách nay 55 năm từ lán dẫn vào cửa hang vẫn còn nguyên vẹn. Mặc dù trải qua bao nắng mưa giông gió của thời gian, trên vòm hang nhà báo, vẫn còn chữ khắc trên đá: "Chống Mỹ cứu nước, năm 1965-1970”. Đây là cơ sở dự phòng, nếu bị đánh ở cơ sở A1 thì cơ sở A2 vẫn tiếp tục sản xuất báo.
Có ba cửa hang nằm gần bên nhau nhưng bên trong không thông nhau. Mỗi hang có chiều ngang khoảng từ 2 đến 3 mét, chiều sâu 20m - 30m. Trong hang có nhiều phiến đá xếp bằng rất thuận tiện để đồ đạc, máy móc. Hang lại không bị ẩm ướt vì không có dòng nước chảy nên không bị ẩm, phù hợp để máy móc. Anh Dương bảo, Phòng văn hóa của xã đã làm bản đồ chi tiết và tỉ mỉ để báo cáo với Bảo tàng tỉnh Hòa Bình, ngoài ra cũng có những cuộc hội thảo về hang nhà báo. Hồ sơ hang nhà báo cũng đã được gửi lên tỉnh.
Hai cửa hang có khoảng cách 3m.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết: "Hang nhà báo là do lịch sử tạo nên, chứ không phải ai muốn mà được. Khoảng hai năm nay mọi người mới quan tâm đến vấn đề này, cũng có nhiều đoàn về đây thăm lại địa điểm đặt máy in báo năm xưa, tổ chức cuộc hội thảo về hang nhà báo. UBND xã Lâm Sơn nhận được nhiều thư của các cụ hưu trí là phóng viên, công nhân viên của toà soạn báo năm xưa mong muốn hang được xếp bằng di tích lịch sử. Tới đây nhân kỉ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/1925 - 21/6/2020, rất mong hang nhà báo sẽ được công nhận là di tích lịch sử cấp Tỉnh. Và đây sẽ trở thành một địa danh giáo dục cho thế hệ trẻ biết về lịch sử, quá trình phát triển của tờ báo lá cờ đầu của Đảng, và hy vọng đó cũng là thế mạnh cho sự phát triển du lịch sau này của xã Lâm Sơn".
Hồ Na Hang, Tuyên Quang được ví như Vịnh Hạ long giữa đại ngàn đang dần trở thành điểm du lịch trải nghiệm thú vị...
Nguồn: [Link nguồn]