"Gét gô" du lịch quốc tế sau dịch: Cần lưu ý gì nếu không muốn có trải nghiệm mất vui?
Khi phần lớn các quốc gia trên thế giới dần bước vào trạng thái bình thường mới sau đại dịch, không ít bạn đang cùng gia đình lên kế hoạch du lịch nước ngoài sau hai năm dài phải “bó chân”. Cần lưu ý những điều gì trước khi lên đường?
Xin chào, hộ chiếu!
Dịch bệnh khiến ngành du lịch bị trì trệ quá lâu, đặc biệt là du lịch quốc tế. Vậy nên ngay khi mọi thứ đã sẵn sàng bước vào trạng thái sống chung với đại dịch, Việt Nam và các nước bạn bè liên tục gửi “tín hiệu vũ trụ” tới “biệt đội cuồng chân”. Từ cuối tháng 2/2022, đường bay thương mại quốc tế được khai thác trở lại với mức giá tương đối ổn định, dù tần suất chuyến bay chưa nhiều như ngày trước.
Một số đường bay ít phổ biến hơn đã có thông báo khai thác vào tháng 6, 7.
Những chính sách khắt khe cũng dần được nới lỏng. Nhật Bản đón khách đi theo tour từ tháng 6/2022, dù Việt Nam vẫn chưa nằm trong diện này nhưng ngày vi vu đến xứ Phù Tang chắc hẳn không còn xa. 11 quốc gia châu Âu, trong đó có Đan Mạch, Thụy Điển, Anh… đã dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế với du khách. Kể từ tháng 6/2022, Hàn Quốc chính thức cấp lại visa du lịch ngắn hạn cho khách nước ngoài.
Singapore trở nên náo nhiệt khi bắt đầu chào đón du khách vào tháng 4 vừa qua.
Không chỉ nới lỏng biên giới, các quy định, thủ tục khi cách ly cũng trở nên đơn giản, khiến quá trình chuẩn bị cho chuyến du lịch nước ngoài của teen nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Chỉ việc đi mà chẳng cần lo chi?
Nếu đang “nằm vùng” các group du lịch nước ngoài để lên kế hoạch cho một chuyến đi nước ngoài, chắc hẳn bạn đã được nghe kể không ít sự cố “để đời” khi du lịch dịp hậu dịch bệnh của những người trong cuộc.
Một thành viên trong group Du lịch Thái Lan chia sẻ câu chuyện về chuyến đi của mình khiến hội du lịch hoang mang: “Chuyến đi của mình hết tới gần 50K baht (khoảng 37 triệu đồng) - mức chi phí khủng cho chuyến du lịch ở Thái Lan. Lý do là vì lúc đến Thái Lan, tất cả du khách đều phải test lại và mình không may dương tính với COVID-19. Mình không có triệu chứng gì và phải điều trị ở một khách sạn có liên kết với bệnh viện (gọi là hospitel), do bên đó chỉ định. Điều trị xong mới nhận lại một hóa đơn lên tới gần 20K baht (khoảng 15 triệu đồng). Sau đó mình có hỏi các anh chị thì được nhắc nhở là mình có thể yêu cầu họ chuyển tới bệnh viện công do không có điều kiện chi trả”.
Trước đó, chính sách nhập cảnh vào Thái Lan nhận về không ít ý kiến trái chiều.
Hiện tại, Thái Lan đã bỏ yêu cầu xét nghiệm sau khi nhập cảnh, nhưng vẫn còn quốc gia thực hiện chính sách này. Bên cạnh đó, hội cuồng chân còn có thuật ngữ “bẫy COVID” để nhắc nhở nhau phải tìm hiểu thông tin và lựa chọn thật cẩn thận, tránh khi ở nơi đất khách lại không may chưa thỏa mãn điều kiện nhập cảnh, hoặc dễ gặp hơn là dương tính với “Cô Vy”.
Không chỉ vậy, chuyến đi đến nước bạn còn cần teen phải dè chừng với những kẻ lừa đảo. Ở thời điểm này, giá vé máy bay tăng cao khi số chuyến bay hạn chế, khách sạn rơi vào mùa cao điểm… Những điều này khiến chi phí đi tour nước ngoài không hề rẻ chút nào, trong khi nhu cầu “xê dịch” lại lớn hơn bao giờ hết. Lợi dụng điểm này, các quảng cáo bán tour giá rẻ, combo khách sạn + vé máy bay ưu đãi của hội lừa đảo dễ dàng thu hút sự chú ý của teen và gia đình.
Mùa Hè vốn là mùa cao điểm du lịch, năm nay lại càng trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Cách để giữ chuyến đi xa “xanh mượt”
Đi du lịch nước ngoài vốn đã cần phải chuẩn bị kỹ càng, nhất là khi các nước vừa mở cửa đón khách với nhiều sự thay đổi. Bí kíp cho chúng mình là nhanh chóng thích nghi để kỳ nghỉ dưỡng mùa Hè có thêm trải nghiệm tuyệt vời thay vì “mua” sự phiền não.
- “Nạp” đủ thông tin về chính sách du lịch của những quốc gia bạn muốn đến: Có quốc gia thậm chí còn thay đổi quy định tùy thuộc vào tình trạng số ca nhiễm nội địa, nên chính sách cũng “thiên biến vạn hóa” theo. Điều bạn cần làm là cập nhật tin tức mới nhất, lưu ý mốc thời gian áp dụng và thu thập thêm tin tức xung quanh quy định đó. Chẳng hạn như Hàn Quốc yêu cầu xét nghiệm sau khi nhập cảnh, vậy nếu dương tính, bạn sẽ điều trị như thế nào, ở đâu, chi phí ra sao…
Mỗi quốc gia có chính sách nhập cảnh riêng, hãy kiểm tra cổng thông tin của Đại sứ quán và Tổng cục du lịch của quốc gia đó.
- Dè chừng với những “cú lừa” từ hội bán tour: Mùa cao điểm như dịp Hè được coi là “đại bản doanh” của hội lừa đảo, không chỉ du lịch quốc tế mà còn ở trong nước. Bạn cần cẩn thận với những bài đăng “có cánh” trên Facebook, chiến dịch giảm giá hời đến mức khó tin.
- Xác nhận lại review “chuẩn”: COVID-19 đã thay đổi ngành công nghiệp du lịch và rất nhiều lĩnh vực khác. Vậy nên sau 2 năm vắng bóng khách du lịch, không điều gì có thể đảm bảo rằng nhà hàng bạn muốn đến, quán café bạn muốn đi vẫn còn hoạt động hay giữ nguyên khung thời gian mở cửa như trong review. Bạn có thể đối chiếu với bác Gúc hoặc các kênh mạng xã hội để tránh lãng phí thời gian trong chuyến hành trình của mình nhé!
Nguồn: [Link nguồn]
Bước vào vườn cây ăn quả, ngắm nhìn những vườn táo chi chít quả ngọt trên cành, rồi tự tay mình hái một hoặc hai trong số rất nhiều quả táo đang rộ chín ở Hàn Quốc chắc...