Gần 100 nghìn lượt khách đến phố đi bộ Sơn Tây sau một tháng khai trương
Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) thu hút đông đảo du khách địa phương và lân cận nhờ các hoạt động đa dạng và công tác tổ chức bài bản.
Điểm hẹn cuối tuần của du khách
Thời gian qua, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã và đang trở thành địa chỉ "nóng" để người dân thị xã và các huyện lân cận tìm đến vui chơi, giải trí vào các dịp cuối tuần. Công tác tổ chức chu đáo, chương trình nhiều thay đổi và an ninh tốt là điểm cộng của tuyến phố đi bộ "non trẻ" nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Năm du lịch Sơn Tây và tuyến phố đi bộ được xác định là động lực để tái khởi động việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương sau 2 năm bùng dịch COVID-19
Tuyến phố đi bộ quanh hào Thành cổ Sơn Tây chính thức khai trương và đi vào hoạt động từ tối 30/4/2022. Tuyến phố có tổng chiều dài 820m, diện tích sử dụng 34.550m2; Kéo dài từ cổng cũ trụ sở UBND thị xã (phố Phó Đức Chính) đến cầu Cửa Tiền (ngã 3 Quang Trung - Nguyễn Thái Học). Thời gian hoạt động từ 19 giờ thứ Bảy đến 12 giờ Chủ nhật hằng tuần. Đây là không gian đi bộ thứ tư của Hà Nội, sau không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội và không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn.
Thời gian qua, không gian đi bộ thành cổ Sơn Tây đã diễn ra trên 100 buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tại 8 điểm sân khấu chính và các khu vực xung quanh. Các hoạt động được tổ chức đa dạng theo từng chủ đề, phù hợp với nhiều đối tượng từ thanh thiếu nhi cho đến người cao tuổi.
Nhân dân và du khách thập phương đã tham gia trải nghiệm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao sôi động… trong không gian tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây
Một số hoạt động gây chú ý có thể kể đến như: Hội thi áo dài, thi đánh cờ, nông dân đua tài, chào mừng SEA Games 31, khiêu vũ, nhảy hiện đại. Các hoạt động như: Nặn tò he, trò chơi dân gian, viết thư pháp, vẽ truyền thần, bóng bay nghệ thuật... Bên cạnh đó, trong khuôn viên phố đi bộ, khu vực gian hàng trò chơi, đồ lưu niệm, ẩm thực xứ Đoài hay hoạt động triển lãm hoa lan vừa qua cũng đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân.
Một điểm cộng khác của phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là công tác đảm bảo an ninh trật tự. Sau hơn 1 tháng hoạt động, phố đi bộ Sơn Tây cơ bản đáp ứng các yêu cầu về trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, văn minh thương mại và công tác phòng, chống dịch, bám sát đề án ban đầu, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Đưa du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế
Sơn Tây xưa là một trong “tứ trấn”, nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long, còn gọi là trấn Đoài với vị thế đã từng là thủ phủ xứ Đoài xưa, là đô thị cổ được hình thành từ thế kỷ XV. Trong tâm thức của đa số người Việt, thị xã Sơn Tây được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “đất hai vua”. Trầm tích văn hóa là nét đặc sắc của vùng đất này với với 244 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 19 di tích và 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tiêu biểu như: Đền Và, chùa Mía, đình Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền, Văn miếu Sơn Tây, Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm…
"Tuyến phố đi bộ Sơn Tây góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của thị xã và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài", đồng chí Trần Anh Tuấn, Bí thư Thị ủy Sơn Tây cho hay
Thời gian qua, thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng về điều kiện tự nhiên, văn hóa - xã hội, lịch sử truyền thống và nguồn lực con người cho phát triển kinh tế - xã hội; Đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch, trong đó chú trọng các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn với du lịch tâm linh, văn hóa và trải nghiệm nhằm phát huy các giá trị văn hóa để phát triển du lịch, dịch vụ và kinh tế đô thị của thị xã.
Ngày 30/4 vừa qua, thị xã Sơn Tây đã khai trương năm du lịch "Về Sơn Tây - về miền di sản". Trong đó, tuyến phố đi bộ được coi là điểm nhấn mới mẻ, sáng tạo. Được biết, thị xã Sơn Tây xác định hoạt động tuyến phố đi bộ là điểm nhấn trong năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài 2022 và sẽ là tiền đề bứt phá, khơi dậy tiềm lực to lớn cho sự phát triển của thị xã, đặc biệt là phát triển kinh tế đêm gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu cùng với phát huy tiềm năng khu du lịch địa phương.
Đồng chí Trần Anh Tuấn, Bí thư Thị ủy Sơn Tây, cho hay:“Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là một trong 4 tuyến phố đi bộ của TP Hà Nội khi đưa vào hoạt động sẽ phát huy lợi thế của di tích thành cổ. Tuyến phố kết hợp với các tuyến phố nội thị, các công trình văn hóa khu vực trung tâm nhằm tạo ra một không gian văn hóa cộng đồng xung quanh tòa thành 200 năm tuổi uy nghi và cổ kính; Đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm, khám phá ẩm thực của Nhân dân địa phương và khách du lịch đến Sơn Tây mỗi dịp cuối tuần. Từ đó, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của thị xã và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá xứ Đoài”.
"Ngôi nhà di động" là một trong những điểm mới hấp dẫn của du lịch Sơn Tây
Thời gian tới, nhằm tiếp tục thu hút du khách đến với phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây vào mỗi dịp cuối tuần, thị xã sẽ xây dựng kế hoạch, triển khai thêm chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao khá đặc sắc, hấp dẫn. Vào đầu tháng 7 tới, tại phố đi bộ sẽ diễn ra giải đua thuyền quanh hào thành cổ và hoạt động này sẽ được duy trì hằng tháng, hằng quý.
Ban tổ chức tuyến phố cũng sẽ phối hợp với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây) đưa các đoàn văn hóa văn nghệ của đơn vị đến giới thiệu, quảng bá về văn hóa các dân tộc tại phố đi bộ, tạo thêm nhiều màu sắc văn hóa hấp dẫn. Ngoài ra, vào sáng Chủ nhật hằng tuần, tuyến phố sẽ tiếp tục có các hoạt động triển lãm, tổ chức các gian hàng ẩm thực, trưng bày sản phẩm OCOP, thể thao đường phố…
Những quần thể văn hóa tiêu biểu, như: Thành cổ Sơn Tây, đền Và, chùa Mía, làng cổ ở Đường Lâm, Văn miếu Sơn Tây... cùng khu du lịch hồ Đồng Mô với sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam và hệ thống các điểm du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn sẽ là điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng của đông đảo du khách.
Nguồn: [Link nguồn]
Điệp vàng là một loài hoa của mùa hè, có thời gian ra hoa khá dài, bắt đầu từ tháng 5 đến tận tháng 8.