Đừng kêu chán nữa, lên Tây Bắc đi!

Sự kiện: Phượt

Bắt đầu từ một câu than vãn: chán quá, chán thế, chán không chịu nổi “tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người” của một dân công sở, lời kêu gọi “đừng kêu chán nữa, lên Tây Bắc đi” được hưởng ứng ngoài mong đợi. Thực ra, từ lâu “lên Tây Bắc” đã là một cách dân phượt dùng để chữa nhiều bệnh.

Đi xa để chữa thất tình

Ví dụ vô cùng nổi tiếng của “phượt để chữa thất tình” là Đinh Hằng, cô gái sinh năm 1987, đã đem chính câu chuyện của mình viết thành sách “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” best seller 2015 (đã bán được 19 ngàn bản).

Đừng kêu chán nữa, lên Tây Bắc đi! - 1

Đinh Hằng trong chuyến chinh phục nước Mỹ

Lý do chuyến hành trình nước Mỹ của Hằng bắt đầu từ một tình yêu tan vỡ. Cô gái trẻ đối mặt với cú sốc thất tình, đau đớn đến mức có lúc đã suýt đâm đầu vào tàu điện ngầm tự sát. Sau đó, chính những chuyến đi xuyên Mỹ từ bờ Đông sang bờ Tây trong suốt nửa năm đã cứu vớt cô. Cảm giác “bừng tỉnh” đến với Hằng khi cô nằm trên tảng đá bên bờ vực, ngắm hoàng hôn rơi xuống Islands in the Sky (công viên Canyonlands), một thứ hoàng hôn kỳ vĩ và đẹp đến nghẹt thở. Chỉ trong khoảnh khắc những đám mây nhuộm ánh vàng mê hoặc trôi vội vã trên đầu, cô như bừng tỉnh khỏi cơn u mê đã kéo dài suốt nhiều tháng liền, và nhận ra nhiều điều trong cuộc sống. Trong đó, điều quan trọng nhất là mình còn quá trẻ để chết giữa tuổi thanh xuân.

Một ví dụ khác, Nguyễn Thụy Phương (26 tuổi, nhân viên VCCI) cũng được share rất nhiều trong các forum “làm sao để chữa thất tình”. Phương chia tay người yêu, sụt liền 6kg, “mặt mũi nhợt nhạt và quên mất mình phải cười như thế nào”. Cô quyết định một mình đi Campuchia để vá víu con tim.

Ở Campuchia, cô thuê riêng một anh lái tuk tuk tên Rohth (sau này Rohth đã trở thành hướng dẫn viên rất được các phượt nữ yêu mến và truyền nhau điện thoại) chở đi đến tất cả những địa điểm đẹp nhưng ít khách du lịch. Ví dụ chợ Tuol Tom Pong chuyên mua bán đồ cổ sầm uất nhất của cả vùng Đông Nam Á. Ví dụ, bờ Tonle Sap để ném từng đồng xu xuống nước, hy vọng những nỗi buồn của cũng theo gió mà đi. Phương kể, vào Angkor Wat, đứng trước tượng thần Vishnu cô không cầu mong tình yêu mới, không cầu mong tiền tài, thành công, cô chỉ cầu cho mình có đủ sức mạnh để đối mặt với những bất an trong lòng.

Mười ngày ở Campuchia, Phương được Rohth dẫn đi thăm thú hầu hết mọi nơi. Đến Ta Prohm, nơi được xem như biểu trưng của sự hoang tàn và đổ nát tại Angkor, nơi Angelina Jolie đã diễn Tomb Raider. Ở đây, Phương bị choáng vì những cây cổ thụ ngàn năm mọc rải rác bên trong đền. Choáng vì câu chuyện của những người bán hàng rong, chủ yếu là nạn nhân của mìn bẫy. Cô bảo: “lúc ấy như bị đánh vào đầu, không hiểu tại sao trước đó lại có ý nghĩ rằng toàn bộ niềm vui sống của mình thế là đã đi theo một người đàn ông đang ở cách xa hàng nghìn cây số? So với những người không lành lặn ở đây, nỗi bất hạnh của tôi có là gì? Thế mà họ vẫn cố gắng sống, làm việc và nở nụ cười mỗi ngày”.

Bác sĩ tâm lý Nguyễn Thiên Hà (BV Bạch Mai) cho rằng: đi xa để chữa các sang chấn tâm lý là một liệu pháp tốt. Thời gian đi chơi (có thể đi một mình nếu đủ sức khỏe hoặc đi với người thân, bạn bè) là một khoảng lặng để họ có thể nhìn lại và học cách buông. Ra ngoài thế giới chật hẹp quen thuộc, va đập với thế giới bên ngoài, nhìn thấy nhiều cảnh ngộ hơn, sẽ khiến khả năng thăng bằng tâm lý được rèn luyện và nâng cao.

Đừng kêu chán nữa, lên Tây Bắc đi! - 2

Quỷ Cốc Tử Ngô Trần Hải An

Đi đã rồi về hãy tự tử!

Câu chuyện “đi đi rồi về hãy tự tử” của Quỷ Cốc Tử cực kỳ nổi tiếng trong cộng đồng phượt nói chung và trong giới trẻ nói riêng. Quỷ Cốc Tử là nick của Ngô Trần Hải An (sinh năm 1981, sáng lập nhóm phượt 3ackpackers) - phượt thủ đầu tiên của Việt Nam được Thái Lan mời tổ chức chương trình riêng với hành trình khám phá đất nước này. Trước đó, Hải An từng thi trượt đại học. Cũng từng qua cảm giác “mọi cánh cửa như đóng sập trước mắt”. Rồi An tìm đến phượt. Trở thành: người đầu tiên khám phá những cung đường phượt mới như: Mốc biên giới 79 cao nhất Đông Dương (2.889 m), mốc 42 cao thứ hai Đông Dương, cực đông, núi Tà Chì Nhù, Hòn Hải; Diễn giả do Đại sứ quán Malaysia tổ chức giới thiệu du lịch nước này...

Kinh nghiệm vượt stress của Hải An còn được sinh viên các trường đại học dựng lại bằng đồ họa và truyền nhau như kiểu một cẩm nang sống. Trong số năm việc “phải làm” Hải An dành đến hai việc liên quan đến đi và cho là: “Đi đu lịch một nơi nào đó mà bạn có thể giao lưu và trò chuyện với người dân xung quanh” và “Tham gia hoạt động cộng đồng: từ thiện, nhân văn, môi trường, tổ chức phi chính phủ”…

Nguyễn Thanh Hà (Hà Nội) có câu chuyện riêng cũng rất được quan tâm: “Trước khi lên Bắc Hà tôi bị sếp mới “đì-lay” suốt nửa năm trời. Bố ốm phải nằm viện hai tháng làm huyết áp cả nhà trồi lên trụt xuống chóng mặt. Cộng thêm tôi vừa chia tay bạn trai. Phải nói là lúc này rất có tâm trạng muốn chết.

Bạn tôi mới thi được bằng lái ô tô nên cứ nì nèo tôi cùng mạo hiểm với chị trên con Gezt bé tẹo mượn của mẹ chồng. Lúc này tôi không yêu đời lắm, nên cũng không cân nhắc đến chuyện chị mới nhận bằng. Đến khi đâm lao rồi mới sợ. Cái xe lúc lượn trái, khi lượn phải, đảo như rang lạc trên đường dù chúng tôi đi rù rì 40km/h.

Đến đoạn đường hiểm nhất thì cái xe xịt lốp. Trời mùa đông tối rất nhanh. Giữa đường đèo heo hút gió, trơ khấc hai đứa con gái chân yếu tay mềm làm tôi run lập cập. Đợi xe cứu hộ của bảo hiểm chắc phải hai ba tiếng là ít. Xung quanh không nhà cửa, không bóng người, tóm lại là không có bóng dáng của niềm hy vọng. Cũng may, chờ một tiếng thì gặp anh phượt bụng phệ mặt đen xì đi xe Minsk. Tôi gần như lao ra giữa đường túm chặt ghi đông xe người ta nhờ cứu giúp. Anh ấy xuống xe, tháo mũ, thăm khám một hồi rồi phán: - Xe có lốp dự phòng, sao không thay mà đi? Hai con ngố mắt chữ A mồm chữ O lắc đầu nguầy nguậy. Anh phượt chỉ mất khoảng hai mươi phút để khởi động xe bình thường. Chúng tôi lại lúc la lúc lắc dò dẫm lái xe theo xinhan của anh. Khi thoát hiểm, tôi nhảy khỏi xe, chỉ tay lên trời thề từ đây về sau không bao giờ dám đùa với mạng sống của mình nữa. Ý định đi về rồi chết lúc mới khởi hành cũng bị tôi ném đi tận xó xỉnh nào mất rồi”.

Đừng kêu chán nữa, lên Tây Bắc đi! - 3

Trên đường phượt, khó khăn luôn xuất hiện cùng với những bài học kỹ năng sống

Phượt để dạy con

Phượt thủ Trần Đức Hải (Hà Nội) kể: Chị bạn tôi có thói quen năm nào cũng đưa con đi vùng cao một chuyến vào dịp hè. Càng nơi hẻo lánh heo hút, chậm phát triển càng tốt. Lý do của chị là để cho con có thêm những trải nghiệm mà nếu chỉ ru rú trong thành phố thì nó không bao giờ biết mở cửa trái tim.

Tôi công chức văn phòng, quanh năm cũng chỉ ru rú trong bốn bức tường, giao tiếp với xã hội chủ yếu bằng internet, xem lại những bức ảnh trong các hành trình của chị tự nhiên cũng thấy cuộc sống của mình quá chật.

So với cô bé con 5 tuổi ở Lào Cai, sáng sớm theo mẹ lên nương, học cầm cuốc, cầm liềm. Tuổi của nó không còn được ưu ái địu trên lưng như trong những bức ảnh du lịch ta thường thấy nữa rồi. Làm việc đồng chưa thạo, nó phải làm những việc nhẹ hơn: nhặt cỏ, thu bắp, hái rau. Đầu trần không nón mũ. Mũi xanh lấm lem.

So với đám trẻ Lai Châu đứa nào đứa nấy đen nhẻm, bé tí đã phải phụ chị đem cây nhà lá vườn ra đường quốc lộ bán cho khách vãng lai. Đồ của chúng chẳng phải tươi ngon bổ béo gì: vài bắp ngô, ít táo mèo bầm dập với một cái cân đã tuột hai quai xích. Bán được hàng mới có tiền phụ mẹ mua thức ăn. Quần áo mới với sách giáo khoa cải cách tính sau đi!

Trong khi ta hàng ngày vẫn phải chiến đấu chật vật với những câu chuyện đời quá nhạt, với những cơn trầm uất rất vô duyên vô cớ, thì đám trẻ này, đối tượng chinh phục to lớn nhất của chúng, chỉ là miếng ăn thôi!

Cũng chính Hải là người kêu gọi: đừng kêu chán nữa, lên Tây Bắc đi! Chỉ một tuần sau khi lời kêu gọi phát ra, đã có ba nhóm từ thiện phượt Tây Bắc, họ đến lần lượt: Yên Minh, Quản Bạ và Xín Mần (ba huyện nghèo nhất Hà Giang) để tặng sách vở, quần áo và đồ chơi cho trẻ em ở đây. Rất nhiều thư phản hồi kể rằng: chuyến đi đã làm thay đổi con người họ. Rằng so với những đứa trẻ vùng cao hàng ngày phải đi bộ năm sáu cây số đường núi mới đến được nơi học chữ, mọi lời than vãn nhạt nhẽo đều chẳng đáng nhắc đến!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đạt Nhi (Tiền phong)
Phượt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN