Du xuân qua những miền lễ hội tháng Giêng
Góp phần làm nên nét văn hóa dân gian độc đáo của Tết cổ truyền Việt Nam là những lễ hội dọc miền đất nước diễn ra suốt tháng Giêng.
Lễ hội chùa Hương vừa chính thức mở hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng
Trong tâm thức người Việt, lễ hội luôn có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần. Thông qua lễ hội, nhu cầu văn hóa và tâm linh của cộng đồng được thỏa mãn, các truyền thống và phong tục tập quán được duy trì.
Những lễ hội trải dài khắp 3 miền giúp mọi người được trải nghiệm hương vị Tết truyền thống theo các phong tục khác nhau.
Chùa Hương
Mỗi dịp xuân về, phật tử cùng du khách bốn phương lại nô nức trẩy hội Chùa Hương, hoà mình vào non Tiên cõi Phật vãn cảnh, lấy lại sự cân bằng trong tâm thức và cầu mong cho một năm mới an lành, sung túc. Chùa Hương khai hội Mùng 6 Tết hằng năm trên địa bàn xã Hương Sơn, thuộc địa phận huyện Mỹ Đức, Hà Nội (trước đây là tỉnh Hà Tây). Nhưng từ mùng 2 Tết, trên dòng Suối Yến đã tấp nập đò đầy chở khách đi lễ chùa. Hiếm có lễ hội kéo dài và đông đúc trong suốt ba tháng liền như lễ hội Chùa Hương. Từ khi có cáp treo, du khách thường vãn cảnh và đi lễ Chùa Hương trong một ngày nhưng để khám phá cả 3 tuyến du lịch (Hương Tích, Long Vân, Tuyết Sơn) và hiểu được trọn vẹn không khí sinh hoạt văn hóa của lễ hội, sẽ phải nghỉ lại một đến hai đêm giữa khung cảnh non nước hữu tình đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh ấy.
Hội Lim
Hội Lim
Muốn hiểu về vùng đất Kinh Bắc xưa nổi tiếng với những câu truyện cổ cùng những sự tích văn hoá đã đi vào thi ca, lịch sử, không thể không một lần đến Hội Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), diễn ra từ ngày 13 tháng Giêng hằng năm.
Hội Lim là hội của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương, là lễ hội lớn của vùng, thể hiện một cách sâu nhất văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của người dân xứ Kinh Bắc. Vốn có truyền thống lịch sử từ lâu đời, từ ngày mở hội sẽ diễn ra nhiều nghi lễ rước, tế lễ và các hoạt động nghệ thuật dân gian hết sức phong phú và trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm… Trong đó, giữ hồn du khách thập phương là các hội hát quan họ - loại hình dân ca đã trở thành tài sản văn hóa chung của dân tộc. Khi liền anh trong trang phục khăn xếp áo the, liền chị duyên dáng trong tà áo mớ ba mớ bảy, đầu chít khăn mỏ quạ, mang nón thúng quai thao, cất lên những câu hát giao duyên say đắm, thắm đượm nghĩa tình mang dấu ấn đặc trưng của cả một vùng di sản là khi bạn biết rằng mình sẽ có cả một mùa xuân đáng nhớ.
Hội Xuân núi Bà Đen
Hội xuân núi Bà Đen
Đến hẹn lại lên, Hội xuân núi Bà Đen (Tây Ninh) năm nay diễn ra từ mùng 4 Tết với chủ đề “Hương Sắc Tây Ninh”, thu hút dòng người tấp nập về hành hương, tham quan du lịch. Núi Bà Ðen bắt nguồn từ truyền thuyết người con gái tên Ðênh (sau gọi chệch sang là Ðen) sùng phật đạo, con một viên quan trấn thủ người Miên. Do từ chối ép duyên với con quan trấn vùng Trảng Bàng, nàng Ðênh bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo và qua đời ở đó. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”.
Là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất ở phía Nam, Hội xuân núi Bà Đen mang tính chất của các hoạt động tín ngưỡng và của Phật giáo, thể hiện những mong ước của người dân về một cuộc sống an khang, thịnh vượng.
Lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội
Lễ hội bơi chải Thuyền rồng trên Hồ Tây
Mở đầu cho hoạt động văn hóa năm mới tại Hà Nội còn có Lễ hội bơi chải Thuyền rồng trên Hồ Tây. Diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/2 (tức ngày 15-16 tháng Giêng), lễ hội quy tụ gần 850 vận động viên của 53 đoàn trong nước và quốc tế tham gia đọ sức. Trong 2 ngày diễn ra lễ hội, các đội thi sẽ được chia thành nhóm chuyên nghiệp và nhóm phong trào. Đặc biệt, nội dung thi đấu chuyên nghiệp năm nay có sự tham gia của các tay chải đến từ các đội mạnh quốc tế: Nhật Bản, Australia, Lào, Quảng Tây -Trung Quốc và Singapore hứa hẹn đem lại không khí tranh đua vô cùng gay cấn, quyết liệt. Trong khi đó, lượt thi đấu của các nhóm phong trào gồm các quận, huyện, thị xã và các đại sứ quán, cơ quan, doanh nghiệp thuộc thành phố sẽ đem lại cho người xem cảm nhận về bước phát triển đa dạng trong hoạt động thể thao, văn hóa, giúp nâng cao thể chất và tinh thần cho người dân. Đến với lễ hội, bạn sẽ có cơ hội hòa mình vào lễ diễu hành của các vận động viên đua thuyền và một số bộ môn thể thao dưới nước. Giữa các màn tranh tài gay cấn là các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, hứa hẹn đem đến bầu không khí lễ hội sôi động cho du khách trong dịp xuân mới.
Năm 2020 Ninh Bình sẽ đăng cai Năm du lịch quốc gia. Mảnh đất cố đô những năm qua được biết đến là một trong những...
Nguồn: [Link nguồn]