Du lịch thay đổi thế nào trong 10 năm nay?
Bạn đã bao giờ nghĩ một thập kỉ hay hai thập kỉ trước việc đi du lịch đã từng thế nào? Với các bạn trẻ vừa bắt đầu những chuyến rong chơi trong thời đại công nghệ số bùng nổ, việc trở lại những năm cuối thế kỉ 20, đầu thế kỉ 21 sẽ vẽ ra một bức tranh du lịch không kém phần lý thú.
Bảo vệ tấm vé máy bay như mạng sống của mình
Nếu chọn đi vòng quanh thế giới bạn sẽ được chào đón đến thế giới “khủng khiếp” của vé máy bay. Mỗi chặng bay sẽ là một tệp vé với đủ các loại thông tin và nhiệm vụ của bạn là phải giữ tấm vé ấy một cách an toàn từ khi mua cho đến lúc ra đến tận quầy làm thủ tục. Nếu không may làm mất vé, có nhiều khả năng bạn sẽ cần bỏ tiền ra mua một tấm vé mới.
Bạn còn nhớ hay từng thấy qua những tấm vé máy bay kiểu này. Ảnh: iStock.
Tráng phim và rửa ảnh
Để ghi lại những khoảnh khắc trên đường đi, đầu tiên bạn cần mua phim, sau đó là nhét vào máy ảnh tự động hay máy cơ (tất nhiên là không có màn hình) và phó mặc cho tay nghề của người cầm. Sau những chuyến đi là giây phút hồi hộp ra tiệm tráng phim và rửa thành ảnh tùy kích thước. Tất nhiên không thể thiếu quyển album nhỏ xinh họ khuyến mãi khi bạn in đủ 36 tấm ảnh.
Đi tìm nơi nào đó để chép ảnh ra đĩa CD
Với những thẻ nhớ giới hạn (128MB hay 256MB), kỉ nguyên đầu của máy ảnh kỹ thuật số đã làm nhiều du khách phải tìm các tiệm máy tính để nhờ họ “đổ” hay “burn” ra đĩa CD vì lý do hết card. Nếu không mang máy tính (rất vướng víu và nặng đối với những tay du lịch bụi) thì việc phải vất vả tìm chỗ đổ hình thì ai cũng từng 1 lần trải qua.
Dành thời gian ở quán café internet
Một trong những trải nghiệm vất vả và khổ sở không kém là ngồi chờ đến lượt tại các tiệm internet để gửi ảnh, checkmail hay liên lạc với gia đình bạn bè. Hoặc một số du khách bị nghiện net giai đoạn đầu tiên thường phải tạt ngang đâu đấy xem trong danh sách bạn bè trên yahoo của mình có ai “sáng đèn” hay không.
Mang theo máy tính hay bút và giấy
Nhiều du khách trước đây mang theo những máy tính nhỏ cầm tay để thuận tiện cho việc quy đổi tỉ giá từ tiền của họ mang theo sang tiền bản địa, hoặc có người còn mang cả bút và giấy để làm những phép tính khi đi mua hàng ở chợ. Ngày nay, việc ấy bạn có thể làm với chiếc điện thoại di động của mình chỉ bằng vài thao tác.
Gọi những cú điện thoại quốc tế đắt không tưởng
Về cơ bản, nhiều du khách đưa ra lựa chọn gồm: gọi cho mẹ và gửi lời chúc mừng sinh nhật đến bà hoặc mua 5 – 6 ly bia bởi giá tiền cho hai hành động này đều ngang nhau. Khi internet chưa phổ biến, việc thực hiện những cuộc gọi xuyên biên giới trở thành một trong những chi phí cao nhất khi đi du lịch. Thông thường, món bia sẽ chiến thắng bởi vì nhiều du khách cảm thấy trả 3-4usd cho một phút gọi điện là điều khó “nuốt” trôi. Trừ phi…
Mua và đau đầu với các thẻ điện thoại giá rẻ
Với những tấm thẻ, bạn sẽ phải cào lớp tráng bạc với 15 chữ số, làm các thao tác phức tạp gồm nhiều bước từ gọi tổng đài, nhập các chữ số ấy và mới đến nhập số điện thoại kèm mã quốc gia bạn muốn gọi. Nếu không may ấn nhầm chỉ một trong các nút bạn sẽ phải làm lại mọi thứ từ đầu.
Bản đồ giấy
Khi đang đi trên con đường thành phố, bất chợt thấy có gì đó bất an, mở bản đồ ra và bạn sẽ lại rơi vào một thế giới khác. Đây là đường A nhưng đó là hướng đi ra bến xe hay trở ngược lại bảo tàng? Những câu hỏi kiểu này rất dễ gặp phải khi các tấm bản đồ xưakia sẽ là người bạn đồng hành suốt chặng đường của các du khách đi bụi.
Bản đồ giấy, bạn đồng hành của các tay du lịch cách đây khoảng hơn 1 thập kỉ.
Mang theo đủ loại guidebook nặng như gạch
Bạn đang đi châu Âu trong vòng 1 tháng, Đông Nam Á qua 5 nước hay liên tuyến Mỹ và Canada.Từng ấy quốc gia tương đương với từng cuốn sách trong ba lô và nhiều nhà xuất bản như Lonely Planet, Rough Guide, … lúc nào cũng cập nhật sách mới cũng nhưng cung cấp nội dung thật cần thiết. Lúc đấy, chưa có Tripadvisor hay Lonely Planet bản e-book và thật khó để có thêm chỗ nhét quần áo khi guidebooks đã chiếm quá nhiều khoảng trống và cân nặng.
Có địa chỉ mail nhưng không ai gửi đến
Nhiều du khách cảm thấy thật tuyệt khi họ lần đầu tiên sở hữu một địa chỉ email và sau đó đi du lịch với cảm giác có ai đó sẽ gửi email cho mình. Tuy vậy sự thật rằng trong cả hai tuần bạn vắng mặt, không hề có email nào được gửi đến đơn giản vì khi ấy có quá ít người dùng email hay biết email của bạn và quảng cáo qua internet vẫn còn là điều gì đó xa lạ.
Bận rộn với việc giao tiếp “thật”
Bạn còn nhớ những lúc đi du lịch trước khi có mặt Facebook?Bạn phải gặp gỡ người bản địa, hỏi đường họ, lắng nghe những câu chuyện kể hay giao tiếp với các du khách đồng hành khác. Khác với thời hiện đại khi sóng wifi phủ khắp nơi và các e-guidebook có thể mua hay download miễn phí bất cứ lúc nào, bạn sẽ phải dựa vào tài giao tiếp và trở nên cởi mở hơn dù không phải tuýp người phóng khoáng để có thể lấy được các thông tin cần thiết từ bất cứ nguồn nào.
Mang theo máy nghe đĩa hay băng
Không có gì kì lạ khi chiếc máy nghe đĩa hay băng của bạn chiếm phần lớn balô và chẳng dễ dàng gì để nhét vào túi áo khoác chứ chưa nói đến túi quần jean. Thế hệ đĩa CD hay băng từ đã qua nhưng ít nhiều nó cũng để lại cho các du khách một thời để nhớ.
Mang theo “chéc” (cheque) du lịch
Có ai còn nhớ cảm giác sợ bị mất một tấm giấy có giá trị vài trăm đến cả ngàn usd? Đó là những tờ séc hay cheque dành do du khách. Họ có thể dùng nó để đổi lấy tiền thật tại các điểm đến mà không phải mang theo ngoại tệ từ nhà.
Cheque du lịch, thứ không thể thiếu trong hành trình trước đây của các du khách - Ảnh iStock
Phải bám chặt kế hoạch vạch ra sẵn của mình
Bạn có cuộc hẹn với một người bạn lúc 3h chiều tại quảng trường Trafalgar nổi tiếng ở nước Anh hay cổng Brandenburg ở Berlin, vậy hãy làm mọi cách để đến đó lúc 3h giờ bởi vì không có ai lẫn không có phương tiện nào để bạn nhắn tin khi mà thời đại số lúc ấy chỉ dừng ở những chiếc điện thoại màn hình trắng đen có gắn sim với giá đắt đỏ. Tất nhiên là bạn cũng không thể tìm thấy sóng wifi hay định nghĩa về các phần mềm như line, viber, zalo hay mạng xã hội kiểu facebook, twitter…
Lưu trú tại nơi mà bạn không hề biết gì về nó
Bạn đặt phòng trọ, khách sạn dựa trên những thông tin hiếm hoi có được từ các quyển sách hướng dẫn hay thậm chí lên đường khi không biết tối nay mình sẽ ngủ đâu. Điều này diễn ra thường xuyên với dân du lịch bụi và bạn sẽ không biết trước căn phòng mình có nước nóng hay không, cảnh quan xung quanh liệu có đúng như mô tả trong quyển sách đã xuất bản từ năm ngoái hay không. Các trang Hostelworld hay TripAvisor hay Rough Guides khi ấy chưa tồn tại và bạn sẽ chỉ trông vào sự may mắn.
Xem phim trên máy bay bằng những màn hình nhỏ xíu
Đừng nghĩ những màn hình đó dành cho riêng bạn nằm cách 30cm trước mặt, người viết bài đang nhắc đến chiếc màn hình nằm cách bạn 5 – 6 hàng ghế được treo trên trần máy bay. Có phải bộ phim Titanic đang được chiếu đằng kiahay Forrest Gump, bạn sẽ chẳng biết cho đến khi đeo tai nghe vào và căng mắt dõi theo chiếc màn hình nhỏ phía xa.
Hàng không đã có nhiều phát triển nhưng bạn sẽ cảm thấy không khí ngày xưa như ùa về nếu đi trên những chiếc máy bay thế hệ cũ - Ảnh iStock